Đi tìm thủ phạm giết cá bè trên sông Đồng Nai

06/08/2010 14:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chỉ hơn 1 tháng, người nuôi cá bè ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa - Đồng Nai lâm vào cảnh điêu đứng vì phải lãnh 3 đợt cá chết liên tiếp, thiệt hại hàng tỷ đồng. Và ngày 27/7 vừa qua, Sở TN & MT tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra về bảo vệ môi trường đối với nhà máy giấy Tân Mai để làm rõ nguyên nhân gây cá chết trên sông Đồng Nai vừa qua.

* Hành trình đi tìm nguyên nhân

Tính riêng trong tháng 6/2010, 57 hộ nông dân nuôi các bè trên sông Đồng Nai thuộc phường Thống Nhất ngậm ngùi chứng kiến 2 đợt cá chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. Đến những ngày 6 đến 8/7 tai ương lại ập đến, hàng chục tấn cá tiếp tục “phơi bụng trắng bè”, tổng cộng đã có hơn 100 tấn cá chết trong các đợt.

Anh Trần Đức Cần, chủ bè cá bị thiệt hại nặng nhất cho biết: “Họng cống xả thải của nhà máy giấy Tân Mai chìm dưới sông và chỉ cách làng bè phường Thống Nhất 200 mét. Vào lúc 22h ngày 24/6, chính tôi và ông Trần Văn Sửa – Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường đã phát hiện lập biên bản và ghi lại hình ảnh miệng cống thải của nhà máy giấy Tân Mai đang xả thải, bọt nổi trắng xóa lan rộng và mùi hóa chất bốc lên nồng nặc”. 

Ông Trần Văn Sửa – Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất xác nhận với TT&VH: “Có việc nhà máy giấy Tân Mai xả thải vào đêm 24/6 và các hộ dân nuôi cá bè đã lấy mẫu tại cống xả để đưa đến Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường (TT CNQLMT) xét nghiệm. Trong kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm công bố ngày 6/7/2010 có chất Lignin, đây là chất đặc thù được loại bỏ trong quá trình sản xuất bột giấy. Theo ông Sửa: “Trước đó, năm 2007, số cá bè chết lên đến 40 tấn và các hộ nuôi cá bè được nhà máy giấy Tân Mai hỗ trợ 50% thiệt hại”.


Hằng ngày cá bè trên sông Đồng Nai của người dân phường Thống Nhất tiếp tục chết

Sở TN & MT Đồng Nai đã có báo cáo số 211 của về việc xác minh các nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các phường Thống Nhất, Tân Mai, An Bình và xã Hiệp Hòa… Báo cáo đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra các nhà máy có nước thải ra sông Đồng Nai và nhà máy giấy Tân Mai nằm trong danh sách được theo dõi. Ngày 29/6/2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận các đề xuất của Sở TN & MT qua văn bản số 5182/UBND – CNN. Ngoài ra, Báo cáo của Sở TN & MT về khảo sát hiện trạng nước sông Đồng Nai, có ghi rõ “Nhu cầu oxy hóa (BOD 5) và nhu cầu oxy hóa học (COD) tại khu vực tiếp nhận nước thải của nhà máy giấy Tân Mai vượt quy chuẩn nhiều lần”. 

Đợt giám sát của HĐND tỉnh Đồng Nai giữa tháng 7 cho thấy: “Công ty CP tập đoàn giấy Tân Mai mỗi ngày vẫn xả thải khoảng 5.000m3 và nguồn nước thải sau xử lý được thoát thẳng ra sông Đồng Nai vẫn chưa đạt loại B, vì còn nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép”. Theo quy định, công ty phải xử lý nước thải đạt loại A mới được thải ra sông, do đây là vùng cấp nước sinh hoạt.

Ngày 27/7 vừa qua, Sở TN & MT tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra về bảo vệ môi trường đối với nhà máy giấy Tân Mai để làm rõ nguyên nhân gây cá chết trên sông Đồng Nai vừa qua. Tuy nhiên, theo bà Lương Hồng Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất: “Không chỉ nhà máy giấy Tân Mai mà còn các nhà máy khác cũng xả nước thải ra sông Đồng Nai, nên việc xác định hết thủ phạm là rất khó khăn”.

* Mòn mỏi chờ hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Ngọc, một chủ bè cá tại phường Thống Nhất chua xót nói: “Đến nay cá nuôi không phát triển được cho dù mỗi tháng phải tốn gần 1 tấn thức ăn. 3 đợt cá chết làm đời sống chúng tôi vô cùng khó khăn. Hầu hết các nông dân nuôi cá bè đều phải vay vốn ngân hàng, tiền giống, tiền thức ăn”.

Anh Vũ Thanh Tuyển, một chủ bè buồn bã cho biết: “Chúng tôi chỉ mong sao các cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm gây chết cá hàng loạt và ngăn chặn để chúng tôi yên tâm sản xuất. Nếu thêm 1 đợt cá chết nữa thì chúng tôi sẽ không biết lấy gì mà ăn”.

Bà Lương Hồng Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất khẳng định: “Chúng tôi đã nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc xử lý tình hình cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai. Theo công văn, giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN & MT, UBND TP.Biên Hòa và các cơ quan có liên quan xem xét đề xuất phương án hỗ trợ người nuôi cá bè bị thiệt hại. Chúng tôi đang họp bàn để đề xuất phương án hỗ trợ bằng nguồn tiền ngân sách của tỉnh”.

Vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai đang rất cấp thiết, dư luận mong các cơ quan chức năng xác định mức độ vi phạm rõ ràng của từng doanh nghiệp, xử lý kịp thời để tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm đền bù thiệt hại hay nhập nhằng giữa “hỗ trợ và đền bù” cho bà con nông dân như vụ Vedan.

Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link