14/06/2022 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Đã vào mùa Hè, thời điểm mà phụ huynh sẵn lòng cho con em được giải trí, bù đắp lại thời gian học hành vất vả. Thoại kịch, phim ảnh, múa rối, xiếc… là những loại hình nghệ thuật thường được chọn lựa.
Ấy vậy mà một phim thiếu nhi chất lượng như Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác (kịch bản - đạo diễn: Hàm Trần) lại thất bại về doanh thu. Năm trước, phim thiếu nhi Trạng Tí phiêu lưu ký (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh) cũng gặp cảnh tương tự.
Điều này đặt ra câu hỏi: Một phim thiếu nhi Việt Nam như thế nào sẽ đủ sức thuyết phục phụ huynh cho con cháu đến rạp và hấp dẫn được khán giả nhí? Bởi, xét ở góc độ giáo dục, phim hoặc nghệ thuật có chất lượng tốt sẽ có tác động tốt đến trẻ em. Nếu phim đủ sức hấp dẫn và thuyết phục, khán giả nhí sẽ không ít.
Khó đo “gu” khán giả nhí
Thực ra làm nghệ thuật dành cho thiếu nhi luôn khó hơn làm cho người lớn, đa số trong giới đã biết điều đó. Bất chấp thực tế ấy, nhiều nghệ sĩ vẫn luôn cố gắng và nỗ lực để tạo ra một tác phẩm đúng chất thiếu nhi.
Thế nhưng, phim điện ảnh lẫn truyền hình dành cho thiếu nhi do Việt Nam sản xuất trong vài chục năm qua rất nhỏ giọt, có thể đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, từ lâu rồi, vào dịp Hè, các em đã quen với việc thưởng thức các tác phẩm điện ảnh đầy màu sắc, đầy trí tưởng tượng và đẹp lung linh của Mỹ, Hàn Quốc... Hầu như chưa có một phim thiếu nhi của Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng. Nếu có cũng chỉ là hình ảnh mờ nhạt của vài phim truyền hình đã chiếu cách đây hơn 10 năm, hoặc xa hơn nữa.
Vậy nên, khi phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác xuất hiện, dù khá hay, nhưng khán giả vẫn chưa kịp tin vào chất lượng phim. Thay vào đó, công chúng chọn xem phim thiếu nhi của nước ngoài chiếu trong cùng thời điểm. Năm trước, phim Trạng Tí phiêu lưu ký hứa hẹn sẽ tạo bom tấn phòng vé vì được xem là phim thiếu nhi duy nhất ra mắt và được đầu tư tốn kém. Thế nhưng dịch bệnh đã khiến phim không thể ra rạp. Thêm nữa, sự tranh cãi với họa sĩ của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt là Lê Linh cũng tạo nên một ấn tượng không tốt cho phim. Phim thiếu nhi Việt Nam vốn dĩ chưa có nền tảng, chưa lấy được niềm tin, lại vướng lùm xùm, thì có lẽ phải cần thêm thời gian rất lâu nữa mới có thể tạo niềm tin từ số đông công chúng.
Đạo diễn Lê Hùng Phương từng làm phim có yếu tố thiếu nhi. Anh chia sẻ: “Làm phim thiếu nhi rất cam go. Biên kịch và đạo diễn phải hiểu tâm lý con nít đúng thời điểm của câu chuyện, chẳng hạn con nít thập niên 1970 khác với thập niên 1990. Quay cảnh con nít thường gắn với con vật, các cảnh này phải ưu tiên cảm xúc thật, nên rất cực. Từ kịch bản đi ra phải mềm mại, thoải mái, đúng với tâm lý lứa tuổi con nít, chứ đừng gò khuôn hình theo ý đạo diễn, dễ mất nét ngây thơ. Những diễn viên nhí đã học diễn sẽ bị diễn theo khuôn mẫu nên già và mất nét trẻ con tự nhiên”.
“Vì vậy, rất lâu phim Việt mới có được một tác phẩm mà trẻ con đẹp và hồn nhiên như trong Đất phương Nam của hơn 20 năm trước, còn lại thường gặp lỗi ở cả câu chuyện và diễn xuất, nó bị giả, không toát lên cái chất trẻ con thuần khiết. Từ đó, khán giả dần mất niềm tin vào phim thiếu nhi Việt” - anh nói thêm - “Cho nên, dù Maika - Cô gái đến từ hành tinh khác là một phim hay, nhưng do thiếu niềm tin, nên khán giả ít đi xem. Hơn nữa, độ tuổi của nhân vật chính là học sinh cấp 1, nên cũng khá hạn chế đối tượng khán giả”.
Bài học từ “Ngày xửa ngày xưa”
Khi phim thiếu nhi Việt vẫn còn đang loay hoay, lúng túng tìm đường chạm vào cảm xúc công chúng, thì sân khấu thiếu nhi hoạt động sôi nổi hơn. Chương trình sân khấu thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa năm 2022 của IDECAF đã bán sạch vé (khoảng hơn 13.000 ngàn vé), trước thời điểm diễn bắt bắt đầu. Điều này cho thấy rằng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhí là vô cùng lớn.
Tuy nhiên, sân khấu thiếu nhi cũng rất kén chọn và mang theo thói quen, theo niềm tin sẵn có. Từ thành công của Ngày xửa ngày xưa, nhiều sân khấu khác đã đầu tư cho kịch thiếu nhi, nhưng không nơi nào thành công, không vở diễn nào đủ tạo tiếng vang lớn. Vì vậy, Ngày xửa ngày xưa vẫn độc chiếm thị trường phía Nam, cho dù, toàn bộ diễn viên đều là người lớn. Thậm chí nhiều nghệ sĩ đáng tuổi ông nội và bà ngoại của khán giả.
Lý giải cho thành công của Ngày xửa ngày xưa, nhiều người nhận xét, từ 20 năm trước tập thể nghệ sĩ IDECAF đã tạo nên thương hiệu mạnh và gìn giữ niềm tin lâu dài. Giá trị thương hiệu này lớn đến mức nó đã trở thành ký ức đẹp cho nhiều đứa trẻ ngày xưa, giờ đã là cha mẹ. Chương trình gần như thành món ăn không thể thiếu của trẻ nhỏ, đến hẹn lại lên, phải xem cho được mới thỏa lòng.
Để có được sức hấp dẫn đó, nghệ sĩ hiểu rõ tâm lý của trẻ con kiểu như nói câu gì chúng sẽ cười, làm động tác gì hoặc ăn mặc thế nào chúng sẽ khoái. Cảnh trí của chương trình luôn đẹp lung linh và đầy màu sắc.
Vấn đề là ai cũng thấy rõ các yếu tố hấp dẫn thiếu nhi ấy, nhưng bắt tay vào làm là hoàn toàn khác, không hề đơn giản. Nhiều đoàn phim đến học hỏi kinh nghiệm, IDECAF cũng đã chia sẻ nhiệt tình. Nhưng để làm cho được và tạo được niềm tin nơi phụ huynh - những người sẽ quyết định, cho phép con cháu đến rạp - là không hề đơn giản.
Và vì thế, ở thể loại sân khấu thì gần như chỉ có mỗi Ngày xửa ngày xưa thành công, còn các sân khấu khác hoặc phim ảnh thì chắc phải đợi thêm nhiều thời gian nữa. May mắn là còn nhiều nghệ sĩ rất yêu thương thiếu nhi và đang nghĩ cách tạo ra món ăn tinh thần sạch, ngon và đẹp, cho dù họ biết rằng món ăn đó không dễ chế biến.
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất