Theo phóng viên TTXVN tại Italy, hôm 5/6, Bộ văn hóa và di sản Italy đã chính thức công bố kế hoạch tái tạo lại phần mặt sàn cho đấu trường cổ La Mã Coliseum.
Bộ trưởng Bộ văn hóa và di sản Italy Dario Franceschini (Đa-ri-ô Phrăng-tre-xi-ni) cho biết công trình này sẽ kéo dài 5 năm, tính cả thời gian nghiên cứu và thực hiện dự án, với tổng kinh phí lên tới 20 triệu euro. Một cuộc đấu thầu sẽ được tiến hành nhằm chọn ra những công ty trong nước và quốc tế có đủ năng lực tham gia dự án đầy tham vọng, mà Bộ trưởng Franceschini từng có lần mô tả sẽ tạo ra bộ mặt mới cho đấu trường có gần 2 nghìn năm tuổi này và giúp Coliseum có khả năng tổ chức các chương trình nghệ thuật và âm nhạc lớn.
Theo Bộ trưởng Franceschini, trong tổng số 20 triệu đầu tư cho dự án, nhà nước sẽ rót 16 triệu, số tiền còn lại do tập đoàn thời trang Tod's của gia đình Della Valle quyên góp. Hiện tại, gia đình Della Valle đang tài trợ 25 triệu euro cho dự án trùng tu đấu trường Coliseum, trong đó có việc làm sạch các lớp bụi bám bên ngoài của công trình đồ sộ và là một trong những biểu tượng của Italy này. Gia đình Della Valle từng vướng vào một vụ kiện xung quanh kế hoạch đầu tư cho dự án trùng tu Coliseum khi một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cho rằng dự án thiếu minh bạch. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn của tổ chức này.
Đấu trường La Mã
Mặt sàn mới sẽ được xây lên trên những đường hầm cổ từng là nơi giam giữ thú vật cũng như các phòng nghỉ của những dũng sĩ giác đấu trước khi họ được đưa lên sàn để đấu với thú hoặc đấu tay đôi với nhau. Nhiều bản vẽ cũ từ giữa thế kỷ 18 cho thấy một phần mặt sàn cổ từ thời La Mã vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, thời gian đã làm hư hại nhiều phần của kiến trúc cổ. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng họ hiểu toàn bộ kết cấu của phần đường hầm với các cơ chế đặc biệt nhằm đưa các dũng sĩ giác đấu cũng như thú vật từ các đường hầm lên mặt sàn để thi đấu. Điều này hoàn toàn có ích cho việc phục dựng lại công trình nhằm phục vụ khách tham quan, giúp họ hiểu hơn về các trận đấu của dũng sĩ thời kỳ cách đây gần 2.000 năm.
Tái tạo mặt sàn cho Coliseum là ý tưởng gây chú ý lớn mà ông Franceschini đưa ra vào cuối năm ngoái, và gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Những ý kiến ủng hộ cho rằng, việc này có giá trị tái tạo lại một công trình cổ có giá trị văn hóa và lịch sử hàng đầu thế giới về thời La Mã. Với những người phản đối, việc này đồng nghĩa với xu hướng ngày càng thương mại hóa Coliseum và có thể làm cho công trình này hư hại nhiều hơn. Tuy nhiên, Bộ văn hóa và di sản Italy vẫn kiên định với ý tưởng này.
Trên thực tế, hầm của Coliseum, nơi các thú vật và võ sĩ giác đấu chờ số phận mình được quyết định trên sàn đấu, đã được mở cửa cho khách tham quan từ năm 2010, sau khi việc trùng tu hoàn thành với việc lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng mới.
Coliseum, biểu tượng của Italy, được xây vào năm 72 sau Công nguyên và hoàn thành vào năm 80 sau Công nguyên với mục đích chính là tổ chức các trận đấu giữa các võ sĩ giác đấu với nhau hoặc với thú vật. Các cuộc đấu còn được tổ chức đến tận thế kỷ 6 sau Công nguyên. Coliseum đã bị hư hại nhiều lần trong quá khứ bởi các trận động đất. Do phía bên trong của đấu trường đã hỏng, người ta không thể tổ chức các sự kiện lớn ở đây mà chỉ có thể thực hiện các chương trình văn hóa, nghệ thuật và chính trị ở phía bên ngoài Coliseum, dùng đấu trường làm hậu cảnh. Nhiều buổi biểu diễn của các nghệ sĩ lớn như Ray Charles, Paul McCartney, Elton John hay Billy Joel đã diễn ra tại đây.
Theo TTXVN