07/09/2016 05:14 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày liên tục, báo chí Anh nhắc lại câu chuyện Barcelona ngày xưa, khi Mourinho còn là trợ lý HLV, và Guardiola vẫn còn là cầu thủ. Tấm ảnh hai người ngồi cạnh nhau được đăng tải rất nhiều nơi, với cùng một cách chú giải: Xưa họ là bạn, nay họ chuyển thành thù.
Mourinho và Pep là hai trong số cực hiếm các HLV đương đại có triết lý bóng đá đối nghịch nhau đến hoàn hảo. Pep bị ám ảnh, đến cùng cực, với kiểm soát bóng và kỷ luật di chuyển trong phần sân khoảng 75m kể từ vạch vôi sân nhà hướng lên. Mourinho thì ám ảnh, cũng đến cùng cực, bởi việc giảm tuyệt đối sai lầm và quan điểm của ông là càng cầm bóng nhiều, càng dễ bộc lộ sai lầm để đối thủ khai thác.
Mourinho và Pep chưa có nhiều thời gian cho hai đội bóng thành Manchester, và chắc chắn, các cầu thủ chưa thể thấu hiểu đến tận cùng triết lý của hai HLV đại tài ấy. Ví dụ như ở Man City chẳng hạn. Cuối tháng 8, khi Premier League chuẩn bị khởi tranh, báo chí Anh từng “hồ hởi” viết rằng “Pep sẽ cho Premier League thấy những thay đổi lớn trong triết lý bóng đá”. Nhưng thực tế, các cầu thủ chưa thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Các đội bóng Pep kinh qua, như Barca hay Bayern, cầu thủ không bao giờ được phép có quá 2 giây để xử lý và đưa quả bóng rời khỏi chân mình sau khi nhận bóng. Ở Man City hôm nay chưa ai làm được điều đó như một thói quen ăn thành phản xạ, kể cả những kỹ thuật gia đến từ Argentina hay TBN. Một phần vì trình độ cầu thủ của Man City chưa đạt tới tầm của Barca hay Bayern. Phần khác, để thấu hiểu thông suốt một triết lý và thực hành nó thuần thục như phản xạ không phải chuyện có thể giải quyết trong một hay vài tháng.
Tương tự là ở Man United. Đối thủ của Man United từ đầu mùa tới giờ mắc sai lầm không ít, nhưng cầu thủ Man United tận dụng triệt để được các sai lầm ấy hay chưa? Chưa. Bản năng sát thủ đúng chất Mourinho chưa bộc lộ. Chỉ có điều, ở Man United nguyên nhân vấn đề không phải là trình độ mà chỉ là sự nhuần nhuyễn. Man United cần thêm thời gian trong khi Man City cần cả thời gian lẫn những bổ sung chất lượng ở tương lai lâu dài.
2. Với bối cảnh như thế, cuộc chiến Mourinho - Guardiola lần này có vẻ là cuộc chiến cân bằng nhất trong những lần họ đã đối đầu nhau. Trình độ, phong độ và thái độ của các cầu thủ trong tay hai HLV ấy đều tương đồng nhau và để phân định thắng thua, chắc họ sẽ cần viện đến một khả năng khác. Đó chính là khả năng thuyết phục và truyền đạt, đặc biệt là trong cuộc nói chuyện với cầu thủ ở lúc giữa hai hiệp thi đấu.
15 phút nghỉ giải lao có thể là dài với một cuộc nói chuyện nhưng thực chất, HLV chỉ có chưa đầy 5 phút để làm điều đó. Bởi vậy, nguyên tắc của việc trao đổi với cầu thủ trong 5 phút ngắn ngủi kia luôn là: Gẫy gọn, dễ hiểu, thông điệp rõ ràng.Pep được coi là hay né tránh đối thoại với cầu thủ nhưng ông lại là một người truyền đạt giữa trận đấu đại tài. Ở trận Siêu cúp châu Âu năm 2009, sau 90 phút chính thức bị Shakhtar cầm hòa 0-0, ông đơn giản nói với các cầu thủ của mình rằng “Chuyền cho chắc. Phòng ngự đừng mạo hiểm. Đừng chuyền ngang giữa sân. Làm cho tốt. Giữ bóng đúng phong cách chúng ta. Tất cả ở phía sau quả bóng. Họ rình phản công. Vậy nên: Ta phải kiểm soát bóng. Kiểm soát tốt, ta làm được điều ta muốn. Ta sẽ ghi bàn trong 30 phút tới. Không phải lo. Cứ kiên nhẫn”. Tất cả, toàn những câu mệnh lệnh, ngắn và rõ ràng. Và Barca có bàn ở phút 115.
Mourinho cũng là một bậc thầy truyền đạt. Ông không dùng câu mệnh lệnh, mà ông dùng các chỉ dẫn ngắn, cho từng vị trí. Và hơn hết, ông luôn nhấn mạnh về kết quả, để cầu thủ hiểu rằng, nó là thứ định giá màn trình diễn của họ.
Và derby Manchester có thể sẽ được quyết định bởi 5 phút ấy, 5 phút mà Pep và Mourinho, ai nói hay hơn, người ấy thắng.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất