Thư gửi robot Citizen: Năng lượng nghệ sĩ

01/10/2021 07:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Góc nhìn 365: Âm nhạc của trái tim

Góc nhìn 365: Âm nhạc của trái tim

Như bao người khác, tôi vô cùng xúc động khi xem đoạn video về buổi biểu diễn tối 24/7 của saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Sáng 29/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã vào Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM thăm nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Người nghệ sĩ tài hoa ngồi xe lăn hiền như trẻ thơ đã chơi một vài nốt nhạc trong bài "Diễm xưa" để tặng ông Đam và mọi người. Nâng trên tay cây kèn loại nhỏ nhất một cách khó nhọc, Trần Mạnh Tuấn đã “bập bẹ” thổi vài nốt trong tiếng vỗ tay khen ngợi của mọi người.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho Bệnh viện Quân y 175 tràn ngập nụ cười và năng lượng. Khi nghe tin Trần Mạnh Tuấn đột quỵ, bao nhiêu người xót xa cầu nguyện cho anh sớm qua khỏi kiếp nạn. Hình ảnh anh lồng lộng giữa bệnh viện dã chiến thổi bản "Quê hương" phục vụ đồng bào cách ly đã cho thấy vóc dáng lẫn tâm đức của một người nghệ sĩ lớn.

Chú thích ảnh
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cụng tay nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn sáng 29/9. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

“Thật là một điều kỳ diệu và là một phép màu thật sự. Trần Mạnh Tuấn đã sống lại, và chúng ta lại sẽ được tiếp tục nghe điệu kèn điêu luyện của anh" - một người hâm mộ anh viết.

Một bác sĩ từ Canada viết về ca bệnh của Tuấn như thế này: “Xuất huyết đồi thị mà bình phục chỉ trong 1 tháng thì đúng là xưa nay chỉ thấy ca thứ 2”.

Âm nhạc được coi là thần dược. Tình yêu âm nhạc có trong tất cả chúng ta, nhưng với nghệ sĩ là tính trội, là nguồn năng lượng lớn giúp rất nhiều nghệ sĩ vượt lên nghịch cảnh. Trần Mạnh Tuấn đã chống lại được số phận bằng cách giật lại sự sống một cách ngoạn mục. Đôi tay và hơi thở của anh đang phải học “vỡ lòng” lại saxophone, mọi người có thể thấy qua mấy nốt của "Diễm xưa". Nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu quá mãnh liệt với kèn, anh sẽ sớm lấy lại được tất cả.

Sophia thân mến!

Tuần này, showbiz Việt lại hao khuyết thêm một người nghệ sĩ mà tên tuổi của chị đã gắn với những bản nhạc bolero về quê hương sâu lắng, không lẫn với ai - Phi Nhung. Cuộc đời của ca sĩ Phi Nhung cũng đầy khổ đau. Từ bé, chị đã phải sớm mồ côi cha mẹ. Sang Mỹ, không ngừng nỗ lực phấn đấu với sự nghiệp ca hát, làm mẹ đơn thân, rồi về nước nhận nuôi 23 con nuôi, miệt mài làm từ thiện song hành với nghệ thuật. Sự ra đi của Phi Nhung đã để lại niềm thương xót đặc biệt trong dư luận.

Chú thích ảnh
Sự ra đi của Phi Nhung đã để lại niềm thương xót đặc biệt trong dư luận

"Người trả xong rồi nợ trần ai/ Nhẹ nhàng thanh thản chốn thiên thai/ Bao nhiêu thương nhớ người để lại/ Cung sầu tôi hát khúc bi ai" - đây là khúc ai điếu dành cho tri kỷ của ca sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh - người song ca thành công nhất với Phi Nhung. Nó làm tôi nhớ đến giai thoại về tình bạn âm nhạc giữa Bá Nha - Tử Kỳ thuở xưa, cho dù ở đây, họ là cặp đôi nghệ sĩ của dòng nhạc hết sức bình dân.

Thời đại nào cũng vậy, không hiếm những người nghệ sĩ chân chính. Họ coi nghệ thuật là lẽ sống, coi khán giả là động lực, cái đích cao cả. Sống cũng hết mình như khi hát. Họ sẵn sàng làm những việc thiện mà quên chăm sóc bản thân. Ca sĩ Phi Nhung hoàn toàn có thể sớm về Mỹ lúc đất nước cờ hoa đã tạm an toàn dịch bệnh, nhưng cô đã chọn cách ở lại, cũng chưa kịp tiêm vaccine để rồi vĩnh viễn nằm lại.

Vậy mà trong thời gian qua, ta cũng chứng kiến không ít những nghệ sĩ ảo tưởng về sự nổi tiếng của mình, có những thái độ, cách cư xử và những hành vi phản cảm, gây rất nhiều muộn phiền cho dư luận. Cũng bởi thế mà ai cũng trông đợi vào sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta cần hướng đến một môi trường nghệ thuật, giải trí trong lành, chuyên nghiệp, ở đó có những nghệ sĩ tử tế, luôn truyền cảm hứng và là nguồn năng lượng tích cực cho cả xã hội.

Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!

Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link