Thể thao Việt Nam: Trẻ hóa VĐV, mạo hiểm hay cơ hội?

24/02/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao

Tại buổi làm việc với Cục TDTT về công tác chuẩn bị SEA Games 33 cũng như một số nhiệm vụ quốc tế quan trọng trong thời gian tới hôm 19/2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương đã "nhắc" ngành thể thao hãy mạnh dạn hơn trong việc sử dụng VĐV trẻ. Thậm chí là ngay tại SEA Games cuối năm nay.

Về lý thuyết, vẫn còn nhiều thời gian cho công tác nhân sự của đoàn TTVN tham dự SEA Games 33. Hiện các đội tuyển vẫn đang trong quá trình sàng lọc, lựa chọn VĐV tốt nhất thông qua các giải vô địch quốc gia diễn ra từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, danh sách VĐV được các ban huấn luyện tính toán, dự kiến có khả năng cạnh tranh huy chương tại SEA Games 33 vẫn chủ yếu tập trung vào những VĐV đã quen thuộc, chưa có nhiều nhân tố mới.

Đây không phải là điều bất ngờ. SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan có khá nhiều áp lực cho đoàn Việt Nam do chủ nhà sẽ tìm cách cắt bỏ nhiều môn thế mạnh của Việt Nam, đối thủ lớn nhất của họ, khiến cho nhiệm vụ huy chương sẽ dồn lên nhóm môn cơ bản mà Thái Lan không thể bỏ. Điều này buộc các nhà quản lý phải cẩn trọng khi tính toán chỉ tiêu, và cách tốt nhất là trao trách nhiệm cho những gương mặt chủ chốt để có những con số an toàn.

Nhưng ở một góc nhìn khác, khi cơ hội tranh chấp ngôi đầu toàn đoàn với nước chủ nhà Thái Lan gần như không còn thì có thể nói, đấu trường SEA Games là bệ phóng quan trọng giúp TTVN vừa khẳng định vị thế của mình ở đấu trường khu vực, vừa có khoảng không gian – thời gian phù hợp để xây dựng một lực lượng VĐV chủ lực cho tham vọng vươn tầm châu lục và thế giới, nhất là Asiad 2026.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng ban huấn luyện không nên tính toán phương án quá an toàn để đảm bảo chỉ tiêu thành tích được giao mà hãy mạnh dạn lựa chọn những VĐV trẻ tài năng, có tiềm năng phát triển đường dài để đôn lên đội tuyển quốc gia, giúp họ có thêm cơ hội thi đấu cọ xát, thể hiện trình độ chuyên môn trong điều kiện tốt nhất.

Trẻ hóa VĐV: Mạo hiểm hay cơ hội? - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam ở SEA Games 33 cần tin tưởng vào những VĐV trẻ như Nhi Yến. Ảnh: Hoàng Linh

Theo ông Cương, chính những gương mặt trẻ, nhân tố mới đó biết đâu sẽ tạo nên những bất ngờ về thành tích, góp phần làm mới, dần thay đổi diện mạo và trở thành lực lượng VĐV kế cận chất lượng cho TTVN.

Trẻ hóa luôn là một phần trong chiến lược phát triển thể thao, nhưng áp lực thành tích luôn là trở ngại, đặc biệt là với SEA Games, nơi được xem là đấu trường gần nhất để TTVN có thể phô trương lực lượng. Nhưng câu chuyện mới nhất ở môn bắn súng đã cho thấy khía cạnh khác. Chúng ta đã để cho đến khi thực sự thất bại ngay tại SEA Games rồi mới "làm lại" với việc đôn nhiều VĐV trẻ lên đội tuyển. Ngay tại SEA Games kế tiếp, bắn súng Việt Nam đã có HCV ngay và kế tiếp là các thành tích châu Á cũng như để lại ấn tượng ở Olympic.

Nhìn nhận khắt khe thì TTVN đã và đang chia tay "thế hệ vàng", lứa VĐV tài năng trưởng thành ở giai đoạn 2011 - 2020, trùng với thời điểm chúng ta trở thành đối thủ duy nhất của Thái Lan ở đấu trường SEA Games cũng như chiến thắng nhiều huy chương nhất tại Asiad và Olympic. Nhưng sau Covid-19 đến nay, TTVN đã mất một khoảng thời gian không ít trong việc tái tạo nội lực. Từ Tokyo 2020, thành tích ở tầm thế giới, châu lục đã đi xuống thấy rõ.

Những đòi hỏi của kỷ nguyên phát triển mới, cũng như các tham vọng của Chiến lược 2030 -2045 đang thách thức ngành thể thao phải dũng cảm đột phá, thay đổi để trở nên tốt hơn, bắt đầu từ việc chuẩn bị lực lượng VĐV triển vọng cho tương lai, những người cần được trao cơ hội và niềm tin sớm hơn để họ thực sự dấn mình cống hiến. Hơn nữa, việc trẻ hóa lực lượng VĐV dù chắc chắn có những rủi ro về thành tích, nhưng cũng là áp lực buộc các HLV, nhà quản lý phải năng động trong việc xây dựng lực lượng thay vì chỉ nhắm đến thành tích trước mắt.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link