Theo dòng thời sự: Chấm dứt cuộc chiến khổ đau

19/01/2025 08:01 GMT+7 | Tin tức 24h

Chính phủ Israel đã phê chuẩn thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với phong trào Hồi giáo Hamas, tạm thời chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua cùng bao khổ đau cho cả người dân hai bên.

Các nguồn tin cho biết thỏa thuận gồm 3 giai đoạn, có hiệu lực từ sáng 19/1. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ kéo dài 6 tuần, hai bên sẽ “ngừng bắn đầy đủ và hoàn toàn”, tạo điều kiện cho trao trả một số con tin, tù nhân và hoạt động nhân đạo. Như vậy, sau thời gian dài liên tục nhấn mạnh chỉ có biện pháp quân sự mới giúp dẫn đến một “chiến thắng toàn diện”, bao gồm mục tiêu tiên quyết là xóa sổ phong trào Hamas, chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phải lùi bước trước áp lực từ Mỹ để đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn.

Theo dòng thời sự: Chấm dứt cuộc chiến khổ đau - Ảnh 1.

Một mô hình con tin và bánh sinh nhật với dòng chữ "hãy đưa họ trở về nhà", tại quảng trường con tin, thành phố Tel Aviv ngày 18/1. Ảnh: Vũ Hội - Pv TTXVN tại Israel

Theo ước tính, cuộc chiến Israel-Hamas đã lấy đi sinh mạng của hơn 46.000 người Palestine và khoảng 2.000 người Israel, đồng thời hiện vẫn còn 98 con tin đang bị giam cầm ở Dải Gaza. Tại Israel, các cuộc biểu tình của người dân diễn ra liên tục yêu cầu chính phủ tìm giải pháp cho các con tin đang bị bắt giữ và sớm chấm dứt tình trạng binh sĩ thiệt mạng ở Gaza. Tuy nhiên, sức ép của làn sóng phản đối trong xã hội không đủ mạnh, chỉ khi sức ép đến từ Washington, đồng minh và cũng là nhà bảo trợ về tài chính và quân sự, khiến Chính phủ Israel đã không còn lựa chọn nào khác.

Giới quan sát cho rằng đóng vai trò đặt nền móng là nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Suốt cả năm trời, các quan chức trong bộ máy chính quyền của ông Biden có các chuyến đi Trung Đông “dày như mắc cửi”, nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Đích thân ông Biden là người công bố bản đề xuất dự thảo hồi tháng 5 năm ngoái, mặc dù không thành công, do đến phút chót phía Israel lại ra một lý do mới khiến đàm phán thất bại.

Bên cạnh đó là một yếu tố mang tính quyết định: Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức ngày 20/1. So với người tiền nhiệm, ông Trump có nhiều ưu thế hơn để “ra giá” với các bên, bao gồm Ai Cập, Qatar và đặc biệt là Israel. Trong cuộc gặp mới đây với ông Netanyahu, đặc phái viên của ông Trump đã nói thẳng rằng Washington trông đợi Israel đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó ông Trump đã cảnh báo “chiến tranh sẽ bùng nổ tại Trung Đông” nếu các con tin không được thả trước ngày ông nhậm chức.

Theo dòng thời sự: Chấm dứt cuộc chiến khổ đau - Ảnh 2.

Niềm hạnh phúc của thân nhân các con tin Israel bị bắt giữ tại Dải Gaza, sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas được công bố, ngày 15/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Mối quan tâm của Tổng thống đắc cử Trump không chỉ dừng ở việc thúc đẩy ngừng bắn tại Dải Gaza, bởi ông nhiều lần khẳng định “không thích chiến tranh”, mà còn là một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia và kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, nhằm ghi dấu ấn là người kiến tạo hòa bình cho khu vực. Trong nhiệm kỳ trước, chính ông Trump là người đã thiết kế và bảo trợ cho các Hiệp định Abraham để Israel bình thường hóa quan hệ với một loạt quốc gia Arab/Hồi giáo, qua đó giúp Thủ tướng Israel khi đó là ông Netanyahu ghi điểm. Đối mặt với các cáo buộc hình sự ở trong nước và cả quốc tế, ông Netanyahu đang rất cần sự hỗ trợ của ông Trump trong 4 năm sắp tới. Nếu có thêm một thỏa thuận thiết lập ngoại giao với Saudi Arabia, Thủ tướng Israel sẽ có thêm uy tín để giảm bớt nguy cơ chính phủ đổ vỡ và tiến tới kiềm chế Iran, để lại di sản hòa bình cho người Do Thái.

Đó là động lực khiến thỏa thuận ngừng bắn được thông qua nhanh chóng tại hai cuộc họp Nội các Chiến tranh và Nội các Chính phủ Israel, ngay trước giờ nghỉ lễ Shabbat của người Do Thái. Về phía Hamas, thất bại trên chiến trường và sự đơn độc sau khi các đồng minh chiến lược suy yếu đã buộc các nhà lãnh đạo của tổ chức này chấp nhận ngừng bắn. Trước đó, một trong những điều kiện tiên quyết của Hamas là Israel phải rút quân ngay lập tức và vĩnh viễn khỏi Dải Gaza.

Thời điểm hiện tại, có nhiều lý do để tin rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ được các bên tôn trọng để có thể đi tiếp các giai đoạn tiếp theo, nhưng chưa thể khẳng định liệu thỏa thuận có giúp chiến tranh chấm dứt vĩnh viễn hay không. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc có thể Israel sẽ phải từ bỏ mục tiêu xóa sổ Hamas, cho phép họ tái củng cố không gian chính trị của người Palestine.

Giới thạo tin cho biết những lần trước, khi đàm phán liên tục đổ vỡ ở những thời điểm tưởng đã thành công, nguyên nhân là do cả phía Hamas và Israel, trong đó có yếu tố chính trị cá nhân của Thủ tướng Netanyahu. Phụ thuộc vào phe cực hữu để thành lập chính phủ, ông Netanyahu luôn trong trạng thái “đi trên dây” trước sức ép giữa một bên là dư luận xã hội phản đối chính sách giải cứu con tin, một bên là các chính trị gia cực hữu đe dọa rút khỏi liên minh. Sự đỏng đảnh của cả hai bên đã khiến Qatar, nhà trung gian hòa giải tích cực, sốt ruột và tuyên bố từ bỏ vai trò “bà mối” hồi tháng 11, trước khi quay lại vào cuối năm.

Trong nội bộ Israel, sự phản đối từ phe cực hữu vẫn chưa ngớt, đặc biệt là các chính trị gia Itamar Ben-Gvir và Bezalel Smotrich. Với chủ trương sáp nhập toàn bộ vùng đất giữa Sông Jordan và Địa Trung Hải, họ coi cuộc chiến ở Dải Gaza là cơ hội để đẩy khoảng 2 triệu người Palestine ra khỏi mảnh đất này. Thậm chí Bộ trưởng về các vấn đề người Do Thái lưu vong, ông Amichai Chikli – một thành viên cùng đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu - cũng dọa từ chức nếu Israel rút lui khỏi hành lang Philadelphi trước khi đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra cho cuộc chiến: tiêu diệt Hamas và giải cứu toàn bộ các con tin. Ngay cả khi đã thông qua thỏa thuận tạm thời, các chính trị gia cực hữu vẫn có thể đổi ý và phá vỡ liên minh chính trị của Thủ tướng Netanyahu.  

Đây là lần thứ hai kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh tàn khốc, hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, sau lần đầu tiên chỉ kéo dài một tuần hồi cuối năm 2023. Trong năm qua, Israel đã sa vào thêm các cuộc xung đột với phong trào Hezbollah tại Liban và giao tranh trực tiếp với Iran, khiến các lực lượng kháng chiến Hồi giáo chống Israel suy yếu đáng kể. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố các chiến thắng này đã làm “thay đổi bộ mặt Trung Đông”. Dưới góc độ quân sự, Israel đã giành những chiến thắng khiến giới quân sự thừa nhận đây là một trong những đội quân thiện chiến nhất thế giới.

Việc Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn sẽ giúp cứu vớt hình ảnh của nước này sau nhiều lần mất thể diện trên các diễn đàn quốc tế. Những chỉ trích từ Liên hợp quốc, châu Âu và cả đối tác Mỹ về việc gây ra thảm họa nhân đạo “kinh hoàng” cho người Palestine tại Dải Gaza. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cần ít nhất 10 tỷ USD để thiết lập lại hệ thống chăm sóc y tế tại đây trong 5-7 năm tới. Các tòa án quốc tế ra phán quyết buộc tội giới lãnh đạo Israel. Nền kinh tế Israel bị các tổ chức quốc tế đánh tụt hạng. Hãng Fitch cho biết lệnh ngừng bắn tại Gaza có thể ngăn uy tín của nền kinh tế Israel khỏi bị đánh tụt hạng xuống mức tiêu cực.

Thỏa thuận ngừng bắn về cơ bản vẫn là các nội dung như trong đề xuất của Mỹ đưa ra trong vòng đàm phán hồi tháng 5/2024. Khi đó, ông Netanyahu đã đồng ý với các điều khoản chính, sau đó đưa ra lý do mới để trì hoãn. Kể từ đó đến nay đã có thêm 8 con tin tử vong và 122 binh sĩ Israel thiệt mạng riêng tại Gaza. Vấn đề con tin tạo ra sự chia rẽ lớn chưa từng có trong xã hội. So với lệnh ngừng bắn lần trước, dư luận Israel lần này thiên về ủng hộ, bởi họ cho rằng duy trì một cuộc chiến tranh hao người tốn của là không cần thiết. Hoan nghênh việc chính phủ thông qua thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Israel, Isaac Herzog nói: “Đêm trước ngày Shabbat, tôi cầu nguyện và hy vọng khoảnh khắc này sẽ trở thành giờ phút thiện chí trên cả nước, cho phép chúng ta chữa lành, tái thiết và định hình tương lai chung như một dân tộc thống nhất”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link