Thủ tướng: Châu Á phải là nơi chúng ta được nghe ‘giấc mơ’ của mọi quốc gia

05/06/2017 11:57 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vẫn thường nghe về "Giấc mơ Mỹ" hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam… còn ít được biết đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản.

Sáng 5/6, tại Tokyo, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23.

Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Châu Á là động lực tăng trưởng chủ chốt

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về nhà kinh tế học người Anh, Adam Smith, người đã phát hiện ra chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia đó là "tự do tự nhiên", được hiểu là tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa theo nhu cầu tự nhiên, mở cửa thị trường trong nước cũng như quốc tế để cạnh tranh theo nguyên tắc tự do, công  bằng. Theo Thủ tướng, đó chính là nền tảng quan trọng của toàn cầu hóa và trên thực tế tiến trình này đã diễn ra hàng trăm năm trước đó.

“Sự kiện hôm nay diễn ra tại Nhật Bản nhắc tôi nhớ lại từ khoảng thế kỷ 16, Hội An, một thương cảng nằm ở tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, đã dần hình thành một trong những nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á”, Thủ tướng bày tỏ. Người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên đã có những đóng góp quan trọng, đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà cho đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của một mô hình cảng thị hội nhập quốc tế ở vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Trong nhiều thế kỷ qua, những hành trình ngược xuôi, những câu chuyện huyền thoại trên con đường tơ lụa lịch sử đã giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.

Thủ tướng cho rằng châu Á, châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa.

Sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ, như Singapore, nền kinh tế mở, năng động bậc nhất thế giới; Hàn Quốc - "kỳ tích sông Hàn” của châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, một thành viên quan trọng của OECD. Hay Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với nhiều thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo.

Với trên 150 hiệp định thương mại tự do và khu vực, chiếm 58% tổng số hiệp định của thế giới, châu Á đi đầu về hợp tác, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức.

Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế.

Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á.

Châu Á cần làm gì?

“Đứng trước thách thức đó, châu Á cần phải làm gì”, Thủ tướng đặt vấn đề và nêu ra 3 nhóm biện pháp.

Thứ nhất, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có  những thay đổi mang tính cấu trúc. Theo đó, cần tạo dựng quan hệ gắn kết lành mạnh, tăng cường lòng tin, sự thực tâm giữa các quốc gia về an ninh, chính trị và phát triển kinh tế thông qua các hiệp định song phương, đa phương, các liên kết chiến lược khu vực và liên lục địa;

Tập trung giải quyết các khác biệt nội tại khu vực và hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Gia tăng sức mạnh mềm châu Á thông qua việc truyền thông, gìn giữ và phát huy tính đa dạng, nét độc đáo về bản sắc văn hóa và những "giá trị châu Á" mà cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng đề cập đến như tinh thần lao động cần cù, ý thức tiết kiệm, sự hiếu học, tình bằng hữu và sự gắn kết gia đình... Đồng thời chúng ta mở cửa hợp tác, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác.

Thứ hai, giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Theo đó, cần tạo sự gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, thúc đẩy kết nối nhiều mặt và đa tầng nấc giữa các quốc gia, gồm kết nối hạ tầng mềm nhằm tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho các hoạt động kinh tế thương mại; kết nối giao thông/hạ tầng cứng để bảo đảm cho sự di chuyển an toàn, thuận lợi của người dân và hàng hóa; kết nối về con người; kết nối về môi trường tự nhiên như hợp tác trong giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quản lý thiên tai. Kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa hiện tại và các giá trị lịch sử, giữa hiện đại và truyền thống, giữa chủ nghĩa toàn cầu và bản sắc dân tộc, bảo toàn sự đa dạng văn hóa.

Thứ ba, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…

Thủ tướng cho rằng, chính những thể chế, tôn chỉ, nguyên tắc, luật lệ được xây dựng bởi các định chế quốc tế này cùng với tổ chức khu vực như ASEAN, APEC… đã góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Giấc mơ” cho mọi quốc gia châu Á

Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta vẫn thường nghe về "Giấc mơ Mỹ" hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng dường như trên phương diện truyền thông, các giấc mơ Miến Điện, giấc mơ Lào, Campuchia hay giấc mơ Việt Nam... còn ít được biết đến. Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển.

Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không sự phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tình hình kinh tế-xã hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam, đang trở thành một thị trường hấp dẫn có sức mua ngày càng lớn với tầng lớp trung lưu chiếm trên 10% dân số và đang gia tăng nhanh chóng.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp, với những định hướng lớn như kiến tạo các cơ hội phát triển cho đất nước thông qua tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia vào các cấu trúc quản trị toàn cầu. Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế.

Chính phủ kiến tạo mà Việt Nam đang xây dựng đồng nghĩa với lựa chọn cân bằng giữa các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với việc quản lý sự khan hiếm về các dạng tài nguyên và tính bền vững của môi trường và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cho rằng khi nói đến sự thần kỳ châu Á thì không thể không nhắc tới "sự thần kỳ Nhật Bản", khép lại bài phát biểu, Thủ tướng đã nêu rõ vai trò Nhật Bản trong sự phát triển châu Á và mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản còn là tấm gương về văn hóa kỷ luật, kiên nhẫn và đức hy sinh.

Tinh thần đoàn kết, kỷ luật, bình tĩnh của nước Nhật trong thảm họa kép năm 2011 đã được khắc họa chân thật qua hình ảnh những người dân Nhật Bản trật tự xếp hàng; hình ảnh cậu bé 9 tuổi nhường phần đồ ăn của mình cho những người khác. Những người cứu hộ không quản ngại nguy hiểm, bền bỉ tìm kiếm các nạn nhân sau thảm họa…

Thủ tướng khẳng định, sau hơn bốn thập niên, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được củng cố và trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3/2014.

Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, là đối tác lớn thứ 3 về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Đến hết năm 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Hai nước xây dựng mối quan hệ ổn định, tin cậy thông qua các cuộc đối thoại, các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.

Nhật Bản và Việt Nam đã ký 9 thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học và Chương trình chiến lược hợp tác về giáo dục. Đặc biệt, Trường Đại học Việt Nhật đang dần trở thành biểu tượng cho sự hợp tác giáo dục giữa hai nước. Số lượng sinh viên, thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh, hiện đã đạt con số 150.000 người.

“Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức chúng ta tư duy, cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại. Tôi mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng”, Thủ tướng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng đối thoại và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra liên quan đến nhiều vấn đề quốc tế và chính sách của Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đối thoại cởi mở

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã đối thoại cởi mở và trả lời nhiều câu hỏi nêu ra liên quan đến nhiều vấn đề như Hiệp định TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, chính sách về môi trường, kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Thủ tướng.

Về Hiệp định TPP, Thủ tướng cho biết Việt Nam và Nhật Bản nằm trong 12 nước tham gia TPP. Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Việt Nam cũng như Nhật Bản đang bàn với các đối tác một cách cụ thể để tìm ra một phương thức tốt nhất để chúng ta cùng phát triển, cùng có lợi.

Về ASEAN, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận của ASEAN. Trên nguyên tắc đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được triển khai thời gian qua và bước đầu có kết quả tốt. “Chúng tôi đã đẩy mạnh giao lưu thương mại, tự do di chuyển thể nhân và pháp nhân. Khối lượng thương mại giữa 10 nước ASEAN không ngừng tăng lên”, Thủ tướng nói.

Báo chí Nhật Bản đánh giá tích cực chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Báo chí Nhật Bản đánh giá tích cực chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, báo chí Nhật Bản sáng 5/6 đã đăng trang trọng tin tức Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản.

Với câu hỏi về chính sách trước việc “thị trường xe 2 bánh và 4 bánh phát triển tốt ở Việt Nam nhưng đồng thời gây ra những vấn đề về môi trường, khí thải, đặc biệt ở đô thị”, Thủ tướng nói: “Chúng tôi có chiến lược về phát triển bền vững, trong đó, vấn đề môi trường đặt ra hàng đầu ở Việt Nam. Chúng tôi có một chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu khói bụi từ ô tô và mô tô. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hơn ai hết, Việt Nam tích cực thực hiện COP 21”.

“Tuần trước, ngài đã gặp Tổng thống Donald Trump. Xin ngài cho biết kết quả sau cuộc hội đàm này, trong đó có nội dung về tự do hàng hải an ninh trên biển”. Trước câu hỏi mà người điều hành Hội nghị nêu ra, Thủ tướng cho biết, đây là chuyến thăm thành công. Tham dự hội đàm, ngoài Tổng thống, có cả Phó Tổng thống và các Bộ trưởng các bộ quan trọng của Hoa Kỳ. Hai bên đã bàn những vấn đề về thương mại hết sức thú vị. Hai bên có sự thống nhất cao rằng xuất nhập khẩu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là có lợi cho hai bên. Những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, người dân Hoa Kỳ ưa dùng và Việt Nam đã tăng cường nhập các thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị Tương lai châu Á. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết, hai bên đã trao đổi về vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề biển đông và thống nhất giải quyết vấn đề Biển Đông theo Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982, xây dựng Biển Đông thành khu vực hòa bình, hữu nghị, tự do hàng không, hàng hải.

Theo Thông tin Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link