Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic: Du lịch golf Việt Nam bao giờ trở thành 'con gà đẻ trứng vàng'?

15/01/2025 05:37 GMT+7 | Thể thao

Du lịch golf là "con gà đẻ trứng vàng" của ngành kinh tế xanh của nhiều nước trên thế giới và giờ đây được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhờ lợi thế với nhiều sân golf gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng và khí hậu ôn hòa.

Từ ngành "công nghiệp không khói" trị giá tỷ USD…

Số liệu năm 2023 của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), hiện có 61 quốc gia thành viên với khoảng 638 công ty du lịch golf, kiểm soát 87% thị trường toàn cầu, tạo ra khoảng 2,5 tỷ USD giao dịch hằng năm với khoảng 1,9 triệu người chơi golf (golfer) thường xuyên di chuyển tới các sân golf. Du lịch golf được xếp thứ 3 về động cơ du lịch.

Ngoài ra, dẫn số liệu trong báo cáo chiến lược kinh doanh toàn cầu được đăng tải trên trang Research and Markets (Nghiên cứu và Thị trường) vào tháng 10/2024, thị trường golf du lịch toàn cầu được ước tính đạt 26,4 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 41,2 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 6,6% từ năm 2023 đến năm 2030.

Golf du lịch đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về sự phổ biến trên toàn cầu nhờ sự kết hợp độc đáo giữa thể thao, du lịch và giải trí, mang đến trải nghiệm cao cấp cho cả các golfer chuyên nghiệp và nghiệp dư. Những người yêu thích golf thường tìm kiếm những sân chơi mới và thách thức ở những địa điểm phong cảnh, biến một vòng golf đơn giản thành một trải nghiệm du lịch khó quên. Golf du lịch thu hút những cá nhân tìm kiếm kỳ nghỉ năng động kết hợp giữa sang trọng, giải trí và thể thao.

Ngoài ra, các yếu tố như sự bùng nổ của các giải đấu quốc tế, đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thể thao, và số lượng người chơi chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng tăng ở các quốc gia trên toàn thế giới đã thúc đẩy sự tăng trưởng này. Nhiều quốc gia và các tổ chức thể thao đang tích cực quảng bá golf, tổ chức các giải đấu và đầu tư mạnh mẽ để thu hút người chơi và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Một ví dụ về điều này là cam kết của đầu tư 4,4 triệu USD vào giải CP Women's Open và RBC Canadian Open của Chính phủ Canada vào tháng 8/2022. Mục đích của nguồn tài trợ này là khuyến khích sự tham gia vào golf, kích thích lợi ích kinh tế và thu hút khách du lịch đến khu vực ngay cả trong bối cảnh thời điểm đó đại dịch Covid-19 vẫn đem tới tới nhiều trở ngại và tạo nên sự sụt giảm đáng kể trong du lịch golf và du lịch toàn cầu.

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong phát triển du lịch golf. Những năm 1980, xứ sở mặt trời mọc đã lên kế hoạch xây dựng hàng nghìn sân golf và hiện Nhật Bản có hơn 2.500 sân golf, hàng năm du lịch golf chiếm từ 6-7% tỉ trọng GDP của quốc gia này.

THỂ THAO VIỆT NAM VÀ THÁCH THỨC TOP 50 OLYMPIC: Du lịch golf Việt Nam - bao giờ trở thành con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 1.

Du lịch golf Việt Nam cần sớm tận dụng lợi thế và sức hấp dẫn để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. ẢNH: Vinpearl Nha Trang

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan được mệnh danh là "thủ đô golf của châu Á" với hơn 300 sân golf có thiết kế độc đáo, dịch vụ đa dạng. Hàng năm, các sân golf tại xứ chùa vàng thu hút khoảng 8-9% trong tổng số khách quốc tế đến Thái Lan hàng năm. Du khách golf đều đặn mang về cho Thái Lan doanh thu mỗi năm ước tính đạt hơn 1 tỷ USD.

đến cơ hội nào cho du lịch golf Việt Nam?

Tại Việt Nam trước những tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch như trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho biết. tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 17,5 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm trước. Tổng số khách du lịch nội địa đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng khu vực dịch vụ cũng như toàn nền kinh tế năm 2024. Sự phát triển của ngành du lịch tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Việt Nam đang cố gắng phát triển các sản phẩm du lịch mới, dựa trên thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của mình. Trong đó, du lịch golf là một trong những loại hình du lịch mới, nhiều tiềm năng phát triển và đã được đưa vào các chiến lược, quy hoạch phát triển lâu dài của du lịch Việt Nam.

"Golf không chỉ là một bộ môn thể thao mà còn là một ngành kinh tế đem lại giá trị cao. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những chiến lược để phát triển du lịch golf. Với điều kiện địa hình, khí hậu và văn hóa, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển mạnh du lịch golf. Nhất là với đường biển dài và nhiều bờ biển, đảo đẹp của Việt Nam sẽ là điều kiện lý tưởng để phát triển các tổ hợp vui chơi, giải trí, phát triển du lịch golf", ông Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ trong lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển du lịch Golf tại Việt Nam với với Cục Thể dục thể thao, Công ty TNHH 54 Việt Nam vừa diễn ra vào cuối tháng 11/2024.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam, khách du lịch golf tạo ra nguồn thu lớn cho du lịch bởi khách du lịch golf thường có lượng chi tiêu cao. Vì vậy việc thu hút khách du lịch golf có ý nghĩa rất lớn với phát triển du lịch. Trong năm 2024, khách du lịch golf đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng so với tiềm năng sẵn có, Hiệp hội Golf Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp để thu hút, thúc đẩy khách du lịch golf đến Việt Nam. Một thống kê chưa đẩy đủ từ giai đoạn cuối năm 2023 cho biết, mỗi khách du lịch golf đến với Việt Nam chi tiêu trung bình 40 triệu đồng/5 ngày, chưa bao gồm chi phí vé máy bay.

Như vậy có thể thấy, tiềm năng của du lịch golf tại Việt Nam là không nhỏ song do công tác quản lý, phát triển loại hình này ở Việt Nam còn thiếu sự bài bản, chuyên nghiệp nên chưa tạo được sự phát triển mạnh mẽ và đem lại hiệu quả đột phá. Vấn đề này cũng đã được các nhà quản lý nắm bắt và đang tìm cách tháo gỡ với mục tiêu phát triển du lịch golf bền vững, hiệu quả. Bộ VH,TT&DL đã giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, triển khai những đề án, chiến lược, quy hoạch liên quan đến golf, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của du lịch golf và thể thao trong thời gian tới. Điều này thể hiện qua việc tìm kiếm những đối tác tin cậy để triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy và khai thác tiềm năng nhằm tạo ra bước ngoặt về sự phát triển ngay trong năm 2025.

Việt Nam 8 lần được vinh danh là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á

Trong năm 2024, Việt Nam đã vượt qua hàng loạt ứng viên nặng ký như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan để được Tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới (World Golf Awards) tiếp tục vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á năm 2024".


Đây là lần thứ 8 liên tiếp, Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất Châu Á" và trong 8 lần đó, có 2 lần được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất thế giới". Đặc biệt, thủ đô Hà Nội được vinh danh là "Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2024".


Trước đó, tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) 6 năm liên tiếp chọn Việt Nam là Điểm đến Golf hàng đầu châu Á trong giai đoạn 2017 - 2022 và Điểm đến Golf hàng đầu thế giới năm 2019, 2021.


Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là điểm đến chơi golf lý tưởng trong khu vực châu Á nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới thuận lợi để đầu tư phát triển sân golf và loại hình du lịch golf. Việt Nam hiện có khoảng 100 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Ngoài ra, một trong những định hướng trọng tâm trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link