Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024

29/05/2024 16:28 GMT+7 | Văn hoá

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 công bố kết quả của mùa giải năm nay với 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn, 5 giải Khát vọng Dế Mèn và 2 Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo trong tổng số 11 tác phẩm lọt vào Vòng chung khảo của Giải thưởng. 

Trong khuôn khổ của Lễ trao giải còn có phần trưng bày những bức tranh tiêu biểu rút ra từ bộ truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Dế Út - một chuyển thể đặc sắc từ Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 01 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight), các giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), cùng một số Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo, tùy theo tình hình thực tiễn mỗi mùa giải.

Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên: họa sĩ Thành Chương, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, PGS-TS - nhà phê bình Văn Giá và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Trải qua 4 mùa giải (từ 2020 - 2023) đã có 2 giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần lượt được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023) cùng 18 giải Khát vọng Dế Mèn, 2 Tặng thưởng được trao cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 6 tác giả là thiếu nhi.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 1.

Phiên họp Hội đồng giám khảo Giải Dế Mèn 2024. Ảnh: Hoà Nguyễn

Từ Top 10 đến Top 11

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024 thu hút sự tham gia của 135 tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian từ 1/1/2023 - 20/4/2024. Các tác phẩm này đến từ hai nguồn, một là từ các tác giả trực tiếp gửi dự thi, hai là từ sự đề cử của các nhà xuất bản và đội ngũ cộng tác viên thân thiết của báo Thể thao và Văn hóa - những văn nghệ sĩ luôn theo dõi sát sao đời sống nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Đây là mùa giải có số lượng tác phẩm dự thi lớn nhất so với các mùa giải trước, tăng 14 tác phẩm so với mùa giải gần nhất được tổ chức năm 2023.

Từ 135 tác phẩm này, qua 2 vòng chấm, Ban Sơ khảo Giải thưởng đã chọn ra Top 10 tác phẩm xuất sắc nhất trình lên Hội đồng Giám khảo.

Tại cuộc họp chung khảo diễn ra sau đó, Hội đồng Giám khảo đã xem xét đánh giá toàn diện Top 10 này. Trong chùm 7 tác phẩm của nhà văn May, Hội đồng giám khảo đã chọn rút xuống còn 2 tác phẩm. Đặc biệt, được sự đồng thuận của các thành viên, Hội đồng giám khảo đồng ý đề cử ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến? (nhạc Thái Chí Thanh, thơ Trần Đăng Khoa) vào danh sách chung khảo để đánh giá, chấm điểm cùng với Top 10 do Ban Sơ khảo trình lên. Để đảm bảo tính khách quan, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, không chấm điểm cho ca khúc này.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 2.

Quang cảnh Lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024. Ảnh: Hoà Nguyễn

DANH SÁCH TOP 11 CHUNG KHẢO GIẢI DẾ MÈN LẦN THỨ 5 – 2024
(xếp theo thứ tự a, b, c của tên tác phẩm)

1. Chùm sách thiếu nhi trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ)

2. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

3. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)

4. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)

5. Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)

6. Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)

7. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)

8. Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)

9. Trăng ơi... từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa)

10. Tự truyện một con heo (truyện dài của Lý Lan, NXB Trẻ)

11. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

Như vậy, vòng chung khảo của Giải thưởng Dế Mèn lần 5 - 2024 có 11 tác phẩm "tranh tài", với sự góp mặt của từ những tác giả chuyên nghiệp như Lý Lan, Thái Chí Thanh, Đặng Chương Ngạn, Nguyễn Khắc Cường, Lữ Mai, … cho đến những cây bút trẻ mới sáng tác cho thiếu nhi nhưng đã sớm có dấu ấn như May, LinhRab, Lã Thanh Hà… Hoặc, đáng chú ý còn có tác giả sống ở nước ngoài như trường hợp của Kiều Bích Hương.

Trong khi đó, ở khía cạnh tác phẩm, mùa giải thứ 5 của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn quy tụ nhiều loại hình văn học nghệ thuật khác nhau. Trong đó, văn học chiếm ưu thế với 5 tập/bộ truyện dài, 1 tập thơ. Cùng với đó là 1 bộ truyện tranh, 1 bản thảo tranh truyện, 1 chùm tranh truyện. Các loại hình nghệ thuật khác có 1 ca khúc, có 1 series phim hoạt hình.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 3.

"Vương quốc nhỏ bí mật" (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

Kết quả Giải thưởng và 3 điểm nhấn

Tại cuộc họp chung khảo của Hội đồng Giám khảo diễn ra vào ngày 21/5/2024, Hội đồng Giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm Chủ tịch, đã bình xét và chấm điểm để đưa ra kết quả của mùa giải năm nay như sau:

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG THIẾU NHI DẾ MÈN LẦN 5 - 2024

I. Giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà

II. Giải Khát vọng Dế Mèn (5 giải, xếp theo thứ tự a, b, c tên tác phẩm)

1. Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng)

2. Dưới khung trời ngát xanh (bản thảo truyện dài của Lữ Mai)

3. Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi)

4. Trăng ơi… từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa)

5. Vương quốc nhỏ bí mật (thơ của Lã Thanh Hà, minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks)

III. Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn (2 Tặng thưởng)

1. Chùm sách thiếu nhi trong bộ Vun đắp tâm hồn (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ)

2. Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)

IV. Chứng nhận vào Vòng chung khảo Dế Mèn

1. Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)

2. Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)

3. Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 4.

"Trạng Quỳnh thời nhí nhố" (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)

Chi tiết đánh giá về các tác phẩm đoạt giải năm nay, xin xem Báo cáo Tổng kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn gửi kèm. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh 3 điểm nổi bật của mùa giải năm nay.

* Thứ nhất, lần đầu tiên, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã vinh danh một tác phẩm thơ, mà là thơ của một nữ tác giả trẻ - tác giả Lã Thanh Hà (bút danh Hà mã đi bộ, sinh năm 1993). Vương quốc nhỏ bí mật là những lời thủ thỉ, tâm tình về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, con người với con người nói chung, giữa trẻ nhỏ và cuộc sống, cây cỏ, muôn loài nói riêng. Sự kết nối này lúc rõ ràng lúc ngầm ẩn, được thể hiện xuyên suốt tập thơ.

Chấm điểm cao nhất và với số điểm gần như tuyệt đối cho tập thơ này, PGS-TS, nhà phê bình Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo đã phải thốt lên: "Đã lâu rồi, mới có một tập thơ viết cho thiếu nhi thành công đến vậy". Ông nhận định: "Lối cảm, lối nghĩ của tác giả trong tập thơ này là của trẻ thơ, thuộc về trẻ thơ. Cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo, trìu mến, thanh khiết. Những cách nghĩ, hiểu về thế giới bên ngoài hết sức thông minh, bất ngờ, đột xuất, gây nên những thích thú ở người đọc. Tất cả thuộc về một thế giới trẻ thơ thời hiện đại, đương đại, đồng hành với trẻ thơ hôm nay. Tác giả cho thấy một tài năng thơ thiếu nhi đã xuất hiện... Tác giả đã tạo dựng một thế giới nghệ thuật trẻ trung, tươi mới, hiện đại, không kém phần tinh nghịch, hồn nhiên. Đây là thơ của trẻ em hôm nay".

* Thứ hai, gần như đã thành truyền thống của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn là mùa giải nào cũng có được những gương mặt thiếu nhi thực sự xuất sắc để vinh danh. Thư viện kỳ bí của Lê Sinh Hùng (14 tuổi) là một bất ngờ trong số các tác phẩm của thiếu nhi gửi dự thi năm nay. Tác phẩm thể hiện rất rõ đây là sản phẩm sáng tạo của một bạn nhỏ trong thời hiện đại (lấy cảm hứng từ hoạt hình/ truyện nổi tiếng thế giới; truyền thuyết đô thị về những hồn ma trong thư viện; mối quan tâm đến sách vở; các vấn đề về sinh thái…). Với cốt truyện hấp dẫn, lớp lang, mở đầu hấp dẫn, có cao trào và kết thúc vừa vặn, vấn đề môi trường và thông điệp được đặt ra trong Thư viện kỳ bí rất tự nhiên, không khiên cưỡng, cũng không nặng giáo điều.

Bên cạnh phần truyện, Lê Sinh Hùng cũng tự vẽ minh họa và tô màu cho tác phẩm của mình. Phần tranh vẽ phục vụ rất đắc lực cho phần chữ. Với sự trọn vẹn nội tại, bản thảo Thư viện kỳ bí cũng đã được chuyển thể kịch bản và dàn dựng thành vở diễn trên sân khấu nhà trường.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 5.

"Thư viện kỳ bí" của Lê Sinh Hùng (14 tuổi)

* Thứ ba, đây là một mùa giải thành công vượt ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức khi lần thứ ba, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã tìm được tác giả xứng đáng để "phong tặng" Hiệp sĩ Dế Mèn, nối tiếp những tên tuổi xuất sắc như Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023).

Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là phần thưởng cao quý nhất, được xét "phong tặng" cho những tác giả hoặc là có tác phẩm đặc biệt xuất sắc đến mức xuất chúng; hoặc có tác phẩm nổi bật lọt vào vòng chung khảo, đồng thời có nhiều cống hiến cho thiếu nhi trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Không phải là truyện đồng thoại ngộ nghĩnh, ngọt ngào như Bí mật giữa thằn lằn đen và tôi, cũng không trong veo, lấp lánh như những truyện trong Ngôi nhà trong cỏ, truyện dài Tự truyện một con heo (2023) của nhà văn Lý Lan tìm kiếm một lớp độc giả thiếu nhi trưởng thành hơn hai tập truyện trước của bà.

PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét: Truyện viết rất có nghề. Bầy đặt nhân vật (cả con vật lẫn con người) khá thú vị. Mạch truyện sáng rõ, nhiều chỗ bất ngờ; ngôn ngữ chắt lọc.

"Lúc viết xong tác phẩm này, nhà văn Lý Lan bộc bạch: "Viết sao cho người đọc trưởng thành hơn khi đọc tác phẩm" - biên tập viên Minh Phúc của NXB Trẻ cho biết - "Người đọc nhận ra sự trưởng thành của heo càng về cuối truyện, thì cũng đồng thời nhận ra mình trưởng thành hơn, trước những bài học cuộc sống "đắt giá" mà tác giả đã đan cài vào, đại thể như là sự dũng cảm chọn lựa cuộc sống của chính mình, sống mà không phải bắt chước theo ai".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: "Ưu điểm của tác phẩm này là tác giả rất hiểu đời sống, lối sống của heo, và nhiều loài vật khác nên rất sinh động và rất thật. Vấn đề đặt ra rất hay: khát vọng sống tự do, không muốn làm thú cưng...Đây là tác phẩm nổi trội nhất trong các tác phẩm dự giải lần này".

Với việc truyện dài Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) giành được điểm xuất sắc ở cả vòng sơ khảo và chung khảo, nhà văn Lý Lan đã được Hội đồng Giám khảo xem xét đến toàn bộ sự nghiệp để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 6.

"Tự truyện một con heo" (2023) của nhà văn Lý Lan

Nhà văn Lý Lan sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nhiều bạn đọc lâu nay vẫn biết đến bà trong vai trò dịch giả của bộ truyện Harry Potter. Bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm 1980, nhà văn Lý Lan đã xuất bản hàng chục tác phẩm văn học gồm truyện, thơ, tiểu thuyết, tản văn. Tác phẩm Ngôi nhà trong cỏ của bà đoạt giải A Cuộc thi sáng tác cho nhi đồng (1982 - 1984), sau đó là tác phẩm như Bí mật giữa tôi và thằn lằn đen. Nhiều độc giả hẳn sẽ nhớ những áng văn như Chuyện của vàng anh và Cổng trường mở ra của bà được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.

Về mảng sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Lý Lan cho biết, những câu chuyện mang màu sắc đồng thoại có sức hút đặc biệt với bà, do "chịu ảnh hưởng Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, Tây du ký của Ngô Thừa Ân, và sau này là Panchatantra của Vishnu Sharma". "Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay cho bất kỳ ai đều cần tấm lòng của người viết, một tấm lòng chân thành và trân trọng người đọc" - Lý Lan tâm niệm - "Thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, còn văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc (emotional intelligence). Một người, dù dành hết thời gian đọc sách khi tuổi còn nhỏ thì cũng vất vả lắm mới hưởng thụ được phần cốt lõi của kho tàng văn học vốn đã đồ sộ của nhân loại".

Với những cống hiến suốt đời cho văn học thiếu nhi, từ Ngôi nhà trong cỏ đến Tự truyện một con heo, cùng nhiều sáng tác, dịch thuật cho thiếu nhi được độc giả yêu thích, nhà văn Lý Lan xứng đáng với giải "Hiệp sĩ Dế Mèn".

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 7.

Nhà văn Lý Lan chia sẻ cảm xúc qua video trực tiếp tới BTC. Ảnh: Hoà Nguyễn

Trưng bày "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" - một chuyển thể từ Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài

Một trong 5 giải Khát vọng Dế Mèn năm nay đã được trao cho Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng), một chuyển thể từ Dế Mèn phiêu lưu ký.

Sau 7 năm miệt mài, họa sĩ LinhRab đã tái hiện thành công hành trình trưởng thành của Dế Út (lấy nguyên mẫu từ Dế Mèn) và dựng lên được một thế giới tự nhiên vừa quen thuộc, lại vừa có nét hiện đại, gần gũi với các bạn đọc nhỏ tuổi ngày nay.

Thông tin báo chí Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 - Ảnh 8.

Trưng bày "Cuộc phiêu lưu của Dế Út" trong khuôn khổ Lễ trao giải

Ghi nhận công phu chuyển thể thành truyện tranh với những giá trị nổi bật về hình họa, được sự đồng ý của NXB Kim Đồng và họa sĩ LinhRab, Ban tổ chức Giải thưởng đã tuyển chọn những khuôn tranh xuất sắc từ 4 tập Cuộc phiêu lưu của Dế Út để làm một cuộc trưng bày nho nhỏ trong khuôn khổ của lễ trao giải như một cách để tất cả chúng ta cùng thưởng thức những "biến tấu" vui tươi, rực rỡ của Dế Mèn phiêu lưu ký trong tâm hồn giới trẻ hôm nay.

Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, bộ truyện tranh này đã sáng tạo dựa vào cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, nhưng tác giả không đơn thuần là chuyển thể sang tranh. Nếu chỉ chuyển thể dựa theo nguyên bản tác phẩm thì cùng lắm cũng chỉ là cái bóng mờ của tác phẩm. Nhưng LinhRab còn mở rộng thêm, đưa đời sống mới vào tác phẩm, vì thế rất sinh động. Tuy tác giả vẫn ôm đồm, nhưng bộ truyện tranh này vẫn là gợi ý cho ta về việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn tác phẩm bằng cách phát triển nó, bổ sung nó, đặt nó trong sự phát triển của đời sống, của tư duy sáng tạo.

Ban Tổ chức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link