Thư Ban biên tập: "Rắn đầu biếng học"

26/01/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

"Chẳng phải liu điu cũng giống nhà

Rắn đầu biếng học lẽ không tha

Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ

Nay thét mai gầm rát cổ cha"…

Quý độc giả thân mến! Học trò thế hệ 7X đổ về trước, hầu như ai cũng biết đến bài thơ này, không chỉ nó gắn với giai thoại về nhà bác học Lê Quý Đôn, hay vì tác phẩm được học trong nhà trường; mà còn vì cảnh mải chơi, trốn học, bắt cua cáy, ếch nhái, rắn rết... ngoài đồng như thế vốn dĩ rất quen thuộc. Cho nên bài thơ chơi chữ này, với rất nhiều tên các loài rắn (liu điu, hổ lửa, hổ mang...), bỗng trở nên gần gũi với đám trẻ, không sách vở tí nào, cứ như bài học về đồng ruộng vậy.

Đặc biệt cái cảnh "Nay thét mai gầm rát cổ cha" thì đã thành thường trực bên bàn học, dưới ánh đèn dầu rồi đèn điện lom đom cuối thập kỷ 80 về trước. Cảnh đòn roi trong giáo dục ("Lằn lưng cam chịu vệt năm ba") của gia đình thời đó vẫn còn khá phổ biến. Chỉ từ thế hệ 9x về sau này, vấn nạn đòn roi mới dần chấm dứt.

Báo Tết - Thư Ban biên tập: "Rắn đầu biếng học" - Ảnh 1.

Nhưng đừng tưởng hết đòn roi là học trò sẽ sướng hơn. Học trò thời hiện đại có nỗi khổ của chúng, đó là áp lực thi cử, học hành nhiều khi đến mức kinh hoàng...

Nhưng công bằng mà nói, những áp lực đó không hẳn là do chủ quan, như cách mà một số người hay đổ lỗi cho nền giáo dục hay cho tham vọng vô cùng tận của các bậc phụ huynh về con đường học hành của con cái. Nó còn do yếu tố khách quan của thời đại, khi mà những tiến bộ như vũ bão của KHKT trong kỷ nguyên số đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực không ngừng nghỉ, học tập suốt đời, mới mong có được chỗ đứng tốt trong cuộc đời.

Mà cách học bây giờ cũng rất khác. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là câu chuyện viễn tưởng nữa khi mà "người máy" đang dần thay thế rất nhiều "vị trí việc làm" của đội ngũ lao động trí thức nay mai, bao gồm cả vị trí của... người thầy nữa.

Do đó, cách dạy và học phải thay đổi nhanh chóng thì thế hệ trẻ tương lai mới có đủ năng lực trí tuệ để "ra lệnh" cho AI, và sử dụng tiềm năng vô biên của nó để sáng tạo ra những thứ cần thiết cho cuộc sống. Giáo dục ngày nay không còn là miệt mài dạy và học các kỹ năng thông thường nữa. Tất nhiên, trước khi học cách làm việc với "người máy", ai cũng phải học cách làm... con người trước đã.

Quý độc giả thân mến!

Chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, trong Xuân năm Ất Tỵ này, thật kỳ lạ, chúng ta lại bắt gặp và thậm chí lại được song hành cùng nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) khi chỉ còn thiếu 1 năm nữa là tròn 300 năm ngày sinh của ông. Chúng ta đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO để tổ chức quốc tế này vinh danh ông bằng một nghị quyết cùng tham gia kỷ niệm vào năm 2026.

Đọc lại bài thơ này, dù chỉ mang tính giai thoại, nhưng ta cũng có thể hình dung, cách đây 300 năm, cũng như rất nhiều các cô cậu học trò thời nay, có thể Lê Quý Đôn cũng từng là một đứa trẻ ham chơi, bị cha mẹ la mắng..., nhưng rồi bằng ý chí tự lực, tự cường ("Từ rày Trâu, Lỗ chăm nghề học"), ông đã vươn lên trở thành nhà bác học, tiếng tăm lừng lẫy trong thời đại của mình. Và chưa hết, đến 300 năm sau, ông lại vươn tầm thế giới, cùng chúng ta bước vào kỷ nguyên mới.

Chúng ta có đủ cơ sở để tin vào điều đó, cũng như tin vào sự vươn mình của chính chúng ta, của những đứa trẻ nhà mình, dù thực tế còn rất nhiều khó khăn.

Sự vươn mình đó của văn hóa, trí tuệ Việt Nam chính là cảm hứng chủ đạo cho các câu chuyện năm mới trên số báo Xuân này.

Xin kính chúc quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng!

Trân trọng,

BAN BIÊN TẬP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link