Vì sao các ngôi sao bóng đá kéo đến Trung Quốc?

13/07/2016 20:03 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những ngôi sao lớn của EURO 2016, tiền đạo người Italy Graziano Pelle, đã chuyển đến Trung Quốc chơi bóng, một trong nhiều thương vụ khẳng định sức mạnh và tham vọng của quốc gia đông dân nhất hành tinh trong việc vươn lên đỉnh cao làng túc cầu.

Nhân trường hợp Pelle

Với giá chuyển nhượng 17 triệu USD, chân sút 31 tuổi người Italy này vẫn mới là cầu thủ đắt giá thứ năm ở giải vô địch Trung Quốc (CSL), nhưng với việc anh ở tuổi đó và chỉ còn lại 1 năm trong hợp đồng với Southampton, đó vẫn là một thương vụ chứng tỏ rất rõ sức mạnh tài chính của các đội bóng Trung Quốc. Pelle cũng sẽ có thu nhập tổng cộng gần 50 triệu USD trong hợp đồng 2 năm rưỡi của anh với đội bóng ở Sơn Đông, Shandong Luneng.

Pelle thật ra chỉ là một cầu thủ tầm khá ở Premier League. Anh chuyển sang Southampton từ Feyenoord mùa Hè 2014, ra sân 81 trận và ghi 30 bàn, cho tới khi tỏa sáng ở EURO vừa rồi, với 2 bàn, vào lưới Bỉ và Tây Ban Nha, để đưa Italy vào tới tứ kết. Đáng nói hơn, thương vụ này đã được thu xếp từ tháng 1. Mức lương 342.000 USD/tuần biến anh thành cầu thủ Italy nhận lương cao nhất mọi thời đại.

Anh chỉ là một trong rất nhiều tên tuổi lớn đang kiếm tiền (theo đúng nghĩa đen) ở Trung Quốc. Tại Shandong Luneng, anh sẽ gặp lại đối thủ cũ từng khoác áo Newcastle Papiss Cisse, trong khi hồi tháng 1, Ramires cũng đã rời Chelsea để gia nhập Jiangsu Suning, một CLB ở Giang Tô. Jackson Martinez và Hulk thì đã củng cố vững chắc vị thế triệu phú của họ tại Trung Quốc từ trước nữa.

Một người mới khác, cựu tiền đạo Arsenal và Roma là Gervinho, nói về những hy vọng của anh ở Trung Quốc, sau khi chuyển sang Hebei China Fortune vào tháng 1 vừa rồi: “Cuộc sống ở Trung Quốc của tôi chỉ mới bắt đầu, nhưng bóng đá Trung Quốc có triển vọng tăng trưởng tuyệt vời… Nhiều bạn bè của tôi đã chúc mừng tôi khi tôi tới đây”. Chúc mừng có lẽ không phải vì sự nghiệp của anh tiến thêm một bước nữa, mà với nhiều cầu thủ tầm tầm ở châu Âu, giờ được một CLB CSL để mắt tới chẳng khác gì “trúng số độc đắc”.

Gervinho, một tiền đạo không tồi, nhưng cũng chỉ có giá 14,5 triệu USD và 10,5 triệu USD trong hai vụ chuyển nhượng trước đó (tới Arsenal, rồi từ Arsenal tới Roma) trong thời anh còn trẻ trung sung mãn, được mua về Hebei, một đội mới thăng hạng CSL, với giá tới 20 triệu USD.

Tham vọng đậm màu Trung Quốc

Trung Quốc tất nhiên không chỉ bỏ tiền vào việc mua cầu thủ. Chiến dịch “hoằng dương bóng đá” của họ còn bao gồm những khoản đầu tư lớn khác, cho việc mua lại các CLB nước ngoài, tài trợ cho FIFA, hay bỏ tiền vào hệ thống học viện đào tạo trẻ trên cả nước.

Đứng đằng sau siêu dự án này là những doanh nhân giàu nhất Trung Quốc (và thế giới) như Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba hay Vương Kiện Lâm của Wanda, nhưng không giống như những vụ đầu tư khôn ngoan trước kia của họ, câu hỏi đặt ra là liệu các tỉ phú Trung Quốc có đang chấp nhận thua lỗ lớn khi bỏ tiền cho bóng đá? Liệu đó là những thương vụ bền vững hay chỉ là những bong bóng trực chờ vỡ tung?


“Sau khi (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình lên nắm quyền và với sự ủng hộ của ông, thể thao đã được quan tâm rất nhiều”, Zhang Dazhong, Giám đốc phụ trách mảng thể thao của Alibaba, nói. “Đã tới lúc chúng tôi bỏ tiền cho lĩnh vực này”. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa rồi, các CLB CSL đã chi ra hơn 280 triệu USD, tức là nhiều nhất thế giới, hơn cả Premier League, theo Deloitte.

“Chỉ trong vài tuần, chúng ta đã chứng kiến cán cân quyền lực trong thế giới bóng đá nghiêng hẳn về phía Đông”, Simon Chadwick, giáo sư kinh doanh thể thao ở Đại học Salford của Anh bình luận. “Trung Quốc và bóng đá đã là một câu chuyện tình dang dở kéo dài, nhưng giờ có vẻ như hai bên đang quyết tâm đi tới một kết thúc có hậu”.

Giống như nhiều vấn đề khác, chiến dịch bóng đá của Trung Quốc cũng có mục tiêu cụ thể, với những kế hoạch 5 năm và những con số gây choáng ngợp. Chẳng hạn, đề án 5 năm 2020-25 đặt ra tầm nhìn biến Trung Quốc thành “một quốc gia thể thao vĩ đại”, với tổng giá trị ngành này đạt 760 tỉ USD, và mở rộng số lượng các trường có đào tạo bóng từ 5.000 lên 50.000. Việc đăng cai World Cup cũng được nhắc đến, đồng thời thành tích của ĐTQG cần được cải thiện sớm để đủ sức cạnh tranh ở đỉnh cao.

Tuy nhiên, ngay cả nhiều đại gia đã bỏ tiền cho bóng đá cũng thừa nhận họ không hy vọng gì có lãi. Lôi Chấn Kiếm, Tổng Giám đốc công ty LeEco Sports, đài truyền hình đã bỏ ra 400 triệu USD mua lại quyền phát sóng CSL trong 2 năm tới, thừa nhận công ty ông không hy vọng gì có lãi. Dân Trung Quốc từ lâu đã quen với việc xem bóng đá quốc nội miễn phí (mà họ còn không thèm xem).

Chadwick thì lo lắng cho tương lai dài hạn. “Nếu Trung Quốc không sớm có thành tích, những nhà đầu tư của họ sẽ trụ lại được bao lâu?”, ông đặt câu hỏi. “Mọi chuyện phụ thuộc rất nhiều vào Chủ tịch Tập… Rất khó để tính toán sự khả thi tài chính của những vụ đầu tư này”.

Nhưng bất chấp tất cả những điều này, sự háo hức đang là áp đảo. “Nếu chúng tôi muốn thực sự tranh tài ở World Cup, chúng tôi phải học hỏi cách thế giới bóng đá vận hành. Đó là một sự đầu tư dài hạn, và chúng tôi mới chỉ ở bước đầu”, Zhang Dazhong nói.

Những cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới
(Nước thi đấu. Đơn vị triệu USD)

Cristiano Ronaldo (TBN) 22,4

Lionel Messi (TBN) 22,3

Hulk (Trung Quốc) 22,3

Neymar (TBN) 21,1

Zlatan Ibrahimovic (Anh) 17,8

Graziano Pelle (Trung Quốc) 17,8

Thomas Mueller (Đức) 15

Ezequiel Lavezzi (Pháp) 14,5

Jackson Martinez (Trung Quốc) 13,8

Thiago Silva (Pháp) 13,2

5 thương vụ lớn nhất của bóng đá Trung Quốc

Alex Teixeira: 55 triệu USD, từ Shakhtar Donetsk sang Jiangsu Suning

Jackson Martinez: 47 triệu USD, từ Atletico Madrid sang Evergrande Taobao

Ramires: 29,7 triệu USD, từ Chelsea sang Jiangsu Suning

Gervinho: 20 triệu USD, từ Roma sang Hebei China Fortune

Graziano Pelle: 17 triệu USD, từ Southampton sang Shandong Luneng


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link