10/08/2016 11:12 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Vu Lan, xem lễ rửa chân cho cha mẹ của các giáo viên ở một trường tiểu học tại Hà Nội, tôi thấy bối rối trong lòng. Tôi chưa từng làm điều đó, hoặc một điều long trọng tương tự, với cha mẹ mình.
Và tôi muốn hỏi các bạn, các bạn đã từng làm điều đó chưa, với cha mẹ mình, trong cuộc sống thường ngày?Tôi lại muốn tiếp một câu hỏi ngược: "Nếu bạn làm điều đó, liệu cha mẹ mình có đồng ý không"?
Tất nhiên, là đồng ý, nếu là trong một nghi lễ thiêng liêng như trong Lễ dâng trà, rửa chân. Nhưng rất có thể là không đồng ý, nếu ta thực hiện trong đời sống hàng ngày. Rửa chân hay một sự chăm sóc long trọng nào đó tương tự.
Các thầy cô giáo quỳ gối rửa chân cho cha mẹ. Ảnh: Internet
Anh bạn tôi có bà mẹ liệt nửa người, phải có người chăm sóc thường xuyên, nhưng bà nhất định không cho anh rửa mặt, đánh răng, rửa chân, rửa tay giúp (chưa nói thay quần áo hay vệ sinh thân thể), vì một lý do mà ban đầu anh không thể hiểu. "Mày lớn bằng ngần ấy, ai lại bắt mày làm việc đó" – bà nói.
Bà chỉ cho mấy cô em gái hay ô-sin thay nhau chăm sóc. Dường như, bà vẫn coi anh là "cục cưng" để bà được chăm sóc như hồi anh còn bé và như hồi bà còn khỏe.
Thỉnh thoảng bà cho anh chải tóc, một công việc mà bà cho là hợp với đứa con trai vàng ngọc của mình.
Anh nhận ra rằng, với mẹ mình, quan trọng nhất là thấy anh về, ngồi gần bên. Ngồi càng lâu càng tốt, nói dăm câu vu vơ, hoặc chẳng nói gì, ngồi uống trà với bố ngoài sân để bà từ trong nhà nhìn ra. Thế là bà thấy hạnh phúc, niềm hạnh phúc sâu thẳm. Hơn bất cứ một sự chăm sóc nào.
Anh bạn khác của tôi có mẹ, còn khỏe. Khi anh sinh con, bà xuống chăm sóc cháu, rất tận tình. Rồi anh thuê ô-sin để bà đỡ vất vả. Nhưng từ khi có ô-sin, bà lại thường xuyên "mặt nặng mày nhẹ", hờn trách vợ chồng anh đủ điều và viện đủ lý do để đòi về quê.
Mãi rồi anh mới hiểu, bà không muốn ô-sin "tranh phần" chăm sóc cháu bà. Bà không muốn ngồi không. Ngồi không bà thấy mình như là người thừa. Đùng một cái, ô-sin bỏ việc, bà như... mở cờ trong bụng, tíu tít lao vào chăm sóc cháu, hỉ hả vô hạn.
Tôi không có ý nói rằng, mẹ già của chúng ta không cần chăm sóc. Trái lại, cần lắm. Nhưng chăm sóc mẹ không giống như chăm sóc bất cứ ai, vì mẹ là người đẻ ra mình, mẹ hiểu cả những gì mình đang định nói và những điều mình đang định làm.
Không cần phải long trọng, màu mè, một sự quan tâm, chăm sóc nhỏ thôi cũng khiến mẹ cảm động.
Một tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết "Cuộc sống quanh ta" trên Thể thao & Văn hóa kể lại chuyện khi một người con đã cúi xuống lồng quai dép cho mẹ khi hai mẹ con chào chủ nhà ra về. Chi tiết đó làm tác giả ứa nước mắt vì rõ ràng, nếu người con không thực sự chăm sóc mẹ thì đã không làm được một việc như thế.
Không có tiền bạc nào, không có mâm cao cỗ đầy nào, không chuyến du lịch nào... ý nghĩa với mẹ bằng thấy con cháu tề tựu ở bên, mà không phải chỉ vào dịp giỗ tết, mà phải hằng tuần, hằng ngày, bất kỳ khi nào, hãy trở về bên mẹ, hỡi những ai còn mẹ.
Nhưng hình như từ ngày điện thoại rẻ như bèo thì các chuyến về thăm mẹ cũng thưa dần, và những cuộc gọi về cho mẹ cũng thế. Vì chúng ta rất bận, mẹ hiểu thế mà, mẹ có trách đâu, nhưng chắc chắn mẹ luôn đợi...
Rồi chúng ta sẽ thấy rằng, lỗi lớn nhất của mình là đã để mẹ đợi.
Và khi bên mẹ, thì không có món quà nào ý nghĩa bằng việc xắn tay áo cùng vào bếp nấu ăn cùng mẹ. Hoặc bất ngờ làm cho mẹ một món ăn mà mẹ thích (bật mí nhé, các bà mẹ thường rất hay tiết chế sở thích của mình, chỉ chăm chăm hỏi con cháu muốn ăn gì để nấu thôi).
Hiểu theo cách đó thì tháng nào cũng cần là tháng Vu Lan, ngày nào cũng cần là ngày Vu Lan...
Một nhà thơ Nga từng viết đại ý rằng, mãi sau ông mới hiểu ra rằng, hạnh phúc lớn nhất trên đời là được nhìn thấy mẹ mình già đi, già mãi đi, đến tận khi mình già...
Biết bao mùa Vu Lan chúng ta mới có thể "đong đầy" được nghĩa mẹ, công cha?
Cùng thưởng thức bài hát "Mẹ tôi" qua tiếng hát Tùng Dương:
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất