08/05/2014 10:18 GMT+7 | Thế giới
Điện Biên - bản hùng ca vang mãi muôn đời không đơn thuần là tập ký sự ăm ắp tư liệu và ngồn ngộn thông tin. Cuốn sách còn kể những câu chuyện đời thường trong trận quyết đấu của toàn dân tộc. Đó là câu chuyện về đám cưới ngay trong chiến dịch, là chiến công của “dũng sĩ tay cụt” Hà Văn Nọa khi phát hiện ra những nhầm lẫn trong trinh thám của ta... Bên cạnh đó, cuốn sách còn ghi dấu những hình ảnh về Điện Biên ngày nay, một thành phố tươi trẻ và đầy sức sống đang thay da đổi thịt từng ngày...
“Với mỗi người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, cái tên Điện Biên Phủ luôn là niềm kiêu hãnh nhắc nhớ về mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc”- nhà văn Đoàn Hoài Trung lý giải về nguyên do ra mắt sách - “Còn với gia đình tôi, nó cũng là một dấu ấn đặc biệt. Bố mẹ tôi quen nhau ở Điện Biên. Tình yêu của ông bà năm nay cũng tròn 60 năm. Dù bố tôi không còn để chứng kiến sự kiện này, song tôi muốn viết cuốn sách này dành tặng tình yêu của bố mẹ và nhắc nhớ mọi người về một thời máu và hoa hùng tráng của dân tộc”.
Một lý do khác thôi thúc ông cho ra đời cuốn sách là tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông kể: Cách đây 10 năm, trong lần kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi là nhà báo duy nhất có may mắn đi cùng chuyên cơ với Đại tướng về lại Mường Phăng. Đó cũng là lần cuối cùng Đại tướng thăm lại chiến trường xưa. Trong chuyến bay, ngoài những câu chuyện Đại tướng kể, điều đọng lại lớn nhất trong tôi là ánh mắt của Người. Nó chất chứa niềm tự hào và cả niềm tiếc thương chực òa khi thắp nhang tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Giao lưu với độc giả trẻ cùng Đại tá Đoàn Hoài Trung còn có Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, nhân chứng đặc biệt của chiến dịch Điện Biên Phủ: Ông cũng chính là nhân vật thổi kèn harmonica giữa chiến hào trong thước phim tư liệu lịch sử nổi tiếng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh hào hùng và hào hoa này sau vẫn được truyền thông quốc tế nhắc đến với tên gọi “tiếng harmonica Điện Biên Phủ”.
Tướng Phúc kể: “Tôi sinh ra ở Bắc Ninh. Từ nhỏ, tôi hay theo các hội hát quan họ ở quê. Lên cấp 3, tôi bắt đầu học harmonica và say mê với thứ nhạc cụ ấy. Rồi từ đó, chiếc harmonica đã theo tôi đi suốt cuộc chiến chinh. Tới tận bây giờ, trong trận chiến cuối cùng với “sinh lão bệnh tử” chiếc kèn ấy vẫn bên tôi...
Về thước phim năm xưa, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc cho biết: Thước phim quay vào giữa hai cuộc tấn công. Khi ấy, cả địch và ta cùng chung một quả đồi, song hai bên đều đang tổ chức lại lực lượng để chiến đấu. Những lúc như thế, thường hai bên đều khá ồn ào, song bên ta đã chuẩn bị xong và anh em ngồi nghỉ, nghe tôi thổi kèn. Nhưng bên địch lúc đó cũng đột ngột lặng phắc để cùng nghe...
Và tiếng kèn harmonica của Đỗ Văn Phúc năm ấy đã vang qua dải ngăn cách của các chiến hào của những người đang cầm súng và vang vọng suốt 60 năm khiến hội trường rặt người trẻ hôm nay cũng bỗng im lặng, rưng rưng...Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất