23/09/2014 12:44 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Trên xe điện ngầm ở Incheon, Ansan (Kieng Kito), bất cứ lúc nào bạn cũng bắt gặp người Việt. Họ đi từng nhóm cũng có, đi một mình cũng có. Làn sóng người Việt sang lao động và làm cô dâu ở hai địa phương này đang tăng theo cấp số nhân.
Phóng viên Thể thao & Văn hóa đã có mấy cuộc thâm nhập thực tế, khảo sát đa chiều để tạm vẽ lên một bức tranh người Việt đang sinh sống ở mảnh đất mà họ coi là thiên đường.
Các thành phố lớn của Hàn Quốc, trong đó có Incheon và Ansan, đều có tốc độ xây dựng nhanh đến chóng mặt. Những tòa nhà chọc trời như nở hoa theo hướng vết dầu loang. Điều đó đồng nghĩa, có quá nhiều hạng mục cần một khối lượng lao động khổng lồ, người địa phương dĩ nhiên không làm xuể.
Kèm theo đó là các cụm công nghiệp, với vô số nhà máy ầm ào sản xuất ngày đêm, càng đẩy Incheon và Ansan cùng một số tỉnh lân cận khác rơi vào trạng thái luôn sẵn sàng thiếu nhân công.
Thu nhập ở Hàn Quốc vẫn là thiên đường với lao động Việt Nam, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lượng lao động được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi sang Hàn Quốc mà Bộ Lao động Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam là trên 10.000 người, trong đó, có 60% chỉ tiêu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, 20% chỉ tiêu xây dựng và 20% trong nông nghiệp và thủy sản.
Khổ nỗi, làm những nơi có hợp đồng tử tế, thu nhập của lao động so với làm bên ngoài (làm “chui”) chênh lệch quá lớn. Cho nên, rất nhiều lao động Việt Nam đã phải chọn giải pháp tách ra ngoài lao động “chui”, tranh thủ tối đa thời gian để kiếm một khoản vốn liếng để lập nghiệp sau khi rời Hàn Quốc.
Các ông chủ ở Hàn Quốc cũng rất “rộng lòng” đón nhận các lao động kiểu này, thậm chí họ làm rất tốt công tác bảo vệ “quân” mình. Đơn giản, vì các khoản phải đóng cho lao động hợp đồng, trong đó có các dạng bảo hiểm, mỗi năm là rất lớn.
Trên xe điện ngầm, tôi gặp Tùng, người Cà Mau. Tùng cũng là lao động “chui”. Tôi ghé tai nói nhỏ: “Anh không sợ bị cảnh sát tóm đuổi về à”. Tùng bảo yên tâm, cảnh sát bên này khá nới lỏng chuyện kiểm tra lao động Việt. Kể cả khi ASIAD 17 đang diễn ra, họ cũng không làm gắt gao. Tất nhiên, với trình độ an ninh và hệ thống kiểm soát công dân quá tiên tiến như ở Hàn Quốc, việc để tóm lao động “chui” Việt Nam là chuyện đơn giản. “Trừ khi vi phạm pháp luật, hoặc xui lắm thì mới bị tóm”, Tùng cho biết.
Hôm qua, trên chuyến tàu ngầm xuống Ansan, tôi gặp anh Minh Sơn, sang Hàn Quốc được hơn chục năm. Sơn bảo anh mới xin nghỉ việc ở một công ty khá lớn, đơn giản bởi anh không thể chấp nhận cái kiểu “bố láo” của tay công nhân người Hàn cùng tổ: “Mấy năm nay nó ức hiếp tôi quá, không phải lãnh đạo nhưng lúc nào cũng đè nén, dù trình độ tay nghề lẫn độ sáng tạo, cần cù, chịu khó thua xa tôi. Nó gây sự rồi lấy cái kéo phóng vào tôi, nếu không kìm nén thì tôi đã xử lý nó. Khổ nỗi các ông chủ người Hàn bao giờ cũng bênh người của họ. Tôi tay nghề cao, vả lại không thể chịu nhục nữa nên bỏ việc, thiếu gì việc có hợp đồng đàng hoàng”. Đấy là lý do Sơn bỏ Incheon về lại Ansan tìm việc mới.
Qua tiếp xúc với nhiều người Việt tại Hàn Quốc, hiệu quả của lao động phổ thông thuần túy xứ kim chi không bằng người Việt, bởi sự chịu thương chịu khó quân ta vẫn đã quen, giấc mộng đổi đời luôn cháy bỏng nên họ phải cày ngày cày đêm. Tuy nhiên, một nhược điểm chí mạng của lao động Việt, là đa số xuất thân từ nông thôn, những kỹ năng sống còn hạn chế nên rất dễ có những hành động mang tính bột phát, từ tính kỷ luật đến tác phong làm việc.
Ngọc Hòa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất