Thư Bắc Kinh: Một người Việt trở thành niềm hy vọng của nước Mỹ

13/08/2008 09:57 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Nước Mỹ nói về anh rất nhiều trong suốt 3 năm qua. Người Mỹ hy vọng ở anh như chúng ta hy vọng trong số hơn chục VĐV Việt Nam ở Bắc Kinh sẽ mang về một tấm HCV quý giá. Anh cũng có tham vọng sẽ làm thay đổi nước Mỹ, về môn thể thao cầu lông vốn chỉ phổ biến ở châu Á. Anh là Howard Bạch, một người Mỹ gốc Việt.

1 trong 100 VĐV đáng xem ở Olympic

Trước thềm khai mạc, tạp chí Time của Mỹ đã xếp Howard Bạch là 1 trong số 100 VĐV vào diện đáng chờ đợi nhất ở Bắc Kinh. Bạch đứng thứ 87 trong số các VĐV đến từ các quốc gia khác nhau, trên cả những VĐV nổi tiếng như Haile Gebreselassi.

Cũng không phải không có căn cứ, dù có vài “dấu hiệu” cho thấy tờ Time có chút thiên vị. Bạch đã trở thành nhà vô địch cầu lông thế giới năm 2005, ở nội dung đôi nam. Năm 2007, ở Pan American Games, Bạch giành tấm HCV nữa, ở nội dung đôi nam nữ (cùng Eva Lee) và một tấm HCB đôi nam. Chưa bao giờ cầu lông nước Mỹ lại gặt hái nhiều đến thế. Bản thân người Mỹ không chơi cầu lông. Truyền hình cũng không bao giờ phát sóng các trận đấu cầu lông.

Thành tích này bước đầu tạo ra những đổi thay, về cầu lông, một môn thể thao chỉ phổ biến ở châu Á, với nước Mỹ. Dư luận và phong trào trong cộng đồng người Việt ở Cali cũng thay đổi. Trước kia họ thường chỉ lấy Dat Nguyen, cựu hậu vệ trứ danh với những kỷ lục truy cản ở môn bóng đá Mỹ trong màu áo của CLB Dallas Cowboys, làm biểu tượng.

Một cậu bé ngỗ ngược trở thành “thanh niên ưu tú”

Sinh ra ở TPHCM, Howard Bạch rời Việt Nam tới San Fransico cùng với gia đình khi anh mới 3 tuổi. Gia đình Bạch mở nghề giặt đồ. Bạch làm chân trả đồ cho khách. Khá tự do, Bạch thoải mái làm một cậu bé nghịch ngợm, nhảy xe buýt, giao du với đám trẻ con bất hảo và tự hào là không bao giờ bị tóm. Còn bây giờ, Bạch, 29 tuổi, trở thành niềm tự hào của 4 người chị, của gia đình và cả người vợ sắp cưới của anh. Tất cả là nhờ cầu lông.

Bạch chơi cầu lông từ năm 6 tuổi. Anh thừa hưởng gen từ người cha, ông Bạch Cẩm Sen. Cũng chính ông là người đã trực tiếp dìu dắt anh với tư cách của một HLV trong suốt 11 năm trước khi Howard Bạch ăn tập chuyên nghiệp ở Colorado. Cũng đã có lúc, mới đây thôi, Howard Bạch tưởng sẽ không còn ông trong cuộc đời của mình vì bệnh, nhưng giờ đây ông đã phục hồi và có mặt ở Việt Nam với công việc của một doanh nhân.

Một Việt Nam, một Lào – một bộ đôi Đông Dương

Tony Gunawan, người Indonesia, vì từng đại diện cho xứ Vạn đảo tại Olymipic Sydney 2000 (giành HCV), sang Mỹ từ năm 2002, đã không thể có mặt ở Olympic vì chưa có quốc tịch mới. Nhưng nó lại là cơ duyên để cầu lông Mỹ có bộ đôi Đông Dương tham dự Olympic. Bob “Khan” Malaythong, sinh ra ở Lào, định cư ở Mỹ từ năm 1990, chuyển từ Maryland tới Colorado rồi ở Quận Cam, trở thành người đánh cặp với Howard Bạch.

So với người Howard Bạch, Bob Malaythong còn khá “vô danh”. Howard là người dìu dắt cả về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu cho Bob. Hôm qua, câu trả lời của cặp đôi Đông Dương này khá tích cực. Họ đánh bại đối thủ đến từ Nam Phi trong vòng chưa đầy 20 phút với tỉ số 2-0.

Điệp vụ bất khả thi-thay đổi nước Mỹ của một người Việt- như vậy đã cởi được nút thắt đầu tiên!

Trọng tài Việt Nam điều khiển trận đấu của Howard Bạch

Thêm một sự trùng lặp không tưởng. Trọng tài thứ hai (chuyên trách về phát cầu) điều khiển trận đấu của cặp đôi Đông Dương khoác áo đội tuyển cầu lông Mỹ trong ngày thi đấu hôm qua là một người Việt Nam: Nguyễn Phạm Duy Anh.

Duy Anh, 36 tuổi, đến từ TP HCM, là một trọng tài đẳng cấp quốc tế của cầu lông Việt Nam. Việc ông có mặt ở Olympic, tham gia điều khiển các trận đấu là một vinh dự của cá nhân vả của thể thao Việt Nam.

Khi chúng tôi nói với Howard Bạch về “cơ duyên” ấy, anh cũng rất ngạc nhiên. “Tôi không nhận ra được điều đó. Không thể nghĩ là lại có một trọng tài Việt Nam trong trận đấu của chúng tôi. Tôi chỉ biết đó là trọng tài châu Á. Nhận biết quốc tịch qua vẻ bề ngoài là không thể”.

Ngoài Duy Anh, Việt Nam còn có 1 trọng tài khác tham gia điều khiển Olympic là Phạm Anh Tuấn ở môn đấu kiếm. Ở Oympic Athens, BĐVN có góp mặt 1 trợ lý, đó là Trương Thế Toàn. Nhưng sau scandal tiêu cực năm 2005, các trọng tài BĐVN đã rớt giá thảm hại.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link