16/09/2011 10:53 GMT+7 | Giáo dục
Theo nhiều phụ huynh, những quy định cứng nhắc của nhà trường về đồng phục ảnh hưởng tiêu cực tới niềm vui đến trường của học sinh. Mặt khác, chất lượng đồng phục của các trường quá dở khiến không ít phụ huynh mua để... bỏ đi.
Quy định về đồng phục học sinh cần phù hợp với điều kiện trường lớp, tạo thuận lợi trong học tập và sinh hoạt của các em. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Mấy tuần nay, thỉnh thoảng bé N., học sinh khối 2 trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội lại kiếm đủ cớ để được nghỉ học. Sau một lần vừa thay quần áo đồng phục, bé N. vừa nhăn nhó, “con ghét bộ quần áo này”, bố mẹ bé N. mới biết nguyên nhân chính vì sao con mình không thích đến trường. Có lần N. còn thắc mắc: “Tại sao các cô được mặc váy áo thoải mái vậy mà lại bắt con mặc cái bộ quần áo khó chịu này?”.
N. không phải là trường hợp đặc biệt. Chị Hạnh, một phụ huynh khối 3 trường này cũng cho biết, con chị đang mắc chứng “sợ” mặc đồng phục. “Con sợ là đúng thôi, vì đồng phục của trường may bằng chất vải xấu, bên trong váy là một lớp lót dạng quần đùi nên càng bí. Đã vậy từ năm học này, trường quy định ngày nào các con cũng phải mặc đồng phục.
Lớp học thì chật chội, học sinh thì đông (gần 70 học sinh/ lớp), mặc đồ bí rì rị cả ngày người lớn còn không chịu nổi, huống hồ những đứa trẻ từ 6 đến 9 tuổi! Tuần này trời mát nên đỡ. Tuần trước trời oi, nóng, cháu nổi mụn liên miên ở mông, tối nào tôi cũng phải bôi kem cho con”, chị Hạnh phân trần.
Nhiều phụ huynh trường Tiểu học Kim Liên cho biết, không chỉ bắt học sinh mặc đồng phục suốt tuần, năm nay Ban Giám hiệu nhà trường còn đưa ra quy định buộc học sinh phải mặc đồng phục thể dục những hôm có tiết thể dục.
Theo các phụ huynh, chất lượng vải của bộ đồng phục này còn tệ hơn cả bộ đồng phục chính của trường, giá lại đắt. Đã vậy, nhà trường lại bắt các phụ huynh mua một lúc hai bộ, mặc dù các con chỉ có 2 tiết thể dục/ tuần. Một phụ huynh khối 1 cho biết, có hôm chị đón con thấy con sốt hầm hập, môi khô đỏ. Về đến nhà chị chưa vội cho con tắm mà chỉ thay quần áo cho con, cho con uống một cốc nước cam, chỉ một lúc sau con vui vẻ, hoạt bát trở lại.
Trao đổi với tôi, phụ huynh này vẫn bức xúc: “Tôi chẳng hiểu sao nhà trường lại bày đặt rắc rối vậy! Chỉ vì một tiết học thể dục mà các con phải chịu đựng cả một ngày trong bộ đồng phục thể dục. Chẳng thà trường lớp đạt chuẩn, điều kiện môi trường, vệ sinh tốt, các con có điều kiện thay rửa. Đằng này lớp nào lớp nấy nhồi nhét 60 - 70 em, nhà tắm không có, nhà vệ sinh thì bẩn đến nỗi nhiều con không dám vào đi vệ sinh chứ đừng nói chuyện thay quần áo!”.
Ép mua đồng phục
Ngoài trường Tiểu học Kim Liên, khá nhiều trường tiểu học bắt học sinh mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần. Chị M., một phụ huynh trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai cho biết, việc ngày nào cũng mặc đồng phục khiến con chị có 2 bộ váy, một bộ quần dài áo dài tay nhưng vẫn không đủ. Chị tính phải mua thêm một bộ quần dài áo dài tay nữa nhưng đầu năm học nhiều khoản chi quá, chị phải hoãn chi được khoản nào hay khoản đó.
Còn anh Th., một phụ huynh trường Tiểu học Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng (cũng là nơi quy định học sinh mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần) cho hay, để có đủ quần áo đồng phục cho con mặc, anh phải mua tổng cộng 5 bộ (hai bộ ngắn, ba bộ dài), chưa kể áo khoác. “Quần áo dài tay chủ yếu mặc mùa đông, mà mùa đông giặt lâu khô”, anh Th. giải thích.
Nếu như những bức xúc về quần áo đồng phục của học sinh tiểu học chủ yếu xuất phát từ lý do sức khoẻ của các cháu thì phụ huynh các cấp học lớn hơn (THCS, THPT) lại phàn nàn nhiều về cách ép phụ huynh mua đồng phục.
Nguyên tắc mặc đồng phục: Phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác; Bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường; Ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường học sinh, sinh viên phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc. (Trích Thông tư quy định về đồng phục, lễ phục của HS, SV do Bộ GD&ĐT ngày 30-9-2009)
Chẳng hạn trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa buộc mỗi học sinh phải mua 3 áo sơ mi dài tay, 2 áo mùa đông. Hoặc trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên tự nhiên đầu năm học phát cho mỗi học sinh một bộ quần áo đồng phục rồi thông báo gia đình đóng 180.000 đồng.
Một phụ huynh khối 11 trường Nguyễn Gia Thiều chia sẻ: “Năm ngoái tôi đã rất bực mình vì quần của con tôi vừa mặc vài hôm đã sổ cạp, tôi phải mua cho cháu quần khác. Cháu rất thích mặc quần mua ngoài vì chất vải mềm, thoáng, dù giá có đắt hơn quần của nhà trường bán chút đỉnh. Hai mẹ con đã thống nhất là năm tới không mua đồ của nhà trường nữa, vậy mà...”.
Để đối phó với các cách “ép phụ huynh tự nguyện” mua đồng phục của trường, nhiều phụ huynh có điều kiện sẵn sàng mua đồng phục của trường rồi vứt xó, mua đồng phục khác ngoài thị trường cho con mình mặc để đến trường hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều trường (như Tiểu học Kim Liên – Đống Đa, Tiểu học Ngọc Khánh – Ba Đình...) chọn được những mẫu vải độc đáo đến nỗi phụ huynh linh hoạt đến mấy vẫn phải chịu thua.
Trên diễn đàn webtretho, phụ huynh của một trường THCS thuộc quận Ba Đình cho biết, thậm chí trường của con chị còn không cho phép học sinh mua quần áo bên ngoài: “Nhà mình ở gần trường nên biết có hôm cô phó hiệu trưởng lôi một cô bé lớp 8 lên trước toàn trường vì em này mặc đồng phục có quần màu không giống (màu tím than nhưng không cùng tông với trường), chất vải không giống. Tại sao mắt cô giáo tinh đến nỗi trong hàng trăm học sinh mà cô vẫn phát hiện được những em mặc quần may bằng chất vải không giống chất vải đồng phục của trường?”.
Em Kim Tiến, học sinh lớp 10 A4, trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh nói: “Học sinh của trường phải mặc đồng phục mua ở trường, vì mua bên ngoài không thể đúng như quy định. Giá đồng phục ở các trường cũng tăng theo thời giá. Chị Kim Loan có con đang học tại trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1 cho biết: “Đồng phục của trường mỗi năm mỗi tăng giá. Đầu năm tôi tốn hơn 500 nghìn đồng để mua 3 bộ đồng phục và 2 bộ đồ thể dục cho con”. Cùng với gánh nặng về các khoản phí đầu năm, đồng phục học sinh cũng gây thêm áp lực đối với các bậc phụ huynh. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất