25/04/2015 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem
Sự việc đang thu hút sự chú ý của cả giới làm nghề và công chúng. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ghi nhận một số ý kiến của người trong cuộc.
Ông Nguyễn Văn Phước (GĐ First News): Họ giận là đúng...
“Chính tác giả T.Harv Eker là người đã rất tức giận mang hai cuốn sách in lậu Bí mật tư duy triệu phú từ đại diện của ông ở Việt Nam gửi thẳng NXB HaperCollins và triệu tập cuộc họp với Chủ tịch NXB này. Ông T. Harv Eker không thể chấp nhận được “đứa con tinh thần” của mình bị làm giả không thương tiếc ở Việt Nam, lại còn in giá bán cao hơn sách thật.
Điều này gây sốc vì ông vô cùng căm ghét sự gian dối. Lúc đầu ông nghĩ là First News in lậu nhưng chính giá sách cao hơn sách First News và in lem nhem đã minh oan cho First News. Việt Nam là nước đầu tiên trong mấy chục quốc gia trên thế giới mua bản quyền chuyển ngữ sách của ông có tình trạng sách in lậu như vậy. Và tất nhiên, sự tức giận bất bình của ông đã chuyển qua NXB HaperCollins.
Mọi người tự hỏi vì sao sự giận dữ của tác giả một cuốn sách lại có thể tác động đến chính sách của một NXB ở Mỹ đối với một quốc gia xa xôi như Việt Nam? Và có thể sự việc còn có thể đi xa hơn nữa! Vâng, nếu bà Hillary Clinton – Cựu Ngoại trưởng Mỹ - mà tận mắt chứng kiến cuốn Hồi KýHillary Clinton của bà bị in lậu đang bày bán công khai ở Hà Nội, và nếu Tổng thống Putin thấy được cuốn sách Putin – Nhân vật Số một bị làm giả ở Việt Nam...vậy thì họ sẽ nghĩ gì về Việt Nam? Theo tôi, họ giận là đúng”.
Ông Nguyễn Minh Nhựt (Giám đốc NXB Trẻ): Ai la to được thì cứ la to!
“Hiện NXB HaperCollins vẫn đang thương thảo các hợp đồng xuất bản với NXB Trẻ chứ chưa có thông tin gì về việc tạm dừng dù lâu nay, NXB Trẻ là đơn vị bị in lậu nhiều nhất. Bản chất chi phối của chuyện sách lậu, in lậu này là vì: tiền. Sách lậu hình thành, phát triển và tồn tại một cách bình thường như hôm nay, trở thành một “đặc tính” của Việt Nam trong mắt giới xuất bản trên thế giới cũng bởi do: tiền. Vì tiền mà sách lậu sinh ra. Nhờ tiền mà sách lậu tồn tại.
Có người nói: tại giá sách của các đơn vị làm ăn đàng hoàng cao nên mới có sách lậu và nhờ thế, sách lậu mới sống được. Nói như thế thì vô cùng, ai cũng hiểu rằng những người làm sách lậu chỉ tốn chi phí không đầy 1/3 so với chính chủ vì chỉ tốn chi phí giấy, công in và “tồn tại phí’.
Tôi dùng khái niệm “tồn tại phí” để cho nó có vẻ là tồn tại. Cái gì hợp lý thì tồn tại và ngược lại. Chẳng nhẽ gọi là “hợp lý phí” thì nó hơi kỳ. Ngành in là ngành kinh doanh có điều kiện. Hồ sơ, thủ tục để in xuất bản phẩm nhiều khi còn dày hơn ấn phẩm đem in nhưng sách lậu thì vẫn cứ đều đặn ra đời. Vì sao? Vì nó “hợp lý”. Và hiện nay, chuyện sách lậu đã là một sự thật và thật sự gần như công khai mà không ai biết, dù rằng ai cũng biết.
Nhưng, phải đặt chuyện sách lậu trong điều kiện mà phần mềm trên máy tính của công tố viên, của quan tòa… và của không ít chúng ta được cài từ đĩa CD có giá 10 ngàn đồng bán ở một lề đường nào đó. Phải đặt chuyện sách lậu trong bối cảnh chỉ vì một suất tắm miễn phí mà một số người cho dù đang sống tại một trong những thủ đô to trên thế giới với bề dày cả ngàn năm văn hiến đã bất chấp hiểm nguy và danh dự để leo rào xông tới…
Hiểu như vậy để những nạn nhân làm xuất bản như chúng tôi, tùy vào hoàn cảnh của mình mà lựa chọn những giải pháp khác nhau. Cá nhân tôi, ủng hộ hết các giải pháp của các đồng nghiệp. Ai kiện được thì đi kiện. Ai rình bắt được thì đi rình. Ai la to được thì cứ la. Ai khóc lớn được thì cứ khóc… Trước hết là phải chuẩn bị tâm thế sống chung. Chuyện chống sách lậu, chỉ có thể chống ít hay chống nhiều chứ làm sao… chống hết”.
“Ai kiện được thì đi kiện. Ai rình bắt được thì đi rình. Ai la to được thì cứ la. Ai khóc lớn được thì cứ khóc… Trước hết là phải chuẩn bị tâm thế sống chung. Chuyện chống sách lậu, chỉ có thể chống ít hay chống nhiều chứ làm sao… chống hết” (phát biểu của ông Nguyễn Minh Nhựt). |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất