07/07/2014 06:44 GMT+7 | Ký sự World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Không chịu nổi những tiếng hát của chừng 3 vạn người Brazil “đội lốt” CĐV Bỉ đang hát vang một câu hát chế giễu “Ngàn bàn thắng, ngàn bàn thắng, vang vọng Pele, còn Maradona chỉ biết “ngửi khói”, người đàn ông chạc 60 tuổi đã lột chiếc áo xanh trắng và quay điên cuồng.
Có lẽ ông vô tình mua phải chiếc vé ở vị trí lọt thỏm giữa các CĐV bản xứ như một hệ quả tất yếu của việc mua vé qua mạng internet với tâm lý miễn sao được vào sân.
Vẻ mặt kiêu hãnh, đầy thách thức, ông đã châm ngòi cho các CĐV Argentina khác vừa ngồi xuống nghỉ lấy sức, họ cần phải hát không ngừng trong một trận đấu kéo dài 90 phút (và cả trước đó nữa).
Người Brazil vốn thân thiện, lại là dân thủ đô, nhưng đã là bóng đá, thì dù dưới sân cỏ hay trên khán đài cũng không ai biết trước điều gì. Vậy mà ông vẫn ngẩng cao đầu, ưỡn cái bụng một múi, bất chấp.
Người phụ nữ trạc tuổi mẹ của Messi cùng với cô con gái của mình nhảy tưng bừng trong đám đông đang gào thét vì sung sướng. Giọng của bà khản đặc như một ca sĩ nhạc Rock (chắc vì đã hò hét quá nhiều), hát trong những giọt nước mắt lấp lánh nơi ánh mắt rất hiền, rằng “Hỡi người Brazil hãy nói cho tôi biết ngươi nghĩ gì. Hãy về nhà hỏi cha ngươi, rằng năm tháng qua đi, ngươi vẫn không thể nào quên… Người Brazil vẫn khóc từ Italy 90 đến giờ”.
Có thể chúng ta, những người xem truyền hình cũng thấy được những hình ảnh ấy, hoặc nhiều hơn thế. Những góc khán đài phủ kín màu xanh trắng, nhảy rầm rầm trên những bậc thềm, hai tay vung mạnh như những kẻ đi tranh đấu cho một vấn đề nào đó ngoài xã hội chứ không phải bóng đá.
Chỉ có thiếu những cuộn giấy dài và confetti xanh trắng thả từ trên các khán đài là tái hiện những gì họ đã làm ở Buenos Aires 1978.
Các CĐV Argentina đang biến mọi trận đấu của họ ở giải đấu này thành những trận đấu trên sân nhà bất chấp người Brazil ở thành phố nào cũng luôn cổ vũ cho bất cứ đối thủ nào của Argentina, dù đó là Bỉ hay Iran, là Bosnia hay Thụy Sĩ. Chính bởi thế mà ở sân Mane Garrincha mới có tới gần bốn vạn các CĐV sơn mặt quỷ, khoác áo đỏ nhưng lại chỉ biết nói tiếng Bồ và hát bài hát ca ngợi Pele.
Cũng không phải chỉ ở trong sân. Ở ngoài cũng thế. Tối sau trận đấu, đám thanh niên Argentina mặc nguyên những chiếc áo xanh trắng, lưng in tên Maradona và Messi, bước vào những quán bar kín đặc người. Họ hầu như không biết sợ hãi. Chỉ có những người khác phải kiêng nể họ.
Những người đau khổ nhất 24 năm qua
Nhưng đằng sau những hình ảnh choáng ngợp ấy, và để có được những giây phút bùng nổ ấy, nhiều người Argentina đã phải vượt qua những khó khăn không kể xiết bên cạnh thuận lợi duy nhất là Brazil ngay cạnh Argentina.
Có thể người đàn ông lục tuần kể trên cũng giống như chàng thanh niên Tomas mà tôi gặp ở Sao Paulo, họ đã phải xoay đủ cách để kiếm được số ngoại tệ ít ỏi (đô la Mỹ) để lên đường đi Brazil. Không phải ai cũng mua được ngoại tệ ở Argentina trong các ngân hàng. Họ phải ra chợ đen ở Buenos Aires hay một thành phố nào đó mua đô la với giá cao gấp đôi.
Chính bởi thế người Argentina dù tương đối giàu có, nhưng họ phải cực kỳ tằn tiện trên những hành trình theo chân Messi. Hầu hết các CĐV đi xe bus, ở xe thùng đều chất đầy thực phẩm mua từ Argentina.
Nhưng tiền chỉ là một phần rất nhỏ. Sự chờ đợi mòn mỏi 24 năm với những cảm giác cay đắng nhưng không nản chí mới làm người Argentina trở thành những CĐV đáng tự hào.
“Chúng tôi luôn có những đội tuyển mạnh, nhưng lần nào cũng có vấn đề. Những thất bại như thế làm chúng tôi đau đớn”, Mauricio, đến từ Cordoba, 45 tuổi, đã theo chân đội tuyển kể từ World Cup 1990 lý giải với người viết ngay trên khán đài sân Mane Garrincha tại sao người Argentina lại nổ tung với chiến thắng trước Bỉ giúp họ đặt chân vào vòng bán kết.
Thất bại đau đớn nhất của người Argentina trong chặng đường 24 năm qua có lẽ là thế hệ của Batistuta, Ortega, Veron, Lopez, Samuel, Simeone… - một tập thể hùng mạnh bậc nhất ở World Cup 2002. Họ đã bị loại ngay từ vòng đầu tiên ở bảng đấu còn có Anh, Thụy Điển và Nigeria.
Và ngay cả ở World Cup này, thành tích toàn thắng của Argentina cho tới trước trận tứ kết chỉ là vẻ bên ngoài và không khỏa lấp được những thất vọng từ việc đội tuyển ấy chơi thiếu mạch lạc và mất cân bằng, nhưng các CĐV Argentina vẫn luôn ngẩng cao đầu chống lại bất cứ sự chế giễu nào.
Họ chính là một phần đáng kể của World Cup rực lửa này.
Gợi nhớ Thế hệ 1986 Rất nhiều CĐV Argentina lớn tuổi theo chân đội bóng trên đất Brazil. Họ luôn là những người hát bài “Maradona vĩ đại hơn Pele” hăng hái nhất, và thường có sự liên hệ với thế hệ 1986 của Maradona. Như ông Marcos, khi so sánh Higuain với Jorge Valdano. Tôi có phần giật mình vì từ sau vụ mâu thuẫn giữa Jose Mourinho và Valdano, rất hiếm khi nghe tới cựu Tổng giám đốc của Real Madrid. “Higuain rất giống Valdano. Thế hệ Vàng 1986, ai cũng chỉ nhắc đến Maradona, nhưng Valdano mới là người không thể thiếu trên hàng công. Cống hiến của ông ấy thầm lặng hơn, nhưng rất quan trọng”. Hàng công Argentina năm 1986, Carlos Bilardo rất tin tưởng Valdano, như Sabella đối với Higuain hiện tại. Valdano đã ghi 4 bàn tại World Cup năm ấy, giúp Argentina đăng quang. Giờ đến lượt Higuain? Có thể lắm chứ, nhất là khi Di Maria nghỉ hết giải, Aguero không biết khi nào mới bình phục, những Lavezzi, Palacio chỉ hợp với vai trò dự bị. |
Phạm Tấn (từ Brasilia)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất