Thư gửi robot Citizen: 'Nỗi buồn hoa phượng'

29/05/2020 07:15 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Vì ai cũng từng là trẻ em…

Vì ai cũng từng là trẻ em…

Chúng ta vừa chứng kiến một sự tình cờ thú vị: Ngày giải thưởng Dế Mèn được phát động cũng nằm sát với thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” là câu hát mở đầu của ca khúc Nỗi buồn hoa phượng - một bài hát được rất nhiều thế hệ học trò tại Việt Nam biết đến và vẫn thường được vang lên mỗi độ Hè về.

Năm nay, khi Hè về, cái nỗi buồn ấy không còn là “man mác” nữa mà đã biến thành nỗi mất mát lớn khi sáng hôm 26/5 vừa qua, tại sân trường Trung học cơ sở Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), một cây phượng vĩ to trong sân trường đột nhiên bật đổ gốc, đè chết 1 học sinh và khiến nhiều em khác bị thương.

Sophia có biết không? Tại Việt Nam chúng tôi, khi nhắc đến phượng vĩ nhiều người sẽ nhớ đến Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ. Nhớ đến “màu hoa phượng thắm như máu con tim”. Nhớ về “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”, nhớ về “mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp”. Mùa Hè - Mùa phượng - Mùa thi - Mùa chia ly mà.

Cũng bởi thế mà cây phượng vĩ rất hay được trồng ở trong khuôn viên các trường học. Từ trước đến nay, tôi chưa thấy ai “nói xấu” về cây phượng bao giờ. Cho đến hôm xảy ra vụ cây phượng bị bật gốc vừa rồi…

Chú thích ảnh
Hiện trường cây đổ trong sân trường. Ảnh: TTXVN

Sophia thân mến!

Chuyện cây đổ làm người đi đường tử vong tại Việt Nam đã xảy ra khá nhiều. Tôi còn nhớ tháng 8/2019, một trận mưa dông xảy ra trong thời gian ngắn nhưng gây gió mạnh làm nhiều cây đổ trên phố Hà Nội. Cây đổ làm 1 người chết, 1 người bị thương trên địa bàn quận Tây Hồ.

Vào tháng 10/2019, một phụ nữ 51 tuổi đang làm đồng tại Thanh Chương, Nghệ An thì gặp mưa to kèm theo gió lớn liền đánh xe trâu về nhà. Khi xe trâu đang đi qua cây vông đồng rất lớn trồng ven đường ở bãi sông Lam, gió lớn đã khiến thân cây bị bật gốc, gãy và đổ sập đè lên chiếc xe trâu. Người đàn bà này đã bị cây đè tử vong tại chỗ, con trâu bị gãy 2 chân. Trước đó, tháng 8/2016, khi mùa mưa tới. Trong 5 ngày, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra 3 vụ cây xanh gãy, đổ khiến 2 người chết, 1 người bị thương…

Đối với một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa như Việt Nam thì có được những hàng cây bóng mát là mục tiêu tại nhiều thành phố lớn. Tuy nhiên, cây cũng như con người, khi chúng ta trồng cây thì phải chú ý chăm sóc, bảo vệ, nhất là trong mùa mưa bão.

Trở lại với cây phượng vĩ. Theo những gì tôi tìm hiểu thì phượng vĩ là loại cây có thể phát triển tốt trên mọi địa hình như ven biển, đồi núi, trung du… rất dễ trồng nhưng tuổi thọ không cao. Trồng ở đường phố chỉ khoảng 30 năm tuổi là già cỗi, có dấu hiệu sâu bệnh, nấm tấn công, thân bắt đầu mục rỗng. Vì vậy, các trường học, các đơn vị trồng loại cây này nên thuê đơn vị có chức năng thường xuyên khảo sát đánh giá, xem tuổi thọ của cây, xem xét hạ tầng khu vực đảm bảo cây sinh trưởng, đồng thời có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc đốn hạ nếu như cây gây nguy hiểm.

Thiết nghĩ các trường học trên toàn quốc cần có kế hoạch nghiên cứu loại cây trồng phù hợp trong khuôn viên nhà trường, tùy theo khí hậu vùng miền để có thể phủ bóng mát trong sân chơi nhưng an toàn cho các em học sinh. Sau khi trồng, cần có kế hoạch kiểm tra, chăm sóc cây chu đáo, với tinh thần trách nhiệm mỗi khi mùa mưa bão về hay sau những đợt nghỉ dài ngày của học sinh. Nếu cần thiết nên tham khảo ý kiến các chuyên gia về cây xanh cách phòng chống sâu bệnh, giữ cho cây được khỏe mạnh.

Làm được như thế, chắc là sẽ không còn “nỗi buồn hoa phượng” mỗi dịp Hè về. Hoa phượng sẽ không trở thành nỗi ám ảnh đối với các thế hệ học trò.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link