05/06/2020 07:52 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Mấy ngày vừa qua, câu chuyện về anh thợ hồ có tên là Phạm Hoàng Khải tự nguyện vá đường, sửa cầu ở Bạc Liêu khiến tôi nhớ về một nghĩa vụ rất giản dị và thiêng liêng cho mỗi chúng ta: lao động công ích.
Ý định đi vá đường từ thiện của anh Khải bắt nguồn từ những lần đi làm về, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng mà nguyên nhân xuất phát từ những "ổ gà," "ổ voi". Từ đó, hễ các tuyến đường liên ấp, liên xã trong huyện, ở đâu xuất hiện hư hỏng là có mặt anh Khải bất kể nắng mưa, sớm tối.
Những ngày vá đường đầu tiên, anh xin vật liệu xây dựng còn thừa ở những nơi đi làm thuê, cộng với ít tiền cá nhân mua thêm xi măng, cát, đá... Với hành trang chủ yếu là các dụng cụ của thợ hồ như: giày bảo hộ lao động, găng tay, dao, khay cơm với những món ăn chay thanh đạm đã được anh dậy từ rất sớm chuẩn bị. Có hôm, anh Khải đi vá đường từ sáng sớm đến tốt mịt mới về. Nhiều người đồng cảm đã giúp anh trộn hồ hoặc lấy nước cho anh uống, có người góp tiền, vật liệu xây dựng…
Từ năm 2012 đến nay, anh Khải đã vá hàng chục cây cầu, hàng chục ngàn mét đường...
Sophia thân mến!
Trong quá khứ, tại Việt Nam chúng tôi có rất nhiều những phong trào lao động công ích tập thể. Tôi nhớ những năm còn nhỏ tuổi, khi mà chuẩn bị đến mùa mưa bão, ở khu tập thể nơi tôi ở thường có phong trào đắp đê chống lụt. Các gia đình có thành viên từ 18 tuổi trở nên đều phải thay phiên nhau tham gia đào đất, gánh đất, chở đá… để bảo vệ những vị trí có nguy cơ sạt lở tại đê sông Đuống. Bọn trẻ chúng tôi cũng tham gia hỗ trợ nước uống, căng lều bạt nghỉ tạm cho mọi người…
Ngoài việc đắp đê, vào các buổi sáng Chủ nhật hàng tuần, mọi người thường là hay tổ chức dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu tập thể, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh... nhằm tiêu diệt muỗi và bọ gậy phòng sốt rét. Những người bạn tôi nhà làm nông nghiệp thì tham gia đào mương dẫn nước vào đồng, be bờ ao cá…
Chuyện vá đường từ thiện của anh Khải không phải bây giờ mới có. Tôi nhớ là một vài năm trước cũng đã có những người làm những công việc như thế này. Ở TP Cần Thơ có ông Nguyễn Hồng Dân, cho dù trời mưa hay nắng, với chiếc xe đạp cà tàng và đôi chân khập khiễng, ông vẫn rong ruổi khắp các tuyến đường để bán vé số. Số tiền kiếm được từ việc bán vé số ông dùng để mua vật tư (xi măng, cát, đá) chất lên chiếc xe ba gác đi dặm vá các tuyến đường mà ông bắt gặp trong lúc đi bán vé số.
Tại Long Xuyên - An Giang, có ông Tư tên thật là Cao Văn Long (76 tuổi) nhưng người dân vẫn quen gọi với cái tên thân thương là bác Tư Long hay ông già vá đường. Cho dù đã bước sang tuổi thất thập, là cái tuổi người ta tìm đến niềm vui quây quần bên con cháu, tận hưởng thú tao nhã với cây cỏ, chim muông thì ông Tư lại chọn công việc có phần nhọc nhằn - vá đường.
Ở tỉnh Đồng Nai, hơn 20 năm nay, ông Võ Văn Có 63 tuổi vẫn ngày ngày chạy xe đạp chở theo xi măng, cát, đá để vá dặm những ổ voi, ổ gà dọc các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Định Quán và xã Gia Canh. Người dân ở đây gọi ông bằng cái tên trìu mến là “ông Có đắp đường”. Nhiều người biết câu chuyện của ông, cho ông 20.000-50.000 đồng hoặc mang xi măng đến cho ông đi vá, khiến ông Có càng có động lực đi vá đường khắp nơi.
Không chỉ có vá đường. Những năm gần đây, tại nhiều khu vực nông thôn, những vùng ngoại thành Hà Nội như Đông Anh hoặc là Đan Phượng, Hoài Đức các phong trào xây dựng nông thôn mới, “miền quê đáng sống” cũng được người dân quan tâm ủng hộ. Qua những lần tiến hành, rất nhiều các ao hồ được cải tạo thành địa điểm bơi lội khi Hè về, đường sá tại các làm xóm có thêm nhiều hoa trên lối đi, tranh cổ động được vẽ tại những nơi công cộng, phải công nhận là rất bắt mắt, thanh lịch.
Và cũng không phải chỉ có người Việt Nam, một số công ty nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các hoạt động lao động công ích này. Mấy năm trước, khi tôi hợp tác làm việc với một công ty Nhật Bản, hàng tháng các thành viên lãnh đạo đều có một buổi lao động công ích. Công việc chính là tiến hành dọn vệ sinh tại những nơi công cộng trên địa bàn công ty hoạt động.
Ngay tại Hà Nội, nhiều người vẫn nhớ đến James Joseph Kendall, một người Mỹ đến từ Springfield (bang Ohio, Mỹ) còn được mệnh danh là “ông Tây nhặt rác”, “ông Tây lội mương thối”. Trong mấy năm qua, James đã cùng với các tình nguyện viên của mình nhặt được khoảng 2 nghìn tấn rác tại hàng trăm địa điểm khác nhau ở Hà Nội.
Sophia thân mến!
Lao động công ích là để thực hiện những công việc vì lợi ích chung của cộng đồng, không đòi hỏi sự trả công. Đây là nghĩa vụ của mỗi công dân phải thực hiện hằng năm với một số ngày nhất định. Bên cạnh đó, còn có các phong trào tình nguyện, các quy ước của cộng đồng (làng bản, thôn xóm, tổ dân phố...) nhằm huy động sự đóng góp sức lao động của mọi người vào các công việc chung.
Nếu như phong trào này được duy trì thường xuyên liên tục và hiệu quả, tôi nghĩ, bức tranh nơi công cộng sẽ chỉn chu hơn rất nhiều, khiến cho những người tốt như anh Phạm Hoàng Khải sẽ không phải quá trăn trở để rồi phải một mình vất vả sớm hôm với công việc vá đường này nữa. Đấy chính là giá trị của lao động công ích đem lại cho cộng đồng. Rất cần mọi người chung sức tham gia trên các lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ có “vá đường từ thiện”.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất