10/06/2016 13:42 GMT+7 | Dự đoán
(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ là bất ngờ lớn nếu như chức vô địch không thuộc về một trong ba ông lớn của châu Âu là Tây Ban Nha, đương kim vô địch, hay Đức, nhà vô địch thế giới, hoặc Pháp, chủ nhà. Cùng với TT&VH Cuối tuần đánh giá về 3 ứng viên hàng đầu cho chức vô địch.
Đội hình: Thế hệ những cầu thủ được phát hiện và được Liên đoàn bóng đá Đức vun vén từ năm 2000 như Neuer, Muller, Oezil hay Toni Kroos đang ở độ chín của sự nghiệp. Tài năng của họ đã được kiểm chứng, kinh nghiệm dư thừa và thành công cũng đã đến với chức vô địch thế giới ở Brazil cách đây 2 năm.
Đây là tập thể đồng đều nhất về đẳng cấp và bản lĩnh. Không một vị trí nào trên sân của họ lại chưa từng tham dự các giải đấu lớn trong vòng 6 năm qua, kể từ World Cup 2010, qua EURO 2012 và World Cup 2014. Đức đang đi con đường giống hệt Tây Ban Nha đã bước qua từ năm 2008 đến năm 2012.
Thomas Mueller là một trong số những ngôi sao nổi bật của đội tuyển Đức
Lối chơi: Ảnh hưởng chiến thuật của Pep Guardiola vẫn còn in đậm trong cách chơi của Đức, họ muốn kiểm soát bóng càng nhiều càng tốt, dựa trên sự thông minh của hàng tiền vệ với Kroos hay Oezil. Những người làm chủ trận đấu bằng khả năng điều tiết thế trận và những đường chuyền có tính tổ chức cao, kết hợp với khả năng di chuyển không bóng, cũng như dịch chuyển đội hình hợp lý trong mỗi tình huống cụ thể.
Cuộc cách mạng về lối chơi của HLV Joachim Loew triệt để đến mức, Đức không ngần ngại nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ khi cần và tập trung vào lối chơi phòng ngự phản công để kết thúc trận đấu. Khả năng chơi pressing của Đức hoàn hảo đến mức, họ buộc đối thủ phải mắc sai lầm trước khi tổ chức một pha tấn công từ sân nhà.
Đức có thể chơi với 3 sơ đồ khác nhau trong một trận đấu, từ 4-2-3-1 với Mario Goetze hoặc Muller là người đá cao nhất, chuyển sang đội hình 4-3-3 hoặc 3-4-3 tùy theo tình huống cụ thể.
Điểm yếu: Khả năng dứt điểm của Đức bị nghi ngờ khi Mirolav Klose giải nghệ, và Mario Goetze hay Muller chưa thật sự là chính mình nếu phải chơi ở vai trò số 9 ảo. Còn ở hàng thủ, những người đáng tin cậy nhất như Manuel Neuer cho đến Matt Hummels.
Tây Ban Nha
Đội hình: Tây Ban Nha đang ở trong thời điểm chuyển giao thế hệ sau thất bại ở Brazil, bộ khung đã giành tất cả những vinh quang của HLV Del Bosque bắt đầu bước qua thời kì đỉnh cao, trong khi những cầu thủ lần đầu tiên góp mặt ở một giải đấu lớn là Morata hay Lucas Vazquez.
Kinh nghiệm dày dạn và bản lĩnh của nhà đương kim vô địch là những vũ khí quan trọng nhất của Tây Ban Nha ở thời điểm này. Nếu như bốn năm trước, "Ngài râu kẽm" Del Bosque tự tin giúp đội bóng giành chức vô địch nhờ sự vượt trội ở hàng tiền vệ, thì điều đó gần như là không thể lặp lại vào lúc này.
Iniesta vẫn là bậc thầy về khả năng cầm nhịp trận đấu
Lối chơi: Dù cho ảnh hưởng của Barcelona lên lối chơi của nhà đương kim vô địch không còn mạnh mẽ như cách đây vài năm, nhưng kiểm soát bóng vẫn là thói quen của Tây Ban Nha. Iniesta, Fabregas, Busquets hay David Silva vẫn là những chuyên gia hàng đầu thế giới về khả năng cầm nhịp trận đấu, dù cho tiki taka dường như đang thoái trào ở xứ sở đấu bò.
Ở vòng loại EURO 2016, HLV Del Bosque đã muốn sức trẻ của Koke tạo ra làn gió mới cho lối chơi trực diện của đội bóng, nhưng mức độ ảnh hưởng của tiền vệ trẻ này không như kì vọng, khi cách vận hành của đội tuyển hoàn toàn khác biệt với Atletico Madrid. Nhiều khả năng, HLV 65 tuổi này sẽ vẫn ưu tiên sử dụng hàng loạt các tiền vệ kĩ thuật, để bù đắp cho sự thiếu hụt chất lượng ở hàng công.
Tây Ban Nha có thể chơi theo sơ đồ 4-3-3, 4-2-3-1 với sự xuất hiện của một trung phong như Morata, hay 4-1-4-1với hàng tiền vệ kim cương và một số 9 ảo như Fabregas. Kế hoạch B là Aduriz có thể ra sân đá cặp với Morata trong sơ đồ 4-4-2.
Điểm yếu: Cách chơi thiên về kiểm soát bóng của nhà đương kim vô địch không còn hiệu quả như trước đây, khi tốc độ luân chuyển bóng và khả năng tạo đột biến bị giảm sút. Còn các đối thủ bị coi là chiếu dưới ngày càng có xu hướng chơi theo kiểu rình rập giống Atletico Madrid.
Pháp
Đội hình: Pháp không sở hữu đội hình đồng đều ở tất cả các tuyến, nhưng họ tiềm ẩn những sức mạnh đáng kể, nhất là tuyến giữa. Pháp có sự kết hợp hoàn hảo của những cái tên đã được thử lửa ở Euro 2012 và World Cup 2014 như Pogba, Matuidi hay Cabaye. Và mới được bổ sung thêm những cái tên chất lượng như Kante, Dimitri Payet.
Sự vắng mặt của Benzema có thể là đáng tiếc, nhưng Griezmann có thể là thủ lĩnh trên hàng công, Giroud bắt đầu chứng tỏ giá trị chơi bóng, và những tiền đạo như Kingsley Coman hay Martial có thể tạo đột biến mỗi khi có bóng trong chân.
Paul Pogba là niềm hy vọng của Pháp ở EURO 2016
Lối chơi: Sự linh hoạt và cơ động chính là điểm mạnh của đội chủ nhà. Sự xuất hiện của Kante mang đến nét tươi mới cho Pháp so với World Cup 2014, giờ họ có thể chơi với sơ đồ 4-3-3 với Pogba đóng vai trò như một tiền vệ con thoi, giúp cho hàng công nhiều mũi nhọn hơn và khả năng chống phản công từ tuyến đầu là cực kì hiệu quả.
Pháp đã chơi phòng ngự phản công với sơ đồ 4-3-3 suốt 18 tháng qua, và đôi khi họ chuyển sang đá với hệ thống 4-2-3-1 hoặc 4-4-2 với hàng tiền vệ kim cương với Pogba là số 10, như trong trận thắng Bồ Đào Nha 1-0 mới đây.
Nhưng phòng ngự phản công vẫn là cách nhập cuộc tốt nhất của Pháp, khi Deschamps tận dụng được hết khả năng pressing của các tiền vệ mạnh về thể lực, tốc độ và cũng chơi đầy kĩ thuật như Pogba hay Matuidi.
Điểm yếu: Vấn đề của HLV Didier Deschamps nằm ở bộ tứ vệ, Koscielny và Adil Rami chỉ mạnh về đeo bám chứ không phải là mẫu trung vệ chơi đầu óc. Các lão tướng Evra (35 tuổi) và Sagna (33 tuổi) khó có thể đảm bảo thể lực. 4 trận gần nhất, Pháp ghi được 9 bàn thắng, nhưng cũng để thua đến 6 bàn.
Dự đoán: Pháp vô địch
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất