Thư châu Âu: Những bức tranh dưới ga tàu điện ngầm

16/09/2015 05:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Đối với tôi, đó là những tác phẩm thực sự, và ga tàu điện ngầm của Stockholm, Thụy Điển, trở thành một gallery đặc biệt để lưu giữ những ấn tượng của trẻ em về thế giới trong hình hài của bức tranh.     

Bọn trẻ vẽ gì vậy? Một ngôi nhà nhỏ có cửa sổ rất to, những bông hoa mọc trong vườn, Mặt trời chói sáng và nhảy múa trên đầu, một em bé đang nô đùa trên bãi cỏ, và cha mẹ của chú bé đang đứng chờ ở phía xa.

Ở một góc khác lại là những ngôi nhà nữa, những đứa trẻ, hoa, mây, biển và Mặt trời. Ai đó đã vẽ những bức tranh ấy ở một nhà ga của hệ thống tàu điện ngầm nội đô Stockholm, vốn được mệnh danh là “gallery” dài nhất thế giới? Bọn trẻ trực tiếp vẽ lên tường của nhà ga, hay các họa sĩ đã mô phỏng những bức tranh của lũ trẻ để tạo ra một cách trang trí độc đáo đến thế?

Tôi không tìm câu trả lời cụ thể, bởi tôi biết, ở châu Âu này, những góc nguệch ngoạc con trẻ như thế ở nơi công cộng, trên đường phố, trong công viên hay siêu thị nhiều lắm.


Người châu Âu rất khuyến khích trẻ em vẽ, coi đó như là một phương pháp để kích thích phát triển nhận thức và tâm lý của trẻ

Nghệ thuật của con trẻ để thể hiện thế giới luôn được tôn vinh theo một cách giản dị nhất: những bức tranh tường như ở Stockholm, những bức tranh tập thể do một đám trẻ vẽ ra ngay trên đường phố ở Rome, những phòng tranh của trẻ em ở London... Tranh trở thành một cầu nối, một thông điệp để bọn trẻ cảm nhận thế giới và thể hiện bản thân chúng trong đó và người ta tạo mọi điều kiện để bọn trẻ vẽ, ở bất cứ nơi nào và khi nào có thể.

Vẽ không phải là để so sánh ai đẹp, ai xấu (cái tư tưởng so bì ấy hình như chỉ phụ huynh mới hay có), không phải để trở thành danh họa tương lai, mà vẽ như một hình thức bộc lộ nội tâm, thể hiện một góc nhìn của bọn trẻ về thế giới mà ngôn từ không thể nào diễn tả được.

Tôi mơ hồ nhận ra điều ấy khi con tôi học mẫu giáo ở Rome cách đây nhiều năm. Cô giáo mẫu giáo có một thứ “vũ khí” hữu hiệu: những tờ giấy và bút vẽ. Lũ trẻ mẫu giáo vẽ rất nhiều.

Tranh của chúng được treo đầy hành lang và thường là theo chủ đề, hôm thì chúng mô tả bản thân chúng bằng những nét vẽ nguệch ngoạc, hôm lại tả nơi chúng sống, lúc thì vẽ gia đình. Có những buổi học rất đặc biệt, có sự pha trộn giữa kiến thức về âm nhạc và lịch sử. Cô giáo giảng cho bọn trẻ cấp 1 về âm nhạc của Vivaldi, thời đại của ông, đồng thời nhắc đến những vụ thu hoạch nho làm rượu và cho bọn trẻ tưởng tượng để vẽ.

Nhưng rồi, cô cũng là những nhà tâm lý học. Qua những bức tranh ấy, cô giáo quan sát lũ trẻ lớn lên và bằng sự nhạy cảm, cô giáo có thể nhận ra những điều gì đó đang tác động đến chúng.

Tôi nhớ, có lần một phụ huynh kể, cô giáo đã gặp bà và nói rằng, thằng bé con bà đang trầm cảm nhẹ. Nó không chỉ cư xử khác đi trong thời gian này, mà những bức vẽ của nó không còn tươi sáng như trước và những nhân vật trong các bức tranh trở nên nhỏ bé và ít ỏi đi. Cô dặn là đừng để những chuyện gia đình tác động đến đứa trẻ.

Con tôi bây giờ cũng vẫn giấy và bút trong túi. Nó vẽ như một thói quen, một cách sống. Tranh của con bé vẽ từ năm ba tuổi đến giờ nhiều không kể xiết, để chật trong nhiều thùng carton.

Nhiều đứa trẻ bên này cũng thế. Chúng vẽ bất cứ khi nào có thể, và những ông bố, bà mẹ châu Âu đưa bút và giấy cho lũ trẻ, khuyến khích chúng vẽ, chứ không đưa cho chúng iPhone hay tablet để chúng ngồi yên, ngồi ngoan và buông tha, không quấy rầy họ. Không chỉ vì họ hiểu những tác động tiêu cực của các phương tiện ấy tới mắt và não của bọn trẻ, mà vì qua các bức vẽ, họ âm thầm theo dõi sự lớn lên trong tâm hồn chúng mỗi ngày. Đồng hành với những đứa trẻ lớn lên hàng ngày về cơ thể và tâm hồn là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn.

Một ông bố người Italy bạn tôi lại có cách khác, ngoài việc cho con vẽ: anh cho con tự chụp ảnh từ khi thằng bé mới 4 tuổi, không phải là vì muốn nó sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia, mà anh muốn cu cậu nhìn thế giới và sự vật thông qua những tấm hình. “Nó cảm nhận cuộc sống ra sao, nó không thể diễn giải được một cách rõ ràng”, anh nói. “Nhưng nhìn những tấm ảnh nó chụp, dù xộc xệch hay mất đầu, mất chân như thế nào đi nữa, tôi cũng có thể hiểu được một phần những gì con mình không thể nói ra”.

Tôi cũng giống anh ở điểm ấy, cho con gái cầm máy ảnh từ khi nó còn bé tí. Những tấm ảnh ban đầu chỉ toàn thấy chụp chân và sàn nhà, vì cái máy ảnh quá nặng đối với đôi tay yếu ớt của nó, khiến nó không thể chĩa máy ảnh lên cao như người lớn.

Nhưng khi nó lớn dần lên, những bức ảnh cũng cao lên, dần dần thấy cái ghế, cái bàn, cửa sổ, những bông hoa, khu vườn, con đường, và rồi khi nhìn thấy trong ảnh của nó bầu trời, tôi hiểu là nó đã lớn. Bây giờ, nó đã có một máy ảnh riêng, thích chụp gì cũng được. Tôi không mong đợi nghệ thuật sẽ sinh ra từ đó, tôi chỉ muốn thấy trong những bức ảnh ấy, sự lớn lên về tâm hồn và suy nghĩ của con mình. Để hiểu và yêu nó hơn.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link