Taekwondo Việt Nam: Từ đỉnh cao xuống vực sâu

02/05/2016 06:02 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên sau 16 năm, môn mang về cho TTVN tấm HCB lịch sử sẽ không có võ sĩ nào đi Olympic ở Rio, Brazil. Môn của các tượng đài Hiếu Ngân, Quang Hạ, Nhất Thống, Văn Hùng đã phải chấp nhận sự thật chỉ còn là môn nhóm 2, với vị thế và trình độ đỉnh cao dừng ở mức khu vực và phục vụ phong trào rèn tập trong nước.

“Cái chết” được báo trước

Trước vòng loại khu vực trên đất Phillipines, chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận, 4 võ sĩ Việt Nam phải phát huy được 200% phong độ và gặp may mắn, taekwondo Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu có suất tới Brazil.

Trên thực tế, dù có đôi chút nuối tiếc với trường hợp của cựu binh Hà Thị Nguyên, người lọt vào tới trận bán kết, song thất bại toàn diện của môn này hoàn toàn không bất ngờ. Những gương mặt hay nhất ở thời điểm hiện tại rõ ràng thua kém một khoảng rất xa về tên tuổi, đẳng cấp, kinh nghiệm so với các đấu thủ xứng đáng tranh tài ở Olympic.

Họ đã bước vào cuộc đấu chỉ với niềm tin mong manh về một vài trận xuất thần chứ không phải bằng khả năng tranh chấp sòng phẳng. Có thể thấy rõ điều đó qua tỷ số thua thảm hại cùng cách thua tội nghiệp từ vòng 1 của hai nam tuyển thủ hay nhất nước song lại vô danh với quốc tế là Văn Duy và Trung Đức.


Taekwondo chỉ nên là một môn thể thao phong trào?

Suy cho cùng, đây cũng chỉ là điểm kết thúc cho cả một quá trình tụt dốc không phanh, dù rất khó tiêu hóa với một môn thế mạnh truyền thống từng mang về cho TTVN tấm HCV ASIAD đầu tiên năm 1994 và tấm huy chương Olympic lịch sử sau đó 6 năm. Kể từ sau Olympic 2004, việc giành huy chương Olympic của taekwondo Việt Nam chỉ dừng ở mức hy vọng, và đến giờ ngay cả chuyện có đại diện đến đấu trường lớn nhất ấy cũng trở thành một giấc mơ không có thật.

Sự tụt dốc đã sớm được cảnh báo rồi bị phớt lờ.

Đổ lỗi cho chiếc áo giáp điện

Quá nhiều và đủ loại nguyên do đã được những người có trách nhiệm viện dẫn để lý giải cho việc taekwondo Việt Nam lần đầu không giành nổi suất tới Olympic mà nghe ra đều... có lý.

Trong đó, từ các nhà quản lý, huấn luyện đến chính tuyển thủ đều thống nhất ở một điểm: Lỗi ở chiếc giáp điện tử. Cả một hệ thống tuyển chọn, đào tạo của Việt Nam qua 5 năm quốc tế chuyển sang sử dụng áo giáp điện tử vẫn chưa thể thích ứng. Các võ sĩ phải chấp nhận nghịch cảnh tập luyện áo thường thi đấu áo điện tử, cho đến khi trở thành tuyển thủ quốc gia mới được sử dụng thường xuyên. Họ không có đủ thời gian, điều kiện để kịp vươn lên ngang tầm với các đấu thủ luôn được “bao bọc” hàng ngày bằng các bộ áo giáp hiện đại ấy.

Từ chuyện chiếc áo giáp điện tử lại dẫn đến một vấn đề khác chính là kinh phí. Cũng vì bó buộc kinh phí nên chỉ các thành viên của ĐTQG mới được trang bị áo giáp điện tử. Và hơn thế, việc đầu tư , nhất là cho các chuyến xuất ngoại  tập huấn tranh tài cũng thua kém xa mặt bằng chung quốc tế, ngay trong khu vực cũng chưa bằng 1/10 người Thái.

Hết than giáp, than tiền, lại thêm một nguyên do nữa được đưa ra mà hiển nhiên  ai cũng phải công nhận đúng: Mặt bằng chung trình độ thể giới ngày càng cao. Việt Nam dù đã quyết tâm cố gắng song vẫn phải chịu khi họ tiến quá nhanh.

Duy nhất ông Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam chịu đề cập đến yếu tố chủ quan bằng việc “chê tất” từ chuyên gia ngoại, HLV nội, rồi võ sĩ ở một vài hạng cân không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Thế nhưng, nhà quản lý  kỳ cựu gắn bó với taekwondo Việt Nam ngay từ ngày đầu này lại tránh không đả động gì đến vai trò của bộ môn, Liên đoàn trong việc tạo ra những đối tượng không đáp ứng được yêu cầu ấy. Và cao hơn xa hơn là cả hành trình tụt dốc kéo dài của taekwondo Việt Nam.

Rốt cuộc người ta vẫn không thể biết thực sự vì sao taekwondo Việt Nam lại sa sút như vậy, ngoài câu chuyện chiếc giáp điện tử giờ giống như một chiếc lá chắn cho cả môn.  

Chỉ đáng là môn nhóm 2

Có lẽ phải chờ đến lúc có một Chủ tịch mới hay rộng hơn một ê kíp lãnh đạo mới, may ra taekwondo mới có thể nhìn nhận và đánh giá chuẩn xác về hiện trạng của mình để đổi mới một cách căn bản.

Tuy nhiên, với ngành thể thao, giới chuyên môn và người hâm mộ, mọi chuyện đã trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết. TTVN không thể còn trông chờ thành tích Olympic ở một môn mà cách nghĩ cách làm vẫn hệt như, thậm chí còn tệ hơn cách đây 3 thập kỷ, phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào “nôi” Hàn Quốc. Cả một hệ thống tuyển chọn, đào tạo dựa trên một phong trào tốt nhất trong các môn võ, vẫn không tạo nên một HLV nào đủ sức thay thế các chuyên gia người Hàn, cũng như “bói” không ra một vài võ sĩ cỡ như Văn Hùng, Hoài Thu, những người chí ít cũng có thể đoạt suất thuyết phục và có thể tiến sâu tại Olympic.

Con số & Bình luận: Taekwondo Việt Nam làm khán giả ở Olympic 2016

Con số & Bình luận: Taekwondo Việt Nam làm khán giả ở Olympic 2016

Taekwondo Việt Nam đã gây thất vọng khi không có suất nào dự Olympic 2016. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ khi môn võ này được đưa vào Thế vận hội, Việt Nam không có đại diện nào được góp mặt.


Trên thực tế, qua những lần thất vọng tràn trề, ngành thể thao cũng đã tính đến việc “định vị” lại môn taekwondo giống như một số môn võ của thời “đi tắt đòn đầu” khác, song hãy còn khá nửa vời.

Đây sẽ là cơ hội để ngành thể thao “giải thoát” cho chính mình và cho môn taekwondo. Môn này cũng chỉ nên là 1 trong 22 môn nhóm 2 thay vì một vị trí đương nhiên trong 10 môn trọng điểm nhóm 1, để nhường chỗ cho những môn xứng tầm khác như đấu kiếm, rowing. Taekwondo sẽ trở về với đúng với năng lực, sức vươn của mình với đỉnh cao nằm ở đấu trường khu vực và phần nào đó châu lục, đồng thời phục vụ cho nhu cầu rèn tập ngày một sâu rộng của người dân.

Nếu taekwondo cứ phải gồng mình gắng sức với đích nhắm Olympic, điều đó chẳng khác gì một cuộc đày ải trong vô vọng, ít nhất trong vài kỳ Thế vận hội tới.

Kết thúc vòng loại Olympic, trong khi taekwondo Việt Nam trắng tay, Thái Lan đoạt tới 3 suất, còn Philippines và Cambodia mỗi nước có 1 đại diện. Người Thái đã vượt xa Việt Nam để trở thành cường quốc số 1 khu vực khi đoạt HCB ở hai kỳ Olympic 2008 và 2012, đoạt 2 HCV ASIAD 2010 và 1 HCV ASIAD 2014.

Ngoài nguồn kinh phí dồi dào, đơn cử 20 tỷ đồng chỉ cho chiến dịch Olympic 2016, họ cũng hơn hẳn Việt Nam ở phương thức tận dụng cái “nôi” Hàn Quốc. Thái Lan sẵn sàng thuê chuyên gia giỏi nhất, với mức lương 7-10.000 USD sang làm việc dài hạn, trực tiếp lên chương trình, tuyển chọn, đào tạo võ sĩ tập trung ở một vài hạng cân nhẹ của nữ. ĐTQG của họ mỗi năm có ít nhất 1 tháng, thường là trước các cuộc đấu, được tập luyện cùng ĐTQG Hàn Quốc.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link