Nghệ thuật trình diễn: Có nên tiếp tục "ra đường"?

23/06/2008 11:45 GMT+7 | Văn hoá

Với ý tưởng tự biến mình thành… cột điện, nhà văn Lê Anh Hoài mặc một bộ đồ bảo hộ lao động, đứng yên trên vỉa hè tại đường Lê Văn Lương và nhờ bạn bè, đồng nghiệp dán giấy có ghi chữ khoan cắt bê tông, rơi giấy tờ… cũng như bôi sơn lên quần áo.
 
Lê Mạnh trình diễn nơi công cộng trong dự án "Sneaky week"
Khi cuộc thi tài năng nghệ thuật trình diễn (NTTD) vừa được phát động tại Đại sứ quán Đan Mạch qua cuộc họp báo (4/6), một nhóm nghệ sĩ, đứng đầu là họa sĩ Ngô Lực, lại triển khai một dự án NTTD mới mang tên "Nghệ sĩ với đường phố: cuộc đối thoại bất tận…" từ ngày 8/6. Như vậy, một lần nữa NTTD tiếp tục rời không gian của các khán phòng, sân khấu… để "ra đường".
 
Đây không phải là lần đầu tiên, các nghệ sĩ tiến hành tương tác với công chúng trong không gian công cộng như vỉa hè, đường phố, công viên, chợ, bến xe, nhà ga…

Xét về quy mô rộng, phải kể tới dự án "Sneaky week" (Luồn lách) diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12/2007. "Sneaky week" đã thu hút gần 40 nghệ sĩ (chủ yếu là các họa sĩ) tham gia, trải dài khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, tập trung tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Huế, TP HCM.

"Sneaky week" hy vọng phản ánh được bộ mặt cũng như tố chất thực sự của các nghệ sĩ khi họ tạm thời bị tước bỏ tư cách nghệ sĩ để thích nghi trong một hoàn cảnh, trong đó họ chỉ là trung gian để hoạt động nghệ thuật…

Mặc dầu dự án cũng có thu được những thành công nhất định, đặc biệt là tạo ra sự kết nối ban đầu giữa nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng nhưng đã gây ra một số "tai nạn" đáng tiếc khi tương tác với khán giả như làm ách tắc giao thông, mất trật tự nơi công cộng, tạo ra phản ứng tiêu cực của dân chúng trước các nghệ sĩ...

Như trường hợp của họa sĩ Anh Tuấn là một ví dụ. Anh Tuấn do trình bày tác phẩm của mình tại ngã ba Nhà Thờ - Nhà Chung đúng vào giờ cao điểm nên đã gây ùn tắc giao thông. Kết quả là họa sĩ chưa hoàn thành xong tác phẩm đã "được" Công an khu vực "mời" về đồn giải quyết.

Năm 2008, với mục đích "Đưa nghệ thuật vào đời sống xã hội, kích thích cho ý thức sáng tạo và biểu hiện bản thân - khơi dậy tính nghệ sĩ tính tiềm ẩn trong mỗi con người - biến hành động nghệ thuật thành tiến trình hòa giải, nối kết mọi người", họa sĩ Ngô Lực một lần nữa kêu gọi các nghệ sĩ làm NTTD "hãy rời thế giới biệt lập của chính mình để chủ động tìm kiếm công chúng bằng cách hòa mình vào dòng chảy bất tận của cuộc sống thường ngày".

Khởi đầu, dự án tiến hành ở Hà Nội, sau lần lượt đến TP HCM và Huế. Hiện đã có khoảng 15 người tại Hà Nội tham gia. Như vậy, dự án "Nghệ sĩ với đường phố" là bước tiếp theo của "Sneaky week". Do đó, mỗi tác phẩm trong dự án này đòi hỏi cần có sự đầu tư sâu sắc hơn về ý tưởng cũng như cách thức thực hiện.

Tuy nhiên, họa sĩ Ngô Lực cho rằng, kết quả thành bại của mỗi tác phẩm trong dự án không quan trọng, kể cả khi tác phẩm chưa kết thúc thì chính sự trải nghiệm, sự thu nhận của người nghệ sĩ khi tiến hành tương tác với công chúng hay mỗi hành động nhỏ diễn ra trong suốt tiến trình tiến hành tác phẩm đã là kết quả nghệ thuật rồi.


Nhà văn Lê Anh Hoài làm… cột điện 

Khác với "Sneaky week", đối tượng tham gia trình diễn chủ yếu trong giới mỹ thuật, họa sĩ Ngô Lực chủ động mời gọi các nhà văn, nhà báo, kiến trúc sư, những người làm điện ảnh… và cả các nhà kinh doanh yêu nghệ thuật - những người rất ít có cơ hội tiếp xúc với loại hình NTTD.

Sự tham gia của từng thành viên đều mang tính độc lập. Người điều hành chỉ có nhiệm vụ là cung cấp những ý niệm về NTTD, còn tham gia hay không hoặc từ ý tưởng đến cách thức thực hiện như thế nào là do chủ động của mỗi thành viên.

Chiều 7/6, nhà văn Lê Anh Hoài trình diễn tác phẩm đầu tiên tại đường Lê Văn Lương. Với ý tưởng tự biến mình thành… cột điện, Lê Anh Hoài mặc một bộ đồ bảo hộ lao động, đứng yên trên vỉa hè và nhờ bạn bè, đồng nghiệp dán giấy có ghi chữ khoan cắt bê tông, rơi giấy tờ… cũng như bôi sơn lên quần áo.

Điều "khác biệt" có thể thấy được từ tác phẩm trình diễn của Lê Anh Hoài là đối tượng khán giả (là những người bạn cũng như một số thành viên tham gia dự án) để tiến hành tương tác cũng như không gian, thời gian trình diễn (đoạn phố vắng người qua lại).

Với buổi trình diễn như vậy, liệu có tạo ra được sự kết nối giữa nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng cũng như thực hiện được nội dung quan trọng nhất trong dự án về "Phản ứng của công chúng trong môi trường tác động, ứng biến của người nghệ sĩ"?

Và mong muốn "đưa nghệ thuật vào đời sống xã hội", "biến hành động nghệ thuật thành tiến trình hoà giải, nối kết mọi người" của họa sĩ Ngô Lực - người đề xuất ra ý tưởng đưa NTTD "ra đường" lần này - có thành hiện thực?

Rút kinh nghiệm từ dự án "Sneaky week" mà Ngô Lực là một trong gần 40 thành viên trực tiếp trình diễn tác phẩm tại các nơi công cộng, sự ý thức về mặt xã hội (vấn đề của cá nhân không được gây ảnh hưởng đến người khác, không để tự do của mình va chạm với tự do của người khác, phải tỉnh táo nắm bắt được bản thân đang làm gì, muốn gì) cũng là một trong những yếu tố quan trọng của nội dung dự án.

Tuy nhiên, liệu yêu cầu đó có thực hiện được trong khi NTTD còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật mà đối tượng tương tác trực tiếp của nghệ sĩ lần này (theo yêu cầu của dự án) lại chủ yếu là người dân "đường phố"?

Và sự "ra đường" lần này có thực hiện được mục đích đề ra ban đầu khi chính một số thành viên tham gia dự án còn chưa được "đào tạo" những kĩ năng cơ bản về NTTD dẫn tới sự hiểu biết về NTTD còn mơ hồ?
 
Theo CAND

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link