11/06/2014 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - John và Yoko gặp nhau năm 1966, gắn bó với nhau đến khi John bị ám sát vào năm 1980. Nhưng tình yêu của họ không chết mà thực ra đã hóa thành bất tử vì âm nhạc.
Hai nhạc sĩ vĩ đại của Beatles là Paul McCartney và John Lennon đều ghi dấu ấn bản thân bằng một tác phẩm không mang giai điệu đặc trưng của ban nhạc.
Với Paul, đó là Yesterday bất hủ. Với John, không thể là gì khác ngoài Imagine. Ông sáng tác bài hát nổi tiếng nhất của mình vào năm 1971, hai năm sau khi ban nhạc tan rã.
22 dòng chữ và niềm tin cao quý
Imagine là một ca khúc có nhiều tầng lớp nghĩa. Với hàng triệu người yêu nhạc có trái tim lãng mạn, đây là khúc ca tuyệt vời về hòa bình, tự do, sự hòa thuận và đồng lòng của toàn nhân loại. Còn nếu nhìn từ góc độ giai cấp, một số người cho rằng bài hát mang tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, phi tôn giáo và chống lại nước Mỹ.
Hiếm có ca khúc nào mà nhiều thế hệ, không chỉ say đắm giai điệu, mà còn thuộc lòng lời bài hát như Imagine. Lời bài hát được tạp chí Rolling Stone gọi là “22 dòng chữ nói lên niềm tin cao quý và rõ rệt về sức mạnh của một thế giới đoàn kết lại, vì mục tiêu chung là hàn gắn và thay đổi chính nó”.
Qua bài hát, John đã bày tỏ lòng mong muốn một thế giới không thiên đường, không địa ngục, không quốc gia, không tôn giáo, không tài sản, không có những thứ buộc người ta phải sống hay chết vì nó, không lòng tham và cũng không đói khát. Những lời này đã khiến ông trở thành một nhà tư tưởng vĩ đại.
Hơn cả một nàng thơ
Nhưng thật bất công khi trong suốt 43 năm qua, thế giới đã dồn hết vào John lòng ngưỡng mộ vì sự vĩ đại đó. Có một thực tế nhiều người biết, nhưng không hiểu sao thường bị bỏ quên, là trong Imagine có một phần đóng góp to lớn của Yoko, không chỉ như nàng thơ. Yoko là người có tác động rất lớn đến ca từ và ý tưởng của bài hát.
Trong tập thơ Grapefruit (Cây bưởi) của Yoko năm 1964, bà đã viết những câu thơ bắt đầu bằng chữ “imagine” (tưởng tượng). Về sau, lời bài hát của ca khúc Imagine cũng được viết như vậy. Chỉ có điều, trong nghệ thuật của Yoko chưa in đậm tư tưởng “cả thế giới là một” mà chỉ có John là người thể hiện tư tưởng đó mạnh mẽ qua Imagine, với phần nhạc lay động lòng người.
Yoko có thể coi như người đồng sáng tác của Imagine chứ không chỉ là nàng thơ. Chính John sau này cũng thừa nhận điều đó. Cuốn All We Are Saying của David Sheff trích lời ông: “Tôi vẫn còn ích kỷ và gia trưởng khi không thừa nhận đóng góp của cô ấy”. John cũng khẳng định, đúng ra bài hát phải được ghi là “của John Lennon và Yoko Ono”.
MV (video ca nhạc) của ca khúc này cũng là một biểu tượng, với từng phân cảnh đã trở nên quen thuộc với công chúng trong hàng chục năm qua. Đầu MV là cảnh John và Yoko bước đi quay lưng về phía máy bay. Một người đội mũ như cao bồi, một người mặc trang phục giống phụ nữ Ấn Độ. Đó là hình ảnh của hòa bình.
Sau đó họ bước vào khu vườn rồi vào nhà, biến mất. John hiện ra, hát bên cây đàn piano trắng. Trong khi ông hát, Yoko mở các cánh cửa chớp cho ánh sáng dần tràn vào căn phòng. Đó là ánh sáng của sự thật, tự do, sự thức tỉnh.
Bản quyền các bài hát hậu Beatles của John đều thuộc sở hữu của Yoko. Trong đó, Imagine nhận được rất nhiều lời đề nghị hát lại (cover). Nhưng Yoko cho biết, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ muốn bỏ câu hát: “Và cũng không có tôn giáo nào cả”. Bà khước từ tất cả vì muốn không muốn bất cứ thay đổi nào làm sứt mẻ tác phẩm của John.
Ngoài Imagine, Yoko Ono còn là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc khác. Với riêng John, có các bài do ông hát Dear Yoko, I’m Losing You, Oh Yoko! và The Ballad of John and Yoko do Beatles hát. Các bài hát đều thể hiện tình yêu sâu đậm của John dành cho Yoko, cả nỗi tuyệt vọng mỗi khi không được gần bên nhau. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất