Họa sĩ Văn Thơ: Năm thứ 10 'ôm' giấc mơ 'Thành phố sông Hồng'

15/01/2014 13:28 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Đọc những gì báo chí vừa đưa tin về quy hoạch đê điều Hà Nội, tôi lại càng xót cho bộ mặt tương lai của thủ đô, khi những con đê bối tiếp tục mọc lên và bao lấy hàng ngàn hộ dân chen chúc nhau dọc đôi bờ sông Hồng” – họa sĩ Văn Thơ chia sẻ với TT&VH.

Năm 2014 này, đề án “Thành phố sông Hồng” của ông Văn Thơ bước sang tuổi thứ 10. Và đến giờ, tặng thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2008 của báo TT&VH vẫn là phần thưởng chính thức duy nhất mà đề án ấy nhận về. “5 triệu tiền thưởng chỉ đủ khao anh em” – họa sĩ nói - “Nhưng, đó là sự động viên vô bờ, bên cạnh những hệ lụy mà câu chuyện này mang lại”.

Gánh nặng “đá lấn sân”

Tất cả bắt đầu từ năm 2004, với một lá thư góp ý gửi lên lãnh đạo thành phố - nơi ông thỉnh thoảng qua làm việc trong tư cách họa sĩ. Đáp lại là lời khen: tốt quá, hay ông vẽ thử luôn đi. “Tôi mượn, đọc cả đống sách chuyên môn về thủy lợi, quy hoạch, kiến trúc” - ông Thơ kể - “Mình đá lấn sân sang những lĩnh vực ấy, trong tay chỉ có ý tưởng và một chút kĩ năng thể hiện của anh họa sĩ thì chưa đủ”.


Họa sĩ Văn Thơ

Tất nhiên, khi “đá lấn sân” sang lĩnh vực của một kiến trúc sư, vị họa sĩ già này đồng thời cũng “nhiễm” luôn tâm lý đặc thù của ngành nghề này. Đó là giấc mơ một ngày được thấy những bản đồ án của mình đang triển khai trên thực tế.

Thời điểm ra đời, “Thành phố sông Hồng” của ông Thơ gặp một trở ngại cực lớn, khi Luật Đê điều không cho phép can thiệp vào các tuyến đê hiện có. Rồi, khi điều luật này thay đổi, dự án hợp tác để xây dựng, chỉnh trang trục sông Hồng giữa Hà Nội và Hàn Quốc lại diễn ra. Hồn nhiên với những “tin hành lang” rằng phía Hàn Quốc sẽ trao đổi và phối hợp nghiên cứu bản đề án đã được đăng kí bản quyền của mình, ông Thơ nhiệt tình tới mức chủ động nhờ chuyển công trình “Thành phố sông Hồng” tới tay họ để nghiên cứu trước.

Giấc mơ ấy có một kết thúc không hoàn hảo. Thay vì hợp tác, giữa Văn Thơ và đoàn chuyên gia Hàn Quốc là những cuộc tranh cãi qua lại liên miên – vì ông cho rằng đề án độc lập của phía bên kia đã “mượn khéo” một phần lớn công trình “Thành phố sông Hồng”. Rồi, qua vài lần chỉnh sửa, đề án của phía Hàn Quốc bị giới KTS Việt Nam đánh giá là thiếu thực tế và chìm dần vào quên lãng...


Phối cảnh đề án “Thành phố sông Hồng”

Và gánh nặng khi... sống cạnh sông Hồng

Nhà bên sông Hồng, vài chục năm chứng kiến cảnh nhếnh nhác, tạm bợ ở khu bờ sông mà ông gọi là “ổ chuột”, họa sĩ Văn Thơ bảo: điều ông mong nhất trước khi nhắm mắt là được thấy cảnh quan dọc sông Hồng được cải tạo và hiện đại hóa cho xứng với “mặt tiền” của đất Thăng Long ngàn năm.

“Lúc trước, tôi còn sẵn sàng tặng không đồ án này cho thành phố, miễn là ghi nhận sự đóng góp tâm huyết của mình” - ông Thơ nói. “Bây giờ, sau 10 năm, với cách người ta đối xử với sông Hồng và nhiệt tâm của mình, tôi chán nản và tất nhiên không có ý tưởng tặng bản quyền như thế nữa”.

Nhưng, khi gắn bó với “bức tranh” đặc biệt nhất trong đời cầm cọ của mình, vị họa sĩ già này không thể làm ngơ với những gì đang diễn ra tại sông Hồng. Bởi thế, những ngày đầu năm 2014, người viết lại được ông gọi tới để chia sẻ những bức xúc về Quy hoạch đê điều Hà Nội vừa được đưa ra. Theo thông tin ban đầu, bản quy hoạch này đã “nghiên cứu rất kỹ dự án của Hàn Quốc” và quyết định xây 2 đê bối mới, chạy song song với 2 tuyến đê cũ. Từ vị trí ở ngoài đê, hàng vạn hộ dân sẽ trở thành “ở trong đê” và tiếp tục được xây nhà.

“Làm thế nghĩa là dựng lên 4 tuyến đê song song nhau bên sông Hồng. Những khu ổ chuột bây giờ vẫn tiếp tục bị cắt rời với thành phố bằng tuyến đê cũ để tồn tại như một khu vực riêng” - họa sĩ than thở- “Mà, khu vực ấy bây giờ đã chật ních người, nếu vẫn tiếp tục cho xây dựng nữa thì hai bờ sông Hồng sẽ trở thành cái gì trong vài năm tới?”.

Tuổi 74, ông Văn Thơ vẫn chờ số phận của “Thành phố sông Hồng” ở năm thứ 10 bằng sự hồn nhiên và nhiệt tình như thế.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link