30/06/2014 16:42 GMT+7 | Vòng 1/8
(Thethaovanhoa.vn) - Brazil đã vượt qua Chile, nhưng cách họ chiến thắng gây ra rất nhiều tranh cãi và thậm chí bị xem là phản lại màu áo của họ. Đó là chủ đề bàn tròn hôm nay, với các khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu và nhà báo Tuấn Cương.
“Xem Brazil đá giống như được tiêm thuốc ngủ liều cao”
Phạm An: Rạng sáng qua, Brazil - Chile là 1 trận đấu tương đối buồn ngủ, nhưng vẫn hay phải không các anh chị?
Tuấn Cương: Đúng thế, vẫn hay, đặc biệt ở loạt sút luân lưu, bởi không ai có thể rời mắt khỏi màn hình vào thời điểm ấy. Rốt cuộc thì người Brazil vẫn có thể chiến thắng mà không cần đến sự trợ giúp của trọng tài. Dù sao, đó cũng là một điểm cộng đối với họ, dù 120 phút trước đó là một liều thuốc ngủ liều cao.
Đoàn Ngọc Thu: Không, trận sau đó mới buồn ngủ, chứ trận này rất hấp dẫn. Điều hấp dẫn nhất là Brazil đá chán không thể tưởng tượng và mình căng mắt xem lúc nào “hắn” thua.
Hà Quang Minh: Nó kịch tính kinh khủng chứ, và nó biến tôi, một người xem bình thường đang thích Neymar bỗng chuyển sang cổ vũ Chile. Vẫn buồn vì Chile thua.
Phạm An: Tôi xem trận đấu đó mà có cảm giác như xem một bộ phim không dành cho số đông: Không có tình tiết hấp dẫn, khá “hại não”, làm chúng ta vừa muốn dứt khỏi nó, nhưng không thể vì tò mò vào những diễn biến tiếp theo của nó.
Có những giây phút mà trận đấu căng dây thần kinh người xem đến tột độ (quả đá trúng xà của Pinilla phút 120) và có những giây phút nó làm chúng ta nghẹn thở, khi Neymar khoác cả tấn sức ép bước lên chấm phạt đền. Lúc nhìn anh ta chuẩn bị đá quả đó, tôi cũng thấy lạnh cả người, thật may mắn là anh ta đã đá thành công.
Đoàn Ngọc Thu: Tôi cũng thấy thật bất công cho Chile, cho dù nếu Brazil thua, thì cục diện giải đấu, cũng như cả nền chính trị, xã hội của nước chủ nhà thật sự là không dám hình dung.
“Không còn Brazil của ngày hôm qua”
Phạm An: Chúng ta đều thích nhìn thấy sự phản kháng của kẻ yếu mà, các anh chị? Một cách rất tự nhiên thôi? Khi kẻ yếu hơn thể hiện tốt hơn, thì là kẻ mạnh cũng là một bi kịch?
Hà Quang Minh: Một đội bóng hiện đại bây giờ phải có hàng tiền vệ đủ mạnh để khống chế trung tuyến. Brazil không có được điều đó. Họ chơi 4-2-3-1 với hai tiền vệ trung tâm là Luis Gustavo và Paulinho. Hai tiền vệ đó đang chơi ở CLB nào tại châu Âu? Không phải những CLB hàng đầu. Và nếu xếp hạng top 10 cầu thủ tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới hiện nay, họ đứng ở đâu?
Đoàn Ngọc Thu: Tôi không nhìn nhận yếu tố yếu-mạnh ở đây, mà nhìn nhận rằng, Brazil đã tính toán rất kỹ lưỡng cho trận đấu này cả về thời gian, cách thi đấu nhưng họ đã nhầm, và họ đã không hình dung nổi một Chile rất quyết tâm.
Phạm An: Các anh chị có lẽ đã tưởng tượng Brazil quá đẹp, quá hùng mạnh, nhưng hãy thực tế, Brazil giờ cũng không phải là Brazil của ngày xưa nữa. “Em của ngày hôm nay” khác nhiều lắm.
Tôi chỉ muốn xác nhận một điều, là sự thất vọng với Brazil vào lúc này là không thỏa đáng. Họ đã vượt qua Chile một cách sòng phẳng, bản lĩnh, dù phải gồng mình đeo theo cái danh tiếng là thương hiệu Samba trong quá khứ, và quá nhiều sức ép khác.
Hà Quang Minh: Thật ra, Phạm An có cho là sòng phẳng không? Nếu như đúng ra, Howard Webb có thể tặng cho Jô một thẻ đỏ rồi khi anh ta chơi bóng ác ý với thủ môn Bravo. Thú thực, hôm qua tôi thấy cầu thủ Brazil giỏi đánh hơn là đá.
Chính sự ưu ái của trọng tài cho chủ nhà đã đánh lừa chúng ta rất nhiều. Tôi nhớ, ở trận ra quân, lẽ ra Neymar có thể bị thẻ đỏ thay vì thẻ vàng vì cú thúc cùi chỏ ác ý của mình. Trận hôm qua, Neymar cũng chơi ác ý mà được bỏ qua.
Đoàn Ngọc Thu: Tôi đồng ý. Hôm qua, trọng tài nương thẻ cho Brazil hơi nhiều.
Phạm An: Tiểu xảo cũng là một phần của bóng đá, thưa các anh chị, dù chúng ta không thể cổ súy nó, nhưng cũng như các sai lầm của trọng tài, chúng ta nên thừa nhận nó là một phần cuộc chơi.
Và chúng ta không thể đặt ra các giả định. Nếu dựa trên những gì đã diễn ra, Brazil có thể bị ghét, vì quá nhiều những quan niệm không hợp thời đeo đẳng họ và chi phối cách nhìn nhận của công chúng đối với họ, nhưng Brazil đêm qua là một đội bóng rắn rỏi, thực tế, cũng biết chơi "bẩn", theo quan điểm thực tế, đó là một đội bóng bản lĩnh và xứng đáng thắng
Hà Quang Minh: À đúng, Phạm An. Bóng đá là phải có tiểu xảo. Tiểu xảo qua mắt trọng tài thì thôi không nói nhưng nếu trọng tài đã cắt còi thì phải xử cho xứng đáng.
Tuấn Cương: Nếu thật sự "bắt" có lợi cho Brazil, trọng tài nên công nhận bàn thắng của Hulk chứ? Nương thẻ với đội chủ nhà đôi khi là chuyện rất thường tình, sức ép trên sân và thời điểm đó, và nhiệm vụ bảo toàn trận đấu là điều mà trọng tài phải cân nhắc, chứ không phải nghiêm khắc như 1 cái máy.
Các anh chị đã quá định kiến chăng? Đòi hỏi Brazil đá đẹp bây giờ cũng như đòi hỏi Hà Lan phải đá tổng lực, Ý phải chơi Catenaccio và Đức phải là những cỗ máy tra tấn tinh thần?
Hà Quang Minh: Không, Tuấn Cương hiểu sai ý tôi. Tôi không cần Brazil phải đẹp vì đẹp có khi là tự sát. Nhưng phải chứng tỏ họ là một đội bóng mạnh, một cường quốc bóng đá, một đội bóng thắng tâm phục khẩu phục chứ không thể bạc nhược thế.
“Brazil không còn là cường quốc bóng đá số một”
Tuấn Cương: Công chúng đúng là luôn khó chiều, và công chúng ở một đất nước từng 5 lần vô địch thế giới lại càng khó chiều. Trong khi có một thực tế không thể thừa nhận là phân nửa trong số đó (1994, 2002) không phải là những chiến tích giành được với sự duy mỹ như vài chục năm về trước.
Phạm An: Brazil cũng không hẳn là cường quốc bóng đá ở cái độ có thể tạo ra sự chênh lệch như chúng ta vẫn kỳ vọng nữa, anh Minh. Và thậm chí về độ cuồng nhiệt, Brazil cũng không còn là những gì mà chúng ta vẫn biết. Tôi có chat với một họa sĩ đường phố ở Sao Paulo, 36 tuổi, anh ta nói với tôi rằng người Brazil giờ quan tâm đến bóng đá thậm chí không bằng người Anh, và bản thân anh ta đến sân không quá 10 lần trong gần 40 năm cuộc đời của mình.
Hà Quang Minh: Nếu Phạm An nói vậy thì chúng ta nên nghĩ khác đi thôi. Khi Brazil không còn là cường quốc bóng đá nữa thì họ cũng không xứng tầm để là một ứng viên vô địch hàng đầu phải không nào.
Phạm An: Chính xác. Như tôi đã nói, khoảnh khắc Neymar bước lên chấm phạt đền, gồng gánh cả nghìn cân sức ép và sút tung lưới Chile cũng đẹp như bất kỳ điệu Samba sân cỏ nào. Tất cả chỉ bị giới hạn bởi những quan niệm cũ.
Đoàn Ngọc Thu: Nếu như quả bóng phút cuối cùng bù giờ không đi đến xà ngang, Brazil sẽ ra sao rồi?
Phạm An: Nếu đặt ra giả định, chị Đoàn Ngọc Thu, thì tôi cũng sẽ đặt ra giả định là trận đấu liệu có phải dìu nhau đến chấm phạt đền không, nếu bàn của Hulk được công nhận?
Cái xà nó chẳng có lỗi như chúng ta hay đổ thừa cho may mắn hay đen đủi. Suy nghĩ đơn giản nhất là thế này: Cú đá của Pinilla đã không đủ thấp để đi vào lưới, và cái xà chỉ là một ấn tượng mà thôi, dù là ấn tượng rất mạnh. Đó đơn giản là 1 cú đá không chính xác.
Hà Quang Minh: Thật ra, nói như An là đúng, không thể đổ lỗi cho xà hay cột. Vấn đề là hàng công Chile chưa đủ sắc bén. Nhưng hàng công của Colombia, Pháp (hoặc Đức) thì khác đấy. Brazil lại có hàng thủ không hề tốt như ta tưởng. Silva chơi hay nhưng Luiz thì là thảm họa.
Đoàn Ngọc Thu: Minh đã trả lời rồi, ý tôi không phải là cái xà mà là hàng công của Chile, còn hàng thủ của Brazil thì quá là tệ hại.
Dĩ nhiên tôi đồng ý, để đi đến vinh quang, người ta có thể đi bằng mọi cách, ví dụ như tuyển Đức 2002, họ cũng lết vào chung kết đấy chứ.
Brazil đã thắng trận hôm qua, nếu họ không thay đổi, họ cũng có thể thắng Colombia, nhưng họ vốn đã thua với chính những người yêu Brazil rồi.
Tuấn Cương: Chúng ta không thể yêu một Brazil hoàn hảo trong tâm trí. Có lẽ khán giả phải học cách chấp nhận một Brazil thực tế thôi.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất