01/09/2015 11:30 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Tôi hơi bị sốc khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy bức tượng “Nàng tiên cá” trên bờ đá của khu cảng cũ Langelinje, Copenhagen, Đan Mạch. Bức tượng có 102 năm tuổi đời ấy được lấy cảm hứng từ một truyện mà nhà văn huyền thoại Hans Christian Andersen, một người con nổi tiếng của Đan Mạch viết.
Nàng tiên cá ấy yêu một chàng hoàng tử và đã quyết định từ bỏ tất cả, bỏ cả cuộc sống, cả tương lai của mình để theo đuổi chàng. Ngày nào cũng thế, nàng lên một tảng đá, nhìn về cung vua, với hy vọng sẽ bắt gặp ánh nhìn của chàng.
Câu chuyện ấy buồn quá, chẳng có hậu như trong phim nàng tiên cá Ariel của Hãng Disney. Tuy vậy điều mà tôi sốc khi chứng kiến bức tượng ấy không phải là những nội dung mà nó truyền tải, hay việc trong quá khứ, đã hai lần nó bị chặt đầu (!), mà vì bức tượng nhỏ quá.
Nhưng đi khắp Copenhagen cũng không hề thấy những bức tượng quá lớn, kể cả tượng Andersen, ông vua của những câu chuyện cổ tích, đang ngồi trên một chiếc ghế, tay cầm một cuốn sách, mắt mơ màng và trìu mến nhìn về công viên nổi tiếng Tivoli, cũng không hề lớn. Đan Mạch nhỏ, nên hình như tượng đài cũng nhỏ, những thứ khác cũng nhỏ.
Cái sự nhỏ mà đẹp, nhưng giá trị lớn ấy đối với không chỉ họ mà cả nhân loại, lại không hề nhỏ một chút nào. Và điều này thì không phải bất cứ ai cũng có thể hiểu nổi.
Bo, người quản lý ở hostel tôi đã ngủ mấy đêm tại Copenhagen, cười nấc lên khi tôi hỏi tại sao tượng nàng tiên cá lại nhỏ đến thế, tại sao người ta không làm một cái thật lớn trên cảng biển Langelinje ở phía ngoài trung tâm thành phố, để ai đi qua cũng có thể nhìn thấy ngay.
“Cậu không hiểu một điều thật giản đơn ư?”, Bo trả lời bằng một câu hỏi. “Ở Đan Mạch, chúng tôi quan niệm giá trị tự thân của mỗi người hay thậm chí của một tượng đài cũng thế, không nằm ở hình thức hay kích thước của nó. Cái tôi của mỗi người cũng như kích thước của bức tượng không làm nên giá trị của nó, mà là điều gì nó thể hiện”.
Bo có lý. Những ai yêu truyện cổ tích đều biết đến Andersen và những ai biết đến Andersen đều biết đến truyện về nàng tiên cá của ông.
Sự vĩ đại của tác phẩm cũng như hình tượng nhân vật trong tình yêu đơn phương và tuyệt vọng ấy là một điều mang tính thời đại, bất kể đã được viết cách đây gần hai thế kỷ và sự kết hợp của nghệ thuật thể hiện không nằm ở kích cỡ của bức tượng mà bất cứ con tàu du lịch nào đi qua cũng dừng lại một lát để du khách chụp ảnh.
Mỗi năm, hàng triệu người đến thăm Copenhagen đều không quên đến nơi này để chụp ảnh nàng tiên cá, hoặc ôn lại câu chuyện buồn trong tình yêu của đời nàng để hiểu ra thêm những ý nghĩa của cuộc đời.
Bo bảo rằng, người Đan Mạch thích giản dị, tiết kiệm, kể cả khi bây giờ rất giàu và sống gần gũi với thiên nhiên, môi trường. Copenhagen là một bãi đỗ xe đạp và những con phố đi xe đạp khổng lồ.
Thành phố sạch, xanh với những công viên rộng lớn, những hệ thống phương tiện công cộng tiện lợi và lịch sự, những người dân đi lại vẫn tự động mua vé dù không hề có người soát vé hay các cửa tự động ở tàu hỏa, tàu điện ngầm.
Tin tưởng trở thành một điều quan trọng trong cuộc sống ở nơi này: tin Chính phủ, tin nơi làm việc, tin mọi người xung quanh, tỷ lệ tội phạm rất thấp và những đứa trẻ đi học từ mẫu giáo đến đại học đều miễn phí, tương tự như thế là dịch vụ y tế.
Càng giàu thì Đan Mạch càng văn minh, càng hướng đến môi trường và thêm giản dị trong cách sống. Không ngạc nhiên khi một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc công bố năm 2013 đã phong Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Cái sự giản dị ấy hóa ra nằm trong chính những bức tượng kích cỡ khiêm nhường đã đem lại hạnh phúc cho biết bao người, không chỉ người Đan Mạch, như tượng nàng tiên cá kia.
Sự hạnh phúc của người dân của một quốc gia thực ra không phải ở sự hoành tráng hay vĩ đại của những tượng đài mang một ý nghĩa nào đó về lịch sử hay giá trị văn hóa. Nó được thể hiện ở những giá trị thực tế của việc những công trình ấy đem lại điều gì cho quảng đại quần chúng về tinh thần, về giá trị sử dụng cũng như vai trò của nó trong một quy hoạch mang tính tầm nhìn lâu dài.
Và nữa, nhìn sâu xa hơn, giá trị của sự hạnh phúc nằm trong cuộc sống của những người dân, ở thái độ ứng xử của họ với nhau và với xã hội, ở những gì mà họ được hưởng từ một xã hội văn minh, chứ không ở những khẩu hiệu và những tượng đài hoành tráng gây xôn xao phản ứng theo hướng tiêu cực từ dư luận.
Tiếc thay, ở những nước nghèo và chẳng chịu phát triển như mình, chẳng phải ai cũng hiểu điều này.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong những lá thư sau, từ châu Âu.
Trương Anh Ngọc (từ Copenhagen, Đan Mạch)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất