Thư Bắc Kinh: Đột nhập “lô cốt” thể thao Mỹ

14/08/2008 14:00 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Phải là một cái gì đó ghê gớm lắm thì đoàn thể thao Mỹ mới nằng nặc đòi ở ngoài Làng Olympic. Khi họ không thể phá lệ, đưa tất cả ra ngoài khách sạn để xây một cái ốc đảo giữa Bắc Kinh như kế hoạch, tôi đã nghĩ, khu đoàn thể thao Mỹ ở, phải giống một cái lô cốt, đầy lính tráng đeo kính đen, vác súng bao quanh.

Song, tôi đã nhầm. Điều khác biệt duy nhất để phân biệt khu đoàn thể thao Mỹ với các đoàn thể thao khác đó là những lá cờ treo ngoài ban công-một thứ văn hóa ở các làng VĐV. Cờ đỏ sao vàng của đoàn TTVN tung bay trên nóc nhà A2. Đoàn ở tầng 9, cao nhất. Cờ hoa của Mỹ giăng khắp khu C2, C6. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Còn nhân viên an ninh, nếu tòa nhà đoàn TTVN có 2 nhân viên tình nguyện đứng chỉ đường, hướng dẫn cho khách của làng vào thăm và cung cấp thông tin cần thiết, thì tòa nhà đoàn Mỹ cũng chỉ có 2 tình nguyện viên.

Còn những gì mà CIA cài cắm ở đấy, nếu có, dĩ nhiên không thể nhận biết với mắt thường của mình. Những phóng viên rất đỗi bình thường như chúng tôi, vốn chỉ có khả năng nhận diện các ngôi sao thể thao khác nhau, càng không thể.

Cũng chẳng khó để tìm ra cái tòa nhà ấy. Chính nhờ một thành viên của đoàn Mỹ đã chỉ đường, tôi chỉ mất 2 phút đã tìm thấy. Rồi một thành viên khác đã đưa tôi và phóng viên thường trú của TTXVN tại Bắc Kinh, anh Lê Vĩnh Hà và phóng viên ảnh từ Việt Nam sang, anh Phạm Tùng Lâm sục sạo cả tầng 2 rồi tầng 3 tòa nhà C2 để tìm nhân viên quản lý của đoàn Mỹ, bắt liên lạc với Howard Bạch, người Mỹ gốc Việt, tham dự Olympic môn cầu lông.

3 phóng viên Việt Nam, tay lăm lăm 2 cái máy ảnh và 1 chiếc video camera, đi đến đâu là bấm máy tới đó. Tự nhiên như khi tác nghiệp ở đoàn TTVN khi gặp trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang hay VĐV điền kinh Vũ Thị Hương trước đó ít phút vậy!

Vừa thích thú (vì những người làm báo hạnh phúc nhất khi được làm việc mà không gặp bất cứ cản trở nào). Vừa khoan khoái, vì đã trả lời được câu hỏi mà nhiều người quan tâm tới Olympic, không chỉ ở Việt Nam, thắc mắc liệu đó có phải là một cái lô cốt.

Và nếu có một điều khác biệt nữa mà tôi chưa kể ra ở trên, thì đó là việc đoàn Mỹ được bố trí ở một khu mà người trong làng gọi nó là “khu nhà giàu”. Bên tay trái nó là khu nhà của đoàn Anh. Đối diện là đoàn Nhật Bản, rồi của Trung Quốc và bên tay phải là của đoàn Canada. Đó đều là những cường quốc thể thao mà chỉ cần với sự hiện diện của họ đã đảm bảo đẳng cấp cho một kỳ Olympic.

Chính bởi vậy, cũng cần phải thay đổi cụm từ “lô cốt thể thao Mỹ” trong tưởng tượng trước kia, thành cụm từ như “xóm thể thao Mỹ” hay cái gì đó đại loại. Người đứng đầu Làng Olympic được người Trung Quốc gọi theo cách khá ngộ là Trưởng thôn.

Quãng thời gian mà chúng tôi ở đấy trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, “đánh võng từ đoàn Anh sang đoàn Mỹ rồi lại đoàn Thụy Sỹ để chờ ngôi sao quần vợt Federer, có thêm một điều nhận biết nữa, tất cả các VĐV Mỹ, cũng sẵn sàng đối thoại với bạn.

Làng Olympic không dễ đột nhập. Cảnh sát đứng đầy cổng. Súng ống đeo lủng lẳng. Hàng rào bao quanh chia làm mấy tầng, có nhiều chốt cắm và gắn đầy camera. Có cả thảy 3 lớp rà soát, kiểm tra thẻ. Nhưng chỉ là khó với những người không biết cách tiếp cận. Vì Làng mở cho tất cả các phóng viên, miễn là họ có đăng ký viếng thăm trước 1 ngày và được một đoàn thể thao nào đó chấp nhận như là khách mời. Vào Làng rồi thì tự do. Chúng tôi là khách mời của đoàn TTVN. Gặp đoàn nhà xong là sang đoàn Mỹ. Chỉ có những phóng viên, chắc vì không biết quy tắc đó mới thấy tiếp cận với các đoàn thể thao trong làng và cảm thấy khó như lên Trời. Cũng phải, vì chỉ có đúng một cách: thông qua cái mobile để “câu” các VĐV ra ngoài.

Cõ lẽ, cũng chính vì sự chặt chẽ ấy mà người Mỹ đã không phải biến khu nhà dành cho họ thành những pháo đài bất khả xâm phạm. Mặt khác, nếu ai đã từng vào Làng Olympic, người ta sẽ thấy đó thực sự là một ngôi làng, vì sự gần gũi và thân thiện giữa các VĐV.

Lúc chúng tôi đứng đó, một nữ VĐV của Italia đang trao đổi huy hiệu với 1 VĐV của Mỹ. Có tới nửa đội điền kinh Mỹ ngồi tán gẫu ngay lối đi giữa làng.

Nhưng ngôi sao nổi tiếng và được khá nhiều người Việt Nam biết tên và biết mặt mà tôi gặp lại là một người Anh: ngôi sao quần vợt Andy Muray. Nghe nói Federer suốt ngày chỉ giam mình trong phòng. Nadal lúc đó đang đi tập. Micheal Phelps đang đi săn những tấm huy chương cho đoàn Mỹ.
 
Thắt chặt an ninh tại các công viên

Nước chủ nhà đã thắt chặt các biện pháp kiểm tra an ninh sau vụ một du khách Mỹ (bố vợ của HLV đội bóng chuyền Mỹ) bị sát hại cách đây 4 ngày. Cảnh sát và các nhân viên an ninh đã khám các túi xách tay và tịch thu mọi thứ có thể gây sát thương, như dao cắt hoa quả có độ dài trên 8cm, của những người vào công viên. Đồng thời, các công viên ở Bắc Kinh, như Thiên Đàn, Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn, Đại Quan Viên, Thế Kỷ Đàn, … đều thành lập các đội an ninh riêng với nhiệm vụ tuần tra 24/24 giờ hàng ngày.

Với biện pháp mới này, tình hình kiểm soát an ninh ở Bắc Kinh trong dịp Olympic vốn đã ngặt nghèo nay lại càng ngặt nghèo hơn. Trên đường phố xuất hiện nhiều bóng dáng nhân viên an ninh. Lực lượng an ninh được phép kiểm tra bất cứ người nào hoặc xe nào. Những người ra đường đều được khuyến cáo mang đầy đủ giấy tờ tuỳ thân.

Trong khi đó, theo tiết lộ mới của các nhà chức trách thì kẻ sát hại du khách Mỹ cách đây 4 hôm có tên là Đường Vĩnh Minh, 47 tuổi. Sau đó tên này đã nhảy từ tầng hai của toà “Cổ Lâu” xây dựng từ thế kỷ XIII xuống tự sát. Tên này đến từ tỉnh Chiết Giang miền Đông Trung Quốc, được xác định có “chứng bệnh tâm thần”.
 
NXC
 

Phạm Tấn (từ Bắc Kinh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link