11/11/2024 11:54 GMT+7 | Thể thao
Thất bại của Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 cùng thành tích liên tục đi xuống của các đội tuyển bóng đá quốc gia trên đấu trường quốc tế là thực trạng không thể né tránh và đã chỉ ra nhiều bất cập lớn trong việc quản lý, điều hành cũng như xây dựng chiến lược phát triển chung của thể thao nước nhà.
1. Đã có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, từ những nguyên nhân mang tính nền tảng, tới nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những thất bại kéo dài, nhưng rõ ràng, với thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng vào lúc này điều cấp thiết là tìm kiếm những giải pháp mang tính hiệu quả, căn cơ, phù hợp với mặt bằng cũng như sự phát triển chung của đời sống kinh tế, xã hội và xu hướng phát triển của thể thao thế giới.
Đó cũng phải là những giải pháp tổng thể, từ chuyên môn tới quản lý, tổ chức, điều hành; từ bài toán đầu tư của ngân sách trung ương đến địa phương và quan trọng hơn là huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ cho sự phát triển của thể thao trên tất cả các mảng, từ phong trào tới đỉnh cao.
Và cũng không thể phủ nhận rằng, để có được những giải pháp tổng thể có hiệu quả, vai trò chuyên môn của ngành Thể dục thể thao rất quan trọng, nhưng là chưa đủ mà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội.
Đây cũng chính là mục tiêu mà báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) hướng tới khi xây dựng, triển khai tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" nhằm tạo ra thêm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với thể thao góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà thông qua việc nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế và vị thế trên mặt bằng xã hội.
2. Như đã đề cập, tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" không chỉ tập trung vào các yếu tố thuần chuyên môn, mà hướng tới những yếu tố khác cũng rất quan trọng cho sự phát triển bền vững như cơ sở hạ tầng, đào tạo, tài chính, gắn kết người hâm mộ và chiến lược tài trợ. Trong đó:
- Đầu tư vào cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết. Sân bãi, trang thiết bị tập luyện hiện đại, và các trung tâm đào tạo trẻ mội trường quan trọng nhằm đào tạo, huấn luyện và thi đấu.
- Đào tạo và phát triển VĐV trẻ và hệ thống thể thao học đường cần được chú trọng hơn nữa. Xây dựng các chương trình đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, kết hợp với việc học văn hóa, sẽ giúp các VĐV phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.
Hợp tác với các trung tâm đào tạo quốc tế uy tín, đưa các chuyên gia nước ngoài có chất lượng về giảng dạy, và tổ chức các giải đấu trẻ thường niên cũng là những cách hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng và y học thể thao toàn diện từ thể thao học đường đến thể thao trẻ cũng như thể thao chuyên nghiệp nhằm nâng cao thể trạng, đảm bảo thể lực chuyên môn.
- Sự cổ vũ nồng nhiệt và tình yêu chân thành của người hâm mộ không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV mà còn tạo động lực thu hút đầu tư vào thể thao. Chính vì vậy, cần xây dựng một hệ thống cổ động viên bài bản và chuyên nghiệp, thay vì phong trào tự phát như hiện tại.
- Nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa thể thao thông qua việc nâng cấp công tác tổ chức, hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia để thu hút thêm nhiều nguồn lực xã hội.
- Cuối cùng là yếu tố then chốt -Tài chính. Thể thao không thể phát triển nếu thiếu nguồn lực tài chính đủ mạnh. Do đó, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục và nâng cao công tác đầu tư vào thể thao, tìm thêm các nguồn thu từ hoạt động xã hội hóa thể thao theo hướng đi chuyên nghiệp - Thể thao tự nuôi chính mình, cũng như xây dựng các cơ chế quản lý tài chính minh bạch và hiệu quả.
- Nâng cao hiệu quả mảng kinh tế thể thao, biến thể thao thành môi trường kinh doanh hấp dẫn mang lại lợi ích cho cộng đồng, doanh nghiệp và cho toàn xã hội.
Và đặc biệt là cơ chế quản lý nhà của ngành thể thao vốn đã có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của 1 ngành có chức năng khá đặc thù này, cũng đòi hỏi phải có những giải pháp cải tổ từ mô hình đến nhân sự.
3. Tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" sẽ được báo Thể thao và Văn hóa triển khai dài kỳ trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn, bao gồm báo giấy, báo điện tử và truyền hình, cũng như trên các sản phẩm thông tin mạng xã hội từ tháng 11/2024.
Hình thức thông tin cũng được triển khai đa dạng, từ các bài, phóng sự nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, ý kiến các chuyên gia thể thao, chuyên gia quản lý, kinh tế, doanh nghiệp... Bên cạnh đó là các bài học kinh nghiệm từ thể thao trong nước đến nước ngoài do chính phóng viên các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam thể hiện.
Song song trong quá trình triển khai thông tin báo chí, tòa soạn cũng sẽ phối hợp cùng ngành thể thao, cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tổ chức các buổi Hội thảo, trao đổi trực tiếp để mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp hiệu quả.
Tại sao là "thách thức Top 50 Olympic"?
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu rõ ràng cho thể thao thành tích cao.
Cụ thể, đến năm 2030, mục tiêu cho thể thao thành tích cao là duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD, trong đó đoạt từ 5 đến 7 HCV tại các kỳ ASIAD; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic.
Đây là những mục tiêu được xem là cụ thể và có tính hiện thực, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, tại những đấu trường như SEA Games, ASIAD... nơi mà thể thao Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình, những mục tiêu vào năm 2030 và cả tầm nhìn đến năm 2045 là khả thi, thì Olympic - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh là thách thức không hề nhỏ.
Bằng chứng là tại Olympic Paris 2024 khi thể thao Việt Nam tay trắng thì vị trí cuối cùng trong Top 50 của bảng xếp hạng huy chương chung cuộc là đoàn thể thao Bồ Đào Nha đã giành tới 1 HCV - 2 HCB - 1 HCĐ. Cũng cần nói thêm rằng, nếu tính từ ngày trở lại tham gia Thế vận hội mùa Hè vào năm 1980 tại Liên Xô (cũ) đến nay, qua 11 kỳ đại hội, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 1 HCV - 3 HCB - 1 HCĐ, thành tích tốt nhất là tại Olympic Rio de Janeiro 2016, nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã 1 mình giành 1 HCV - 1HCB (ảnh).
Nói thách thức lớn là thế.
Là đơn vị báo chí thể thao và văn hóa hàng đầu quốc gia với hơn 40 năm hình thành và phát triển, Thể thao và Văn hóa hiện hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện với đầy đủ các loại hình báo chí (báo giấy Thể thao và Văn hóa 5 kỳ/1 tuần; báo điện tử thethaovanhoa.vn và truyền hình phát sóng trên Truyền hình Thông tấn Vnews) với đông đảo bạn đọc trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó còn là các sản phẩm thông tin hấp dẫn trên mạng xã hội.
Ngoài ra, tòa soạn còn là đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao có uy tín, đẳng cấp hàng năm gồm: Giải thưởng Âm nhạc và Thể thao Cống hiến; Giải thưởng văn học nghệ thuật thiếu nhi Dế Mèn; Giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội... cùng nhiều sự kiện tài trợ đồng hành, thiện nguyện gây tiếng vang trong cộng đồng.
Báo Thể thao và Văn hóa là 1 trong những đơn vị thông tin chủ lực của Thông tấn xã Việt Nam. Với hệ thống 63 cơ quan thường trú tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở ngoài nước đặt tại tất cả 5 châu lục, Thông tấn xã Việt Nam có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước cũng như tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới và cũng là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất