16/10/2014 16:54 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - U19 Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất của Thể thao Việt Nam phải nhận kết quả trái với kỳ vọng vì phán đoán sai năng lực của đối phương.
Cuộc phiêu lưu của U19 Việt Nam tại VCK châu Á 2014 đã kết thúc với việc chúng ta không thể có mặt trong vòng 4 đội mạnh nhất để góp mặt ở VCK U20 thế giới vào năm 2015. Đây là 1 kết quả không làm những ai quen thuộc với bóng đá Việt Nam cảm thấy bất ngờ, bởi với 1 nền bóng đá mà chưa từng 1 lần vượt qua vòng bảng ở các VCK U19 châu Á trước đó, và thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 3 ở vòng bảng thì việc góp mặt ở vòng bán kết là nhiệm vụ quá sức.
Nhìn từ U19 Việt Nam...
Đúng là U19 Việt Nam hiện nay đang sở hữu một dàn cầu thủ có tài năng rất hứa hẹn, và với những cầu thủ này, người hâm mộ mới lần đầu tiên được chứng kiến những màn so tài không quá chênh lệch giữa bóng đá Việt Nam với các tên tuổi lớn của bóng đá châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia. Tuy nhiên, khoảng cách về đẳng cấp giữa các nền bóng đá không thể mau chóng san lấp chỉ bằng một Học viện bóng đá, và vì thế, U19 Việt Nam chỉ được xem như là tia hy vọng để bóng đá Việt Nam hướng tới tương lai mà thôi.
Những ai theo dõi trận thua tan nát với tỷ số 0-6 của U19 Việt Nam trước U16 Hàn Quốc ở ngày khai mạc VCK U19 châu Á 2014 đều thấy rằng hầu hết các tuyển thủ U19 Việt Nam đã không còn là chính mình trong trận đấu đó. Lý do thì rất đơn giản, sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ và chỉ tiêu góp mặt ở bán kết để đoạt vé tham dự VCK U20 thế giới năm 2015 đã khiến đôi chân của các cầu thủ nặng như chì, và họ không sao thể hiện được những tố chất vốn có.
Giá như U19 Việt Nam đến với VCK U19 châu Á năm nay với mục tiêu học hỏi và cọ xát là chính thì có lẽ các học trò của HLV Guillaume Graechen có thể bước vào giải với tinh thần thoải mái, và biết đâu trong trạng thái không phải chịu bất cứ sức ép tâm lý nào như thế, U19 Việt Nam sẽ làm được những chiến tích vượt quá khả năng thực sự.
Tuy nhiên, bóng đá không có chỗ cho những mệnh đề giả định, và không biết bây giờ chúng ta nên buồn rầu hay vui mừng vì thành tích 2 lần đánh bại U19 Australia của U19 Việt Nam, bởi nếu không có 2 chiến thắng này, chắc chắn U19 Việt Nam sẽ không được kỳ vọng nhiều đến thế ở VCK U19 châu Á 2014, để rồi cuối cùng chúng ta phải nhận kết quả hoàn toàn trái ngược với mong muốn.
Nói theo một khía cạnh nào đó thì rõ ràng chúng ta đã không thật sự khách quan và chính xác trong việc đánh giá tương quan lực lượng của đối thủ, và từ đó dẫn tới việc đưa ra chỉ tiêu không chính xác và cuối cùng làm ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý cầu thủ.
Thực tế là nếu như bóng đá Việt Nam chỉ có 1 lứa cầu thủ U19 này để người hâm mộ gửi gắm hy vọng thì những nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm điều này từ cách đây hàng chục năm, để rồi bây giờ rất nhiều cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc dù đang ở độ tuổi thiếu niên song đã được các lò đào tạo trẻ uy tín của bóng đá châu Âu tiếp nhận. Hay như Trung Quốc dù không được xem là ông lớn của bóng đá châu lục nhưng cũng đã học theo cách làm của Nhật Bản, Hàn Quốc từ khoảng 5 năm trở lại đây, và bây giờ Trung Quốc cũng đã có cầu thủ trẻ khẳng định được năng lực bản thân ở bóng đá châu Âu.
Chúng ta đều biết rằng trong số 4 đội bóng nằm ở bảng C VCK U19 châu Á 2014 thì chỉ U19 Việt Nam là đội bóng không có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, và cả đội hình chỉ có tiền vệ Minh Vương được thi đấu ở giải VĐQG, trong khi các đội bóng còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc vừa có cầu thủ học việc ở châu Âu, Nam Mỹ, đồng thời cũng có không ít cầu thủ đang là thành viên của đội 1 thi đấu ở giải VĐQG.
Chưa nói tới khoảng cách về đẳng cấp giữa các nền bóng đá, chỉ sự chênh lệnh về kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao như vậy cũng có thể dẫn tới khác biệt trong kết quả thi đấu, và đấy là điều mà tất cả chúng ta đều biết sau khi theo dõi hành trình của U19 Việt Nam ở VCK U19 châu Á 2014.
... và nhìn từ ASIAD, Olympic
Tuy nhiên, U19 Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất của thể thao Việt Nam vì phán đoán sai năng lực của đối phương rồi dẫn tới việc phải nhận kết quả trái với ý muốn, mà kịch bản này đã xảy ra rất nhiều lần với thể thao Việt Nam ở các sự kiện thể thao quốc tế trong những năm qua, mà điển hình là ASIAD lần thứ 17 năm 2014 vừa kết thúc tại Incheon (Hàn Quốc) hồi đầu tháng này.
Rất nhiều hy vọng vàng của thể thao Việt Nam là những nhà vô địch thế giới như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo) đều vì xác định sai đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà cuối cùng chỉ nhận được HCB, cho dù họ đã thực hiện rất xuất sắc phần thi của mình bởi đối thủ đơn giản là có trình độ chuyên môn vượt trội.
Và đây không chỉ là vấn đề của cá nhân VĐV nào mà đã thực sự trở thành vấn đề của cả nền thể thao, bởi ở 2 kỳ ASIAD gần đây nhất cũng như ở Olympic London năm 2012, thể thao Việt Nam đều không thể hoàn thành chỉ tiêu huy chương vì thiếu sự đánh giá chính xác đối với năng lực bản thân cũng như năng lực đối thủ.
“Không chỉ tại Asiad 17 mà ở nhiều kỳ Á vận hội trước, TTVN thường mắc sai lầm khi xác định, hoặc áp đặt chỉ tiêu. Cụ thể ở ASIAD Doha, đoàn TTVN xác định giành 2-3 HCV, nhưng lãnh đạo ngành TDTT yêu cầu 4-6 HCV! Ở ASIAD Quảng Châu lại yêu cầu 5-6 HCV (kết quả đạt 1 HCV); còn trong Chiến lược thể thao ghi: giành 4-6 HCV và xếp hạng 13-15 tại ASIAD 2014. Phấn đấu có 30 VĐV vượt qua vòng loại và có huy chương ở Olympic London 2012..." |
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất