Trận lụt "đe dọa" sự nghiệp của Thủ tướng Thái

29/10/2011 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Những ngày đầu diễn ra trận lụt tàn phá nghiêm trọng Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã được báo chí ghi lại cảnh lội nước bùn tới thăm những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Khi đó, trông như bà đang hoàn toàn kiểm soát tình hình. Nhưng thực tế đã diễn ra theo chiều ngược lại.

Một tháng sau thời điểm trên, trận lụt tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua ở Thái Lan đang tiến nhanh tới thủ đô Bangkok, còn chính quyền 3 tháng tuổi của bà Yingluck thì vấp phải những chỉ trích dữ dội vì đã lúng túng trong việc xử lý thảm hoạ.

Thiệt hại nghiêm trọng vì lũ

"Quả thực là dư luận đang lo âu. Yingluck lẽ ra có thể đã sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Nhưng bà ấy biết mình phải làm gì để đưa chúng ta ra khỏi tình hình hiện nay" - một quan chức đề nghị giấu tên trong đảng Puea Thai của bà Yingluck nói.

Những thiệt hại về sinh mạng và kinh tế do lũ gây ra đang tăng lên ở đất nước với 67 triệu dân, vốn đã vấp phải nhiều cuộc khủng hoảng trong mấy năm gần đây. Đó là thảm hoạ sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004, cuộc đảo chính hồi năm 2006, sự kiện người biểu tình chiếm sân bay quốc tế hồi năm 2008 và gần đây là các cuộc đụng độ chính trị làm nhiều người chết ở Bangkok hồi năm ngoái.

Các thống kê mới nhất cho thấy trận lũ đã làm ít nhất 377 người thiệt mạng kể từ tháng 7 và khoảng 2,2 triệu người bị ảnh hưởng, gồm hàng trăm ngàn người ở các quận phía Bắc Bangkok đã bị ngập. Sản lượng lúa ở quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã tụt mất 6 triệu tấn, tức 24%, xuống còn 19 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng GDP thường niên của nền kinh tế trị giá 319 tỉ USD đã giảm xuống còn 2,6% từ mốc 4,1%.

Rất nhiều người dân đang mắc kẹt trong các ngôi nhà, thiếu lương thực, nước sạch, điện, nước. Các trường hợp bị bệnh do nước bẩn, chết đuối và bị điện giật đang tăng lên. Cá sấu và rắn độc đã bò ra các con phố vốn chỉ có những người bán mỳ và hàng rong qua lại. Những con thuyền giờ xuôi ngược trên đường phố cùng với xe hơi... Tất cả bắt nguồn từ việc con sông Chao Phraya chảy qua đất Thái đang đón nhận một lượng nước lớn chưa từng thấy.

Bà Yingluck tới thăm người dân bị ảnh hưởng bởi lũ
ở tỉnh Nonthaburi vào giữa tháng 9 vừa qua

Thủ tướng non trẻ trong tâm thảm hoạ

Tại trung tâm cuộc khủng hoảng lũ lụt là bà Yingluck, một chính trị gia bị giới phê bình đánh giá là còn non nớt, thiếu năng lực lãnh đạo và thiếu sự quyết đoán.

Hãng tin Reuters nói rằng Yingluck bị trêu chọc vì đã mang giầy hiệu đi vào nước lũ, bị cáo buộc đã không báo cho người dân, doanh nghiệp biết về mức độ nghiêm trọng của thảm hoạ và còn cố tình ém nhẹm thông tin.

Bà Yingluck đã bác bỏ toàn bộ các thông tin này. Nhưng thực tế Trung tâm điều phối hoạt động cứu trợ lũ lụt (FROC) do Chính phủ của bà lập nên không giúp gì được nhiều cho người dân đang gặp nạn. Theo Reuters, một bộ trưởng trong ban lãnh đạo FROC đã từng lên tiếng yêu cầu cư dân ở các tỉnh quanh Bangkok sơ tán. Nhưng chỉ vài giờ sau, một vị khác lại nói rằng tình hình đã trong vòng kiểm soát và người dân không phải lo lắng.

Tương tự, nhiều người Thái được giới lãnh đạo khẳng định Bangkok sẽ không bị lũ lụt. Giờ thì họ lại nghe tin thủ đô có thể bị ngập trong cả tháng trời. "Những thông tin trái chiều đó khiến người dân giảm lòng tin vào Yingluck và chính quyền. Họ đang đầu cơ tích trữ lương thực, thực phẩm và nước, đồng thời chỉ còn thu thập tin tức về lũ qua các mạng xã hội" -  Kan Yuanyong, giám đốc nhóm tư vấn Siam Intelligence Unit đánh giá .

Trong những lần xuất hiện trước phóng viên gần đây, Yingluck trông có vẻ phờ phạc, mệt mỏi. Đôi lúc bà gần như bật khóc, có sự run rẩy xuất hiện trong giọng nói. Hình ảnh này tương phản với gương mặt tràn đầy năng lượng và tự tin, đã đồng hành cùng Yingluck trong suốt chiến dịch vận động tranh cử.

Trận lũ tồi tệ đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân
Bangkok nói riêng, Thái Lan nói chung

Khi nước lũ chưa phải là điều tồi tệ nhất

Thách thức lớn nhất, theo các nhà phân tích chính trị, là liệu bà Yingluck có thể lèo lái nền kinh tế phục hồi nhanh sau thảm hoạ. Ngoài ra bà còn phải phục hồi niềm tin của dư luận trong nước và nước ngoài, thông qua việc phát triển các cơ sở hạ tầng giúp ngăn lũ hiệu quả và tránh không cho thảm hoạ lặp lại.

Các kế hoạch chi tiêu phục hồi sau lũ có lẽ sẽ dễ dàng được Quốc hội Thái Lan thông qua, do Puea Thai và đồng minh đang nắm đa số ghế trong hạ viện. Nhưng ngoài việc đó ra, để ổn định tình hình đất nước, phía trước chính quyền của bà Yingluck vẫn còn rất nhiều rào cản. Đối thủ chính trị của Yingluck, và có thể là cả quân đội, sẽ nhân cơ hội này để làm giảm uy tín của bà.

Thực tế cho thấy thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra, một thành viên đảng Dân chủ đối lập, đã cam kết hợp tác với Yingluck, nhưng các tuyên bố của ông trước dư luận thường có ý hạ thấp bà.

Có thể nói vô vàn thách thức còn tồi tệ hơn đang chờ đón Yingluck khi trận lũ kinh khủng không còn nữa. "Khi nước lũ rút đi, sẽ có một lằn ranh bạc xuất hiện trước chính quyền của bà Yingluck. Chính quyền ấy sẽ có "cơ hội hợp pháp" để tiến hành chi tiêu ngân sách lớn và đưa ra một nỗ lực phục hồi kinh tế ấn tượng" -  Thitinan Pongsudhirak, một nhà phân tích chính trị ở Đại học Chulalongkorn tại Bangkok đánh giá - "Nhưng nếu Yingluck vẫn vụng về và sảy chân, dù bà còn nắm quyền sau lũ thì toàn bộ con đường trước mặt chỉ còn là xuống dốc mà thôi".

Ảnh hưởng dây chuyền ra thế giới

Nhưng không chỉ hình ảnh Yingluck bị ảnh hưởng, lớn hơn thế là hình ảnh "Đất nước của những nụ cười". Sự trỗi dậy của các khu công nghiệp ở Thái Lan trong 30 năm qua đã biến đổi đất nước vốn có nguồn thu dựa nhiều vào ruộng lúa và các resort du lịch, trở thành một trung tâm sản xuất, chế tạo, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung cấp linh phụ kiện toàn cầu.

Tuy nhiên trận lũ đã khiến 7 khu công nghiệp ở các tỉnh kế cận Bangkok như Nonthaburi, Pathum Thani và Ayutthaya phải ngừng hoạt động, khiến 650.000 người thất nghiệp và ảnh hưởng lớn về mặt sản xuất trên toàn cầu. Hậu quả là Toyota đã phải cắt giảm sản lượng ô tô ở Bắc Mỹ. Tương tự, các doanh nghiệp lớn của Nhật ở Thái Lan như Canon, Pioneer và Sony, đều tuyên bố bị gián đoạt hoạt động sản xuất hoặc phân hối hàng hoá. Lenovo, hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn thứ 2 thế giới, nói rằng trận lũ sẽ khiến nguồn cung ổ cứng cho những máy tính của công ty bị lâm vào cảnh khan hàng cho tới tận tháng 3 năm sau.

Tường Linh (Theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link