13/09/2019 18:14 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Sahar Khodayari yêu bóng đá bậc nhất trong số những sở thích của mình. Nhưng chính tình yêu đó đã hại cô gái 29 tuổi phải ra đi một cách tức tưởi.
Một ngày tháng 3/2019, CLB Esteghlal có trận đấu với Al Ain ở Giải vô địch quốc gia Iran. Hâm mộ Esteghlal từ nhiều năm, Sahar Khodayari muốn được một lần tới sân cổ vũ cho đội bóng mình yêu mến. Nhưng Sahar là nữ giới, những người luật pháp Iran không cho phép tới sân bóng đá.
Cái chết tức tưởi
Để đối phó, Sahar quyết định cải trang thành nam. Sahar đội tóc giả màu xanh (màu áo đấu của CLB Esteghlal), mặc một chiếc áo choàng dài để che giấu giới tính. Chẳng may, cảnh sát phát hiện ra Sahar ngay cổng soát vé của sân vận động. Cô lập tức bị bắt giữ.
Ước mơ được theo dõi Esteghlal thi đấu của Sahar bất thành. Thay vì được ngồi trên khán đài, Sahar phải ngồi 3 đêm tại nhà tù khét tiếng Qarchak. Sahar sau đó được thả chờ ngày xét xử.
Phía cảnh sát nói rằng cô gái tốt nghiệp ngành khoa học máy tính này đã “lăng mạ, xúc phạm” họ khi bị bắt giữ. Chị gái của Sahar, thông qua một hãng tin tại Iran, phản biện rằng em gái cô có tiền sử bệnh tật và hiện vẫn đang được điều trị - một yếu tố giảm nhẹ nếu được nhà chức trách xem xét khi xét xử.
Ngày 3/9, Sahar tới Tòa án tại Tehran để lấy điện thoại, vốn bị tịch thu khi bị giam giữ. Một người bạn tiết lộ Sahar đã nghe được một người nói rằng thẩm phán đã kết án cô 6 tháng tù giam. Sahar hoảng loạn vì thông tin này. Cô yêu cầu được gặp thẩm phán nhưng được trả lời rằng vị này đang đi nghỉ. Trên đường rời tòa án, Sahar đã châm lửa tự thiêu. Cô được chuyển tới cấp cứu tại bệnh viện Motahhari Hospital với tình trạng bỏng độ 3, chiếm 90% cơ thể và tổn thương nghiêm trọng tới phổi. 6 ngày sau, Sahar qua đời.
“Cô gái màu xanh”
Cái chết của cô gái 29 tuổi vào rạng sáng ngày 9/9 gây phẫn nộ dư luận Iran và thế giới. Nhiều cầu thủ bóng đá, nghệ sĩ, nhà báo và thậm chí một số nghị sĩ đã bày tỏ sự giận dữ của họ trên các phương tiện truyền thông. Tất cả nói về sự phi lý tại Iran khi cấm cửa nữ giới đến sân bóng đá trong khi cho phép ở một số môn thể thao khác như bóng chuyền. Trên mạng xã hội, phong trào mang tên “Blue Girl” (Cô gái màu xanh) bùng nổ, kêu gọi xóa bỏ đạo luật hà khắc áp dụng lên nữ giới.
Những năm gần đây, Iran đã cho phép một số lượng nhỏ CĐV nữ vào sân xem các trận đấu bóng đá nhưng chỉ giới hạn ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì nhân quyền cho biết những CĐV này đã được lựa chọn hoặc “đóng thế” hòng qua mắt dư luận.
Ít tháng trước, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã cho chính phủ Iran thời hạn tới ngày 15/7 để đưa ra những bước đi cần thiết nhằm đảm bảo CĐV nữ có thể vào sân xem các trận đấu bóng đá nam tại vòng loại World Cup 2022. Iran sẽ chơi trận đầu tiên trên sân nhà tại sân vận động Azadi gặp Campuchia vào ngày 10/10. Cho tới thời điểm này, đã 2 tháng so với thời hạn của FIFA và chưa đầy 1 tháng nữa trận đấu sẽ diễn ra, vẫn chưa có thông báo nào về việc liệu phụ nữ có được vào sân bóng hay không.
Đã có những lời kêu gọi về án cấm dành cho Liên đoàn bóng đá Iran nhưng FIFA chưa lên tiếng. Cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới chỉ thông báo rằng đã cử phái đoàn tới Iran để họp khẩn sau cái chết của Sahar.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất