(Thethaovanhoa) - Lý trí bảo rằng đừng có khen những đứa trẻ này thái quá, đừng cho chúng lên mây nữa, vì đây chỉ là đội U19, và cũng chỉ là sản phẩm của một học viện trẻ mà thôi. Nhưng sau màn trình diễn của đội U19 Việt Nam trước U19 Myanmar, chúng ta hiểu rằng trái tim vẫn có những lý lẽ của riêng nó.
Lý trí
Ít có tập thể nào được yêu mến nhiều như U19 Việt Nam hiện tại, nhưng cũng ít có tập thể nào phải chịu nhiều sức ép và cả sự nghiêm khắc của dư luận đến thế. Rằng yêu thì phải cho roi cho vọt, rằng những lời khen dễ làm hỏng người. Và giáo dục các cầu thủ trẻ bỗng nhiên lại chỉ gói gọn trong một việc: Hãy kiệm lời khen, vì cầu thủ trẻ không biết ứng xử với lời khen!
Lý trí nói rằng đây chỉ là sản phẩm “ăn may” và cá biệt của một nền bóng đá khuyết tật. Không có một nền bóng đá nào xây dựng tham vọng chỉ dựa vào một lứa cầu thủ “trong lồng kính” vốn ít được cọ xát và cạnh tranh, cho dù đây là lứa cầu thủ mà HLV Lê Thụy Hải đã nhận xét rằng “phải mất 50 năm mới có một lứa chơi kỹ thuật đến thế”.
Hình ảnh này đã kết lại trận đấu. U19 Việt Nam "bay" vào chung kết một cách ấn tượng
Lý trí cảnh báo rằng ngay cả khi đã thể hiện một lối chơi tấn công nhuần nhuyễn, hiện đại, tốc độ và đẹp mắt hiếm có, thì đội bóng này vẫn còn thiếu rất nhiều thứ: Họ không được đào tạo chuyên môn hóa vị trí, họ thiếu tư duy chiến thuật khi tình huống thay đổi, khi cần phải phòng ngự hoặc làm giảm hưng phấn đối phương. Họ chỉ biết phối hợp nhỏ và đưa quả bóng lên phía trước. Các cầu thủ U19 đều không có thể hình lý tưởng, ở cả những vị trí đòi hỏi điều đó (trung vệ, tiền vệ trụ).
Lý trí cũng nghĩ ra những tình huống của tương lai, khi lứa cầu thủ này mỗi người mỗi ngả đi tìm sự khẳng định mình. Họ có thể không “sống sót” nổi ở V-League, nơi bóng đá rất khắc nghiệt và sẽ không nương chân với thứ bóng đá ngây thơ của họ. Họ đã đi hết một quy trình đào tạo, chỉ có thể bổ sung kinh nghiệm để cứng cáp hơn, chứ không thể sửa chữa những khiếm khuyết về tư duy chiến thuật.
Lứa cầu thủ này sẽ tiến được bao xa? Một câu hỏi rất khó trả lời
Lý trí cũng hiểu rằng sự yêu mến đổ dồn về đội U19 mà “tảng lờ” đội U23 và đội tuyển quốc gia là điều không nên: Ở mọi cấp độ, các cầu thủ đều phải nỗ lực và vượt qua những khó khăn riêng. Tất cả đều cần được tôn trọng, và không chỉ vì đội U19 làm chúng ta mãn nhãn, mà nghĩ rằng họ đã có thể thay thế ĐTQG. Đó là suy nghĩ phiến diện và ấu trĩ.
Lý trí tất nhiên đúng: Đội bóng này còn quá nhiều những khiếm khuyết. Họ trưởng thành từ một học viện có chất lượng đặc thù và duy nhất của bóng đá Việt Nam. Họ thiếu môi trường cạnh tranh, và họ chỉ đào tạo được những cầu thủ tấn công. Không thể coi họ là tương lai của một nền bóng đá, tất nhiên! Họ, tuy rất giỏi, nhưng chắc chắn không thể là Messi, Maradona hay Beckham.
Và lý lẽ của trái tim
Nhưng có lẽ cũng lâu rồi mới có một tập thể bóng đá Việt Nam chơi bóng mà chạm được đến trái tim người hâm mộ. Đó có thể không phải là thứ bóng đá chiến thắng và thành công trong tương lai, nhưng đó là thứ bóng đá rất giàu cảm xúc.
Phạm Văn Quyến được yêu mến và nhớ mãi nhờ biết tạo ra thứ bóng đá giàu cảm xúc: Cú sút phạt tuyệt đẹp vào lưới Trung Quốc tại giải U16 châu Á vào năm 2000, bàn thắng vào lưới đệ tứ anh hào Thế giới, Hàn Quốc, năm 2003, và kỳ SEA Games 22 không thể nào quên, với quá nhiều những thời khắc rực sáng. Cho đến giờ, người ta vẫn nhắc đến Lê Công Vinh với cú đánh đầu ngược giúp ĐTVN đăng quang AFF Suzuki Cup 2008. Và thế hệ của Nguyễn Hồng Sơn, những cầu thủ chưa hẳn là mẫu mực của bóng đá Việt Nam, vẫn được yêu mến cho đến bây giờ, đơn giản vì họ đã tạo ra thứ bóng đá chạm đến trái tim.
Đội U19 Việt Nam tạo ra cảm xúc không chỉ từ những khoảnh khắc cá nhân bùng nổ (bàn thắng của Công Phượng và cả 4 bàn vào lưới Myanmar hôm qua đều có thể được xếp vào dạng có thể làm nổ tung cầu trường), mà còn từ lối chơi ít chạm, uyển chuyển và nhuần nhuyễn hiếm có (thậm chí là trong lịch sử bóng đá Việt Nam), cùng một thái độ thi đấu đúng mực. Đội U19 vẫn được yêu mến, ngay cả khi họ thất bại.
Nhưng ít nhất, U19 Việt Nam đã làm được điều rất khó trong bóng đá: Chạm đến trái tim người hâm mộ
Bóng đá có thể được trình diễn trên những sân đấu khác nhau, ở những trình độ và giải đấu khác nhau, nhưng cảm xúc thì luôn giống nhau. Đừng nghĩ rằng đây chỉ là một giải đấu giao hữu và ở cấp độ U19 mà cho rằng những cảm xúc ấy đơn thuần xuất phát từ tâm lý đám đông. Công chúng rất công bằng: Họ đến sân phủi ngày một đông trong khi V-League kêu gào rằng thiếu khán giả. Họ cũng có thể yêu mến ĐTQG và đội U23, nếu những tập thể ấy có thể chơi một thứ bóng đá giàu cảm xúc như các em U19.
Công chúng không có lỗi, dù lý trí vẫn không ngừng cảnh tỉnh rằng hãy kiềm chế tình cảm đó lại và suy nghĩ một cách thực tế. Nhưng bóng đá kỳ diệu ở chỗ đó: Công chúng có thể không nhớ những thống kê khô khan và kỷ lục, nhưng nhớ như in cảm xúc mà các cầu thủ đã đem đến cho họ, và suy cho cùng, bóng đá cần phải mang lại cảm xúc, và thậm chí tồn tại vì cảm xúc.
Lý trí sẽ luôn làm cái công việc khắc khổ của nó trong trận chung kết, và thậm chí là trên mỗi bước đường của đội U19 Việt Nam. Âu đây cũng là điều cần thiết để tất cả cùng nhìn lại mình và có đủ sự tỉnh táo. Nhưng quá lý trí thì sẽ không bao giờ hiểu được lý lẽ của trái tim, và việc còn quá nhiều khiếm khuyết không ngăn cản được đội U19 làm được một công việc thậm khó trong bóng đá: Chinh phục những trái tim.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa