Những câu hỏi lớn sau đảo chính ở Thái Lan

24/05/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Đảo chính vừa xảy ra ở Thái Lan theo sau nhiều tháng bất ổn chính trị. Nhân sự kiện, hãng tin BBC đã nhìn lại và tìm hiểu xem vì sao quân đội lại quyết định ra tay can thiệp, sau một thời gian dài giữ vai trò trung gian.

Điều gì đã khiến quân đội đảo chính?

Quân đội nói rằng đã nắm quyền kiểm soát chính quyền và tạm đình chỉ hiến pháp để vãn hồi trật tự và tiến hành cải cách chính trị. Thái Lan thực sự đang ở trong một tình trạng hỗn độn về chính trị. Đất nước đã chìm trong bất ổn kéo dài suốt nhiều tháng, với phe đối lập tuyên bố chính quyền do dân bầu lên phải từ nhiệm, bởi nó tham nhũng. Một số người đã bị giết trong các vụ bạo lực diễn ra giữa 2 phe thân và chống chính quyền. Giới quan sát nói rằng rất khó để giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều.


Xã hội Thái Lan đã phân cực rất mạnh, chia làm 2 nửa rõ ràng

Chuyện gì đã thực sự xảy ra ngoài thực địa?

Một vụ đảo chính diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng quan hệ. Sau đảo chính, nội các Thái Lan đã được yêu cầu phải báo cáo tình hình với quân đội và việc tụ tập hơn 5 người bị cấm. Lệnh giới nghiêm trên toàn quốc được triển khai từ 10h tối tới 5h sáng, theo giờ địa phương. Truyền thông Thái Lan được yêu cầu tạm ngưng mọi chương trình phát sóng bình thường.

Thông báo của quân đội nói rằng tướng Prayuth Chan-ocha sẽ lãnh đạo Hội đồng duy trì trật tự và hòa bình quốc gia, tuy nhiên thượng viện trong Quốc hội Thái Lan và các tòa án sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Các lãnh đạo đảng phái chính trị ở Thái Lan, gồm thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban, đã bị đưa đi khỏi một CLB nơi họ đang họp kín với quân đội.

Không lâu sau khi thông báo đảo chính được ban ra, binh lính đã tiến tới các trại chứa người biểu tình của phe "áo đỏ" ở ngoại ô Bangkok và phe chống chính quyền nằm ở trung tâm thành phố. Binh lính bắn chỉ thiên, giải tán người biểu tình.

Thái Lan từng xảy ra đảo chính trước đây chưa?

Nhiều nhà quan sát đã nghi ngờ khi quân đội triển khai thiết quân luật trong ngày 20/5 và khẳng định họ không tiến hành đảo chính. 2 ngày sau, trắng đen đã rõ ràng. Thực tế đảo chính không phải chuyện mới lạ ở Thái Lan. Đây đã là cuộc đảo chính thành công thứ 12 kể từ năm 1932. Vụ đảo chính gần đây nhất diễn ra trong năm 2006, khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị quân đội lật đổ.

Quân đội thường bị cáo buộc đồng cảm với mục tiêu của những người biểu tình chống chính quyền, trong phong trào biểu tình diễn ra gần đây.


Người biểu tình "áo đỏ" từng tuyên bố rằng bất kỳ âm mưu lật đổ chính quyền nào cũng có thể châm ngòi dẫn tới nội chiến

Chuyện gì có thể xảy ra hiện nay?

Nhiều nhà quan sát lo ngại động thái mạnh tay của quân đội có thể khiến người ủng hộ chính quyền phẫn nộ. Phóng viên Jonah Fisher của BBC ở Bangkok nói rằng những người bầu cho chính quyền vừa bị lật đổ sẽ không hài lòng trước chuyện đã diễn ra. Nguy cơ người biểu tình áo đỏ bênh vực chính quyền tiếp tục xuống đường và đụng độ với quân đội là có thực.

Ngoài ra còn có những lo ngại về tác động của vụ đảo chính với tình hình kinh tế Thái Lan. Đồng baht của Thái Lan đang sụt giảm giá trị sau thông báo đảo chính. Tương tự, chứng khoán của Thái Lan đã đi xuống và nhiều chuyên gia đã bàn tới nguy cơ suy giảm kinh tế ở Thái Lan.

Chính quyền đã cố gắng tổ chức ngày tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên chưa ai rõ việc này có thể diễn ra được sớm hay không.

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng là gì?

Xã hội Thái Lan đang phân cực mạnh, với 2 phe phái chính trị đối lập. Một phe là người dân sống chủ yếu ở nông thôn, thường rất nghèo, ủng hộ Thaksin và các chính sách dân túy của ông. Một bên còn lại là tầng lớp trung lưu ở Thái Lan, những người căm ghét tới xương tủy Thaksin và ảnh hưởng của ông trên nền chính trị nội địa.

Kể từ khi Thaksin bị lật đổ hồi năm 2006, cả hai bên đã thường xuyên tiến hành biểu tình. Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây, mối quan tâm đã tập trung vào chính quyền của đảng Pheu Thai thân Thaksin. Các cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực trong tháng 11 năm ngoái, sau khi hạ viện Thái Lan thông qua một dự luật ân xá gây tranh cãi, có thể mở đường cho Thaksin về nước mà không phải ngồi tù. Phong trào chống chính quyền nói rằng đã có 28 người chết trong các cuộc đụng độ.

Tình hình xấu đi vào đầu tháng này, khi một tòa án phế truất em gái của Thaksin là bà Yingluck Shinawatra, khỏi ghế Thủ tướng. Tòa nói rằng bà đã có hành động phi pháp khi điều chuyển phụ trách an ninh quốc gia tới vị trí khác.

Thái Lan sẽ đi về đâu?

Hiện nay sự đối đầu vẫn hằn sâu trong xã hội Thái Lan. Phong trào chống chính quyền, đoàn kết bởi tư tưởng chống Thaksin, nằm dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Suthep Thaugsuban, đã liên tục cáo buộc chính quyền Pheu Thai mua phiếu bầu, cam kết chi tiêu cho người nghèo... nhằm tăng cường sự ủng hộ và qua đó đã dựng nên một chính quyền dân chủ với nhiều khiếm khuyết.

Họ muốn chính quyền dân bầu phải bị giải tán, bổ nhiệm chính quyền lâm thời để cải cách chính trị.

Tuy nhiên phe "áo đỏ" lại ủng hộ chính sách của chính quyền. Họ cảnh báo bất kỳ âm mưu nào nhằm lật đổ chính quyền, nói rằng việc này có thể dẫn tới nội chiến. Lãnh đạo phe "áo đỏ" là  Jatuporn Prompan tuyên bố nhóm của ông chấp nhận thiết quân luật, nhưng sẽ "không tha thứ một cuộc đảo chính hoặc các biện pháp vi hiến khác" nhằm tiếm quyền.

Cho tới nay người biểu tình áo đỏ vẫn chưa thực sự xuống đường mạnh mẽ. Vì thế giới quan sát lo ngại nếu họ quyết định xuống đường, bạo lực sẽ theo chân họ và nhấn chìm đất nước Thái Lan.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link