Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic: Phải giải quyết được bài toán nhân sự và tài chính

27/11/2024 07:55 GMT+7 | Thể thao

Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF cho rằng, để hoàn thành chỉ tiêuđặt ra trong "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" mà Chính phủ mới chính thức phê duyệt, những người làm công tác chuyên môn phải giải quyết được bài toán về nhân sự và tài chính.

Cần kế hoạch dài hơi và chỉn chu

* Thưa ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF, mới đây, Chính phủ đã chính thức phê duyệt "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó, đặt ra mục tiêu bóng đá nam trong Top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup và bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Dưới góc độ của người làm công tác chuyên môn, quan điểm của ông về mục tiêu này như thế nào?

- Ông Trần Anh Tú: Khi Chính phủ đã phê duyệt, "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" với những mục tiêu rất cụ thể đối với thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, tôi cho rằng, những người làm công tác chuyên môn cần sớm bắt tay vào thực hiện. Quan trọng nhất, cần tìm ra giải pháp thực hiện, làm sao cho đạt kết quả tốt và hiệu quả nhất ở từng nhiệm vụ cụ thể.

Đối với lĩnh vực bóng đá, theo quan điểm của tôi, để hoàn thành mục tiêu theo chiến lược đề ra, cần có kế hoạch dài hơi nhưng trên hết phải phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, làm nền tảng để thực hiện tốt từng bước. Có 2 vấn đề cần quan tâm và mang tính quyết định tới sự thành công, đó là phải chuẩn bị thật tốt về nhân sự thực hiện và đảm bảo tài chính để kế hoạch chuẩn bị được diễn ra suôn sẻ và có kết quả.

Đây đều là các mục tiêu cao, ở các đấu trường quốc tế lớn và chắc chắn có nhiều thách thức dù ở giai đoạn gần đây bóng đá Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu lớn. Đơn cử về thành tích, đáng chú ý có việc đội tuyển bóng đá nữ đã giành quyền tham dự World Cup 2021 hay như đội tuyển bóng đá nam từng lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, vào tới tứ kết Asian Cup 2019 hay vô địch AFF Cup 2018…

Với nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thách thức, cơ hội phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian tới cũng như quyết tâm cao nhất để thực hiện được các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VFF đã tập trung triển khai nghiên cứu 5 nội dung quan điểm chỉ đạo, 6 mục tiêu chính và đi sâu phân tích 9 giải pháp định hướng được nêu trong chiến lược mới ban hành.

THỂ THAO VIỆT NAM VÀ THÁCH THỨC TOP 50 OLYMPIC: Phải giải quyết được bài toán nhân sự và tài chính! - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF, phát biểu tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: CỤC TDTT

Xây dựng nhân sự đội ngũ nhân sự chất lượng cao

* Như ông vừa đề cập ở trên, đó là việc chuẩn bị nhân sự để thực hiện các mục tiêu chuyên môn đặt ra trong chiến lược và yếu tố nhân sự cần được hiểu cụ thể là gì?

-Trước tiên, đó là lứa cầu thủ sẽ gánh vác nhiệm vụ của đội tuyển Việt Nam ở các kỳ Asian Cup và World Cup trước mắt và cho đến giai đoạn 2045. Trong tham luận của VFF trình bày tại Hội nghị triển khai "Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cũng như trong các cuộc thảo luận của những người làm công tác chuyên môn, chúng tôi đã nêu vấn đề này hết sức cụ thể.

Đó là, tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế. Ví dụ, đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 tuổi đến 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023) khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034 các cầu thủ này ở lứa tuổi từ 24-25 đến 28 tuổi là lứa tuổi "vàng" cho bóng đá đỉnh cao. Cần có kế hoạch thật chu đáo cho lứa cầu thủ này trong giai đoạn nói trên theo từng năm, kể cả những năm không có nhiệm vụ quốc tế.

Ngoài ra, cái chúng ta thiếu hiện nay là đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn tầm quốc tế hay nói cách khác là nhân sự làm bóng đá chất lượng cao. Thời gian qua, VFF rất chú trọng việc đào tạo đội ngũ những người làm chuyên môn như HLV, trọng tài, chuyên gia thông qua việc cử đại diện tham dự các lớp đào tạo của FIFA, UEFA, AFC hoặc tham dự các hội thảo quốc tế nhằm tích lũy kinh nghiệm. Dù vậy, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh, quan điểm của tôi về bóng đá là muốn có trò giỏi, trước hết phải có HLV tốt.

Bên cạnh đó, cũng rất cần nguồn lực con người từ xã hội, từ các lĩnh vực khác cùng tham gia vào hoạt động và đóng góp cho lĩnh vực bóng đá. Ví dụ như cá nhân tôi là làm doanh nghiệp nhưng cũng sẵn sàng đóng góp công sức cho bóng đá. Tôi cho rằng, nếu có thêm nhiều nguồn lực về con người từ xã hội thì trình độ cũng như số lượng nhân sự phục vụ cho bóng đá cũng tăng lên.

Tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn tài chính cho bóng đá

* Về vấn đề tài chính, VFF có sự chuẩn bị như thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong chiến lược? Hiện tại, có những vướng mắc gì khiến nhiều doanh nghiệp hoặc nhà tài trợ chưa đến được với bóng đá Việt Nam?

- VFF hiện là một trong những liên đoàn có hoạt động xã hội hóa mạnh mẽ nhất của thể thao Việt Nam. Phần lớn các nguồn kinh phí hoạt động đều được VFF kêu gọi, vận động từ các cơ quan, đơn vị trong nước, kết hợp từ nguồn của tổ chức quốc tế như FIFA, AFC, AFF. Đặc biệt, phải nhấn mạnh là nguồn từ các nhà tài trợ đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Dù vậy, với nguồn tài chính hiện nayđể đáp ứng các yêu cầu cho nhiệm vụ quốc tế đã nêu ra trong chiến lược thì vẫn cần được tiếp tục bổ sung. Đối với việc chuẩn bị nguồn tài chính phục vụ cho kế hoạch, VFF sẽ bàn bạc, tìm kiếm giải pháp, làm sao để tìm kiếm và tăng thêm theo kế hoạch của năm hoặc từng giai đoạn.

Một ví dụ như thế này, nếu VFF có đủ nguồn tài chính thì sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, xây dựng lực lượng bóng đá trẻ. Ngay ở giải U15, để tổ chức được giải VĐQG, sau đó là Cúp Quốc gia thì cũng đã tạo được sân chơi rất hữu ích cho cầu thủ trưởng thành và rồi còn cả các lứa tiếp theo nữa. Tuy nhiên, thực tế là cũng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức giải trẻ.

Để tháo gỡ các vướng mắc, VFF cũng đã nêu vấn đề, cần phối hợp cùng các cơ quan liên quan để thực hiện tốt hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy định trong việc thực hiện chế độ chính sách, các giải pháp hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đối với các tổ chức có sự ưu tiên đầu tư cho bóng đá, tạo sự tập trung thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện chế độ chính sách và đầu tư cho phát triển bóng đá.

Nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống đóng góp cho thành tích của bóng đá quốc gia được hưởng ưu đãi về chính sách, thuế suất, đất đai phục vụ hoạt động thể thao như chính sách của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp công ích được Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển bóng đá, đóng góp cho quốc gia và cộng đồng.

Ngoài ra, cần phát triển thị trường kinh doanh, dịch vụ bóng đá, đa dạng hóa các nguồn thu cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Đối với bóng đá phong trào, bóng đá cộng đồng, bóng đá giải trí, Nhà nước khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về thời hạn giao sử dụng đất, chính sách khuyến khích về thuế để vận động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển trong đó lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trẻ em tiếp cận với các cơ sở vật chất để tập luyện bóng đá.


Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) xây dựng, triển khai tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn, bao gồm báo giấy, báo điện tử và truyền hình, cũng như trên các sản phẩm thông tin mạng xã hội nhằm tạo ra thêm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với thể thao góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà thông qua việc nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế và vị thế trên mặt bằng xã hội.

Hình thức thông tin cũng được triển khai đa dạng, từ các bài, phóng sự nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, ý kiến các chuyên gia thể thao, chuyên gia quản lý, kinh tế, doanh nghiệp... Bên cạnh đó là các bài học kinh nghiệm từ thể thao trong nước đến nước ngoài do chính phóng viên các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam thể hiện.

Song song trong quá trình triển khai thông tin báo chí, phối hợp cùng ngành thể thao, cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi trực tiếp để mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp hiệu quả.

Vũ Lê (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link