Bộ Tư pháp nhận khuyết điểm về chứng minh thư ghi tên cha mẹ

24/12/2012 18:26 GMT+7 | Pháp luật

Sáng 24-12, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận khuyết điểm về quy trình thẩm định thông tư về mẫu chứng minh thư mới có ghi tên cha mẹ.

Sáng 24-12, Ủy ban Pháp luật đã nghe Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và một số bộ ngành giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp trước tình trạng nhiều văn bản pháp luật ban hành thiếu thực tế, gây phản ứng trong người dân như quy định "xe chính chủ", phí giao thông đường bộ hay mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới bắt buộc phải ghi tên cha, mẹ.



Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên giải trình sáng 24/12. Ảnh: Nguyễn Hưng 

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc thẩm định thông qua thông tư 27 của Bộ Công an (quy định về mẫu CMND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7), có căn cứ là hai nghị định 05 và 170. Song, ông Cường thừa nhận, nghị định 05 "ra đời năm 1999, vào thời kỳ việc ban hành văn bản pháp luật chưa nề nếp lắm". Sau đó, nghị định 170 tiếp tục nêu lại nội dung của nghị định 05 nên khi Bộ Công an trình thông tư 27, Bộ Tư pháp đã đồng tình.

"Chúng tôi đã nhận khuyết điểm về việc máy móc rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay", ông Cường nói và cho biết thêm, sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo cụ thể về văn bản này.

Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) về đánh giá của hội đồng thẩm định, ông Hà Hùng Cường thừa nhận "câu chuyện thẩm định của Bộ Tư pháp chưa hoàn toàn bảo đảm".

Cũng liên quan mẫu CMND mới, ông Vũ Đức Đam (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho hay, thông tư 27 được Bộ Công an xây dựng nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến nên Chính phủ chỉ giao làm thí điểm, lấy ý kiến rồi mới xem xét tới việc triển khai chính thức.

Trước phiên giải trình, nhiều chuyên gia, quan chức Bộ Tư pháp đã ý kiến phản đối. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn cho rằng, quy định ghi tên cha mẹ vào chứng minh thư sẽ gây "phiền toái” cho trường hợp đặc biệt như thụ tinh nhân tạo và tạo lợi thế cho cá nhân có cha mẹ làm “ông to, bà lớn”. Còn Vụ trưởng Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất thì khẳng định, quản bằng vân tay như hiện nay là cao nhất rồi, giờ thêm tên cha mẹ vào không giúp gì hơn cho quản lý, lại tạo ra phản cảm cho dân, vi phạm quyền con người.

Đối với vấn đề "xe chính chủ", ông Vũ Đức Đam tái khẳng định, nghị định 71 không sai mà sai ở khâu thực hiện. Vì thế, khi chưa có thông tư hướng dẫn thì không xử phạt người điều khiển phương tiện; đồng thời các bộ Tài chính, Công an phải tạo thuận lợi cho việc sang tên, đổi chủ. Riêng phí giao thông đường bộ (vốn trước đây đã thu qua xăng, dầu), ông Đam thừa nhận, quy định khó đảm bảo tính trọn vẹn khi thu trên đầu phương tiện và sẽ có bộ phận người dân thiệt thòi.

Người phát ngôn Chính phủ cũng nêu thực tế là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội phải theo hướng thuyết phục người dân và căn cứ trên phản hồi của xã hội. Tuy nhiên, cũng vì phải đảm bảo yêu cầu này mà nhiều quy định không theo sát được mục tiêu ban đầu.

"Ví dụ Luật thuế thu nhập cá nhân mục tiêu là bất cứ ai có thu nhập cũng phải đóng thuế. Tuy nhiên, do đặc điểm của Việt Nam và nhận thức của nhân dân thành ra luật này như thuế thu nhập cao", ông Đam nói.

Trong phần báo cáo giải trình, người phát ngôn của Chính phủ đã nêu nhiều yếu kém trong khâu ban hành các văn bản pháp luật như nợ đọng văn bản hướng dẫn dưới luật, pháp lệnh; trình tự soạn thảo chưa nghiêm túc; còn tình trạng ban hành văn bản trái luật... "Nguyên nhân của mọi nguyên nhân" là công tác tổ chức cán bộ, trong đó có vai trò quan trọng của người đứng đầu. Việc phối hợp liên ngành còn bộc lộ nhiều nhược điểm nên nhiều khi việc giao một cơ quan, một bộ phận thì thường nhanh hơn giao nhiều cơ quan, nhiều người.

Ông Đam nhấn mạnh tới đây cần công khai, minh bạch hơn quá trình xây dựng văn bản bởi công khai thì mới rõ được ai làm tròn trách nhiệm, ai không. "Chúng ta cũng chưa làm tốt khâu tuyên truyền nên nhân dân chưa tham gia góp ý. Đến khi văn bản có hiệu lực mới có nhiều ý kiến phản hồi. Chúng tôi mong muốn nhân dân, xã hội quan tâm hơn tới công tác xây dựng pháp luật và có góp ý sớm", ông Đam bày tỏ.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định "không nước nào ban hành luật lại cứ phải có văn bản hướng dẫn như nước ta". Nếu tình trạng này không được khắc phục thì dù có giải trình tiếp ở những lần sau thì vẫn có khuyết điểm. Còn Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì đề nghị, đã là luật thì phải cụ thể luôn chứ không nên có thông tư. Còn khi buộc phải có văn bản hướng dẫn chi tiết thì phải làm đồng thời khi xây dựng luật để thông qua.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2009 đến 30/6/2012, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ đã ban hành 68 luật, pháp lệnh trong đó 61 luật, pháp lệnh ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng quy định chi tiết đối với 760 nội dung cụ thể. Đến nay, 391 nội dung đã ban hành văn bản quy định chi tiết... Đến 15/10/2012, 24 văn bản quy định chi tiết với 42 nội dung thuộc 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được ban hành, chiếm 10% số văn bản phải ban hành. Đây là số văn bản nợ đọng thấp nhất trong 10 năm qua.

Theo Nguyễn Hưng
Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link