06/11/2015 08:14 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Đấy là một đứa trẻ chừng một tuổi. Nó cứ khóc ngặt nghẽo mà không ai hiểu tại sao, kể cả mẹ nó, người đang cố gắng dỗ cho nó ngủ lại để khỏi làm phiền đến những hành khách khác. Nhưng vô ích, nó cứ gào tướng lên, và những người gần bên, xem ra có vẻ hơi khó chịu. Nhưng vì lịch sự, họ vẫn im lặng.
Thế rồi một cô tiếp viên hàng không đến bên bà mẹ, lúc này đã có vẻ quá mệt mỏi sau một nửa chặng bay và xem ra đã bất lực trong việc vật lộn với đứa con từ lúc lên máy bay, “Tôi cũng là một bà mẹ. Tôi có thể giúp chị”.
Cô tiếp viên vẫn còn trẻ và xinh xắn ấy bế đứa trẻ lên, dỗ dành nó một cách dịu dàng một lúc, và rồi, như có phép thần diệu của một phù thủy, đứa trẻ thôi khóc, ngủ ngon lành trong tay cô. Người mẹ, một người Brazil, cám ơn cô tiếp viên với lòng biết ơn. Hành khách trong chuyến bay thở phào. Cô tiếp viên đã cứu thoát họ khỏi những phiền toái mà một đứa trẻ đã gây ra trong chuyến bay dài.
Những chuyện tương tự về tiếng khóc của những đứa trẻ trong các chuyến bay đường dài đã trở thành một ám ảnh của không ít người trong các chuyến đi xa.
Qua một cuộc thăm dò, trang thông tin tư vấn du lịch TripAdvisor thậm chí đã coi sự quấy khóc của những đứa trẻ trong hành trình là điều khiếp sợ nhất với các du khách, hơn cả việc không gian ngồi trên máy bay quá chật chội hay sự bất nhã của người đồng hành ở ghế bên. Những hành khách trong các chuyến xe bus hay tàu hỏa có thể cũng có những suy nghĩ tương tự, nhưng thường thì họ không phải chịu đựng quá lâu.
Nhưng đi máy bay thì khác. Bạn sẽ làm gì khi có một đứa trẻ “mở volume” khóc ra rả mà bạn không thể nào thoát khỏi cái không gian nhỏ hẹp của những hàng ghế như đang cầm tù bạn ở độ cao trên 10 nghìn mét? Một sự bất lực toàn tập, và chỉ có sự kiềm chế tối đa mới ngăn cản bạn làm một điều kinh khủng: quăng ngay mẹ đứa trẻ khỏi máy bay?
Những người châu Âu thích trẻ em, nhưng họ lại sợ chúng làm phiền. Đấy không phải là một mâu thuẫn, mà đơn giản là rạch ròi giữa những gì mà họ thích và những gì họ coi là quyền cá nhân.
Hai mươi năm trước, những đứa trẻ khóc như thế là chuyện thường, vì hồi đó họ còn chịu đẻ, nhưng bây giờ, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và sự thay đổi lối sống ở nhiều nước, họ không “làm” trẻ em nữa và nhiều người lớn đã trở thành những trẻ con thật sự, không muốn thông cảm cho những bà mẹ không biết làm thế nào để con họ không quấy trong những chuyến bay. Ngồi cạnh hoặc gần một người mẹ hoặc bố nào đó có trẻ nhỏ trong những chuyến bay dài luôn tiềm ẩn những “nguy cơ”.
Nhiều người sẵn sàng đòi đổi ghế một khi thấy mình ngồi cạnh một bà mẹ có con trẻ. Trên thực tế, không hẳn họ trách đứa trẻ khi nó khóc, mà trách mẹ nó không đủ khả năng làm mẹ và làm chủ các tình huống. Họ có thể trách người mẹ đã đưa đứa trẻ lên máy bay (!), hoặc trách mẹ nó không chuẩn bị cho đứa trẻ khi nó không quen với môi trường máy bay, lúc cất cánh và hạ cánh, vốn có thể làm nó mệt.
Thế nên, sự giúp đỡ của một người nào đó, một cô tiếp viên như tôi đã thấy, là điều quý giá. Sự gắt gỏng đến mức thô lỗ của một hành khách nam trong một chuyến bay của VietJet Air với một bà mẹ trẻ không biết làm thế nào để dỗ con thực ra chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ và làm các hành khách khác khó chịu hơn.
Không ngạc nhiên khi câu chuyện mà bà mẹ trẻ người Mỹ Rebekka Garvison được chia sẻ nhiều đến thế, hơn 100 nghìn lần trên Facebook. Đứa trẻ con cô đã khóc ngay khi máy bay chuẩn bị cất cánh và không ngừng khóc ngay cả khi cô cố gắng hết sức để dỗ dành.
Một người phụ nữ ngồi cạnh, mẹ của ba đứa con, đã đề nghị bế đứa bé giúp cô để nó thôi khóc. Đứa trẻ ngừng khóc trên tay của người phụ nữ gốc Phi. Rebekka và người phụ nữ ấy đã trở thành những người bạn sau hành động rất tốt bụng của người đồng hành.
Câu chuyện ấy đã khiến nhiều người xúc động. Nhật báo New York Times thậm chí đã đăng bài viết của một chuyên gia về trẻ sơ sinh gồm 30 lời khuyên, về việc chúng ta có thể bế một đứa trẻ của người khác như thế nào cho nó hết khóc.
Điều rất dễ làm, là kêu ca khi một đứa trẻ khóc và nhìn một cách giận dữ về phía mẹ nó, hoặc thậm chí lên tiếng kêu gọi các hãng hàng không cấm luôn trẻ em lên máy bay. Khó làm hơn, là giúp cô ta trấn tĩnh và dỗ đứa bé, hoặc chính chúng ta làm điều ấy, nếu có thể và nếu lời đề nghị giúp đỡ không làm cho bà mẹ cảm thấy tự ái hoặc thậm chí bị xúc phạm về khả năng làm mẹ của cô.
Xét cho cùng, một hành động nhỏ cũng có thể làm thay đổi nhiều điều, trong cuộc sống hỗn độn, bề bộn và ngày càng trở nên vị kỷ này.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất