Hát tiếng Anh tại The Voice: lợi bất cập hại

28/08/2012 08:19 GMT+7 | Truyền hình thực tế


Sau tập hai của vòng Ðối đầu, nhiều khán giả hâm mộ chương trình Giọng hát Việt - The voice đã "nhảy nhổm" vì phần thi của các thí sinh cũng như sự lựa chọn của ban huấn luyện.



Giọng ca núi rừng Ksor Đức (phải) bị cho là thiệt thòi khi phải “đấu” bằng tiếng Anh (Into the night) với giọng ca phố thị Huỳnh Anh Tuấn - Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

Nếu như ở tuần trước, việc các huấn luyện viên (HLV) ưu tiên chọn các giọng ca "bề nổi" nhiều hơn những giọng ca có "chất" là chủ đề chính trên các diễn đàn, trang cá nhân, thì tuần này việc thí sinh hát "vô hồn" được đem ra bàn tán nhiều hơn. Trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều bình luận xuất hiện ngay khi chương trình đang "lên sóng". Câu hỏi: "Bây giờ các bạn đã thấy chọn tiếng Anh hại các bạn cỡ nào chưa?" (Facebook của Dieu Minh Le) nhận được rất nhiều đồng tình của bạn bè. Phần lớn ý kiến đều cho rằng bỏ qua phát âm tiếng Anh chưa thật chuẩn xác, việc chọn ca khúc tiếng Anh khiến các thí sinh Giọng hát Việt lộ nhiều khuyết điểm, trong đó hát vô hồn, không cảm xúc là yếu tố bị người nghe phản ứng nhiều nhất.

Thiếu cảm xúc

Trong trao đổi qua lại của nhóm sinh viên Trường đại học Quốc tế RMIT, nhiều ý kiến cho rằng các thí sinh đã lộ những hạn chế trong việc hát tiếng Anh của mình. "Không chỉ mắc lỗi phát âm, các bạn còn gặp vấn đề ở phần nhấn nhá, hát không đúng tâm thế của ca khúc" - một sinh viên tên Ngọc Huy viết. "Tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế, cùng một ca khúc quốc tế quen thuộc nhưng nghe thật xa lạ..." - một lời phàn nàn khác.

Riêng nick Minh Nguyệt lại cho rằng: "Cái lợi của việc chọn ca khúc tiếng Anh là các thí sinh rất dễ "feel", tha hồ hò hét... Nhưng đó cũng là cái hại vì phần lớn thí sinh vẫn chưa làm chủ được giọng hát cũng như cảm xúc của mình. Cố khoe giọng, cố chứng tỏ và hát như "ăn tươi nuốt sống" đối thủ đã khiến các bạn làm xấu mình, làm ca khúc mất hay vì chẳng có cảm xúc hay tình cảm gì nữa rồi".

Qua hai tuần Đối đầu, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng: “Các thí sinh hay chính nhà tổ chức đã hiểu chưa thấu đáo về chữ “đối đầu” trong The voice. Đối đầu không có nghĩa là triệt tiêu nhau. Không phải cứ hát to hơn, hát cao hơn hay hơi dài hơn là hay, là thắng. Song ca thì ai hát tinh tế hơn, có cá tính hơn mới là người được tán thưởng nhiều hơn”.

Anh Phillip J.Bentley - một giáo viên dạy tiếng Anh tại TP.HCM - nhận xét: "Tôi không khó chịu về việc phát âm chưa chuẩn xác của các thí sinh. Có lẽ vì với tôi, một người Việt hát tiếng Anh không chuẩn là bình thường. Hơn nữa, âm nhạc bản thân nó đã là một ngôn ngữ. Bạn có thể phát âm sai hoặc bạn có thể hát một thứ tiếng nào đó mà chẳng ai hiểu nhưng cảm xúc, tình cảm, tinh thần của ca khúc đó thông qua giọng hát và cách thể hiện của bạn sẽ làm người khác rung động. Ở một cuộc thi tìm kiếm giọng hát mang định dạng toàn cầu như The voice, tôi nghĩ không quan trọng là bạn hát ngôn ngữ nào. Quan trọng nhất là bạn hát làm sao để mọi người phải công nhận giọng hát và tài năng của bạn. Những ca khúc quốc tế quá quen thuộc, phổ biến có thể khiến người nghe dễ dàng bắt nhịp cùng bạn, nhưng không dễ giúp người nghe VN hòa mình vào ca khúc đó bởi những khác biệt về địa lý, văn hóa - xã hội lẫn nếp sống. Một thí sinh đang chuẩn bị bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, trở thành người của công chúng cũng nên suy nghĩ và nắm bắt tâm lý này".

Thí sinh tự chọn hay huấn luyện viên áp đặt?


6/7 tiết mục được trưng ra cho người xem trong đêm 26-8 là các phần thi với ca khúc tiếng Anh. Và dù ban tổ chức cho biết các ca khúc dự thi luôn có sự bàn bạc và nhất trí giữa đơn vị tổ chức, giám đốc âm nhạc, các HLV và thí sinh nhưng khi thể hiện trên truyền hình, các HLV luôn nói rõ "ca khúc tôi chọn cho bạn/các bạn là...". Dựa vào lời nói cũng như ca khúc được chọn, người xem có quyền nghi ngờ về sự thiên vị ít nhiều của các HLV dành cho những "học trò" của mình. Việc lựa chọn ca khúc phải chăng nghiêng về sở trường của chỉ một thí sinh? Làm sao Ksor Ðức có thể "đánh bại" Huỳnh Anh Tuấn, chuyên trị hát nhạc ngoại ở các quán nhỏ, trong ca khúc Into the night (Santana)? Cũng như There you are rõ ràng không dành cho giọng ca cá tính Phạm Mai Anh.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn khẳng định: "Nhiều ca khúc quá sức của các bạn, như When you believe dành cho Xuân Nghi và Diễm My là một ví dụ. Ðể hát được ca khúc này, người hát cần có kỹ thuật và "tầm" nhất định. Thử thách các thí sinh của chúng ta bằng When you believe chẳng khác gì đánh giá hơi thấp các nữ danh ca thế giới đã thể hiện ca khúc này. Tuy nhiên, hãy mong qua từng vòng chúng ta sẽ tìm được giọng hát như ý".

Người xem tiếp tục "lăn tăn" bởi những sự chọn lựa (từ bắt cặp, chọn bài cho đến chọn người đi tiếp) của các HLV dù biết rằng họ đã cân nhắc kỹ, có lý do riêng và vì "đường dài". Người xem cũng vẫn càm ràm về việc sao thí sinh hát cứ như đang "chửi bới" nhau hay như "cắn vào tai" khán giả...

Không nhiều dấu hiệu cho thấy hai tập Ðối đầu còn lại sẽ làm an lòng người xem hơn. Một số khán giả cũng đã sớm ngán ngẩm với sân chơi mới toanh, được nhiều kỳ vọng và bước đầu đã mang đến nhiều phấn khích này, nhất là khi chương trình được phát sóng quá khuya (kết thúc lúc 24g) với quá nhiều spot quảng cáo chen ngang. Tất nhiên, lượng quảng cáo đổ về ồ ạt cũng cho thấy Giọng hát Việt dẫu sao vẫn đang rất "hot"...

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link