'Xoay xở' di chuyển di vật Hoàng thành Thăng Long

02/01/2014 09:29 GMT+7 | Hà Nội ngày nay


Công tác bàn giao Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho HN quản lý đã và đang gấp rút thực hiện. Dù vậy, vẫn còn đó những vướng mắc, thách thức trong sự xoay xở tìm tính đồng thuận giải quyết từ nhiều phía để đảm bảo việc bảo quản hiện vật và đáp ứng tiến độ đề ra.

Cần nhanh chóng bàn giao mặt bằng và di chuyển di vật

Ngày 11/7, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5015/UBND-VX gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Các vấn đề mà Chính phủ đã cam kết theo khuyến nghị của ICOMOS (Hội đồng quốc tế các di tích và thắng cảnh) đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội thực hiện nghiêm túc.

Ngày 25/7, UBND thành phố Hà Nội đã lấy ý kiến để hoàn thiện lần cuối Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) và Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000).


Xung quanh công tác bàn giao mặt bằng và di vật Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, HN, ngày 19/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 371/TB-VPCP thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Dự án công viên lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, trong đó có nội dung: “Đồng ý chuyển giao hạng mục đầu tư xây dựng tuyến đường phía bắc và phía đông công trình Nhà Quốc hội sang Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu do UBND TP HN chủ quản đầu tư; UBND TP HN quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tiến độ xây dựng công trình Nhà Quốc hội”.

Ngày 21.8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã bố trí địa điểm số 5 Hoàng Diệu và số 4 Nguyễn Tri Phương với tổng diện tích trên 27.000m2 để làm nơi bảo quản, quản lý di vật và tập trung tổ chức di chuyển khối lượng các loại hình di vật đồ gốm sứ, đồ sành, vật liệu kiến trúc và xương động vật, đồ kim loại được di chuyển từ khu C-D của Khu di tích 18 Hoàng Diệu sang.

Tiếp đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng đã phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH VN di chuyển toàn bộ khối lượng di vật khảo cổ tại khu C-D về địa điểm kể trên. Số lượng di vật được di chuyển phải khẳng định là không nhỏ với 26.545 két di vật bao gồm bao gạch nung, đồ sành, xương, nhuyễn thể, mẫu đất, gốm, sứ, kim loại... được chuyển sang địa điểm số 5 Hoàng Diệu và 10.651 két di vật mang loại hình vật liệu kiến trúc sang địa điểm số 4 Nguyễn Tri Phương.

Tìm sự đồng thuận từ nhiều phía


Theo kế hoạch, việc di chuyển di vật, hiện vật từ Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu sang khu Thành cổ được thực hiện theo hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội bố trí địa điểm số 5 Hoàng Diệu và số 4 Nguyễn Tri Phương trong khu Thành cổ Hà Nội với diện tích 2.700m2 làm nơi bảo quản, quản lý di vật và tổ chức di chuyển di vật từ khu C-D sang.

Trong giai đoạn 2, toàn bộ di vật gạch ngói, đồ gỗ, đồ đá của khu A-B-C-D và các khối di tích, di vật của khu E (khu vực xây nhà Quốc hội) hiện đang được bảo quản tại khu C-D cũng phải di chuyển sang khu Thành cổ HN trước khi bàn giao mặt bằng di tích khu C-D cho TP HN quản lý.

Tuy vậy, tại buổi làm việc giữa UBND TP HN và Viện Hàn lâm KHXH VN được tổ chức vào ngày 25.12, trong khi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định Viện Hàn lâm KHXH VN chưa tổ chức di chuyển di vật để bàn giao mặt bằng thì ông Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN lại cho rằng diện tích để chuyển giao di vật, hiện vật chưa đảm bảo, đáp ứng điều kiện...

PGS.TS Võ Khánh Vinh, Phó Giám đốc Viện Hàn lâm KHXH VN nhìn nhận: “Các bên liên quan cần chung tay di dời 100% khối hiện vật gạch ngói, đá... để giải phóng mặt bằng, hoàn thành giai đoạn 1”. Điều đáng nói là với 145 khối cấu kiện di tích và di vật của khu E (Khu vực xây dựng Nhà Quốc hội) hiện đang bảo quản tại nhà kho khu D có diện tích 1.300m2 đang trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn để trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội, theo Trung tâm nghiên cứu kinh thành kiến nghị cần tạm thời bảo quản tại chỗ vì trong khu Thành cổ hiện nay không đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí di chuyển.

Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lại kiến nghị Viện Hàn lâm KHXH VN lập dự toán kinh phí tổ chức di chuyển toàn bộ các khối di vật gạch, ngói, chân tảng và 145 khối cấu kiện di tích khu E để bàn giao mặt bằng.

Trong khi loay hoay tìm phương án, địa điểm... để di chuyển di vật, nhiều chuyên gia đề xuất phương án dựng tạm chỗ để các di vật, hiện vật nhằm đảm bảo tiến độ di chuyển, bàn giao hiện vật mà các giá trị văn hóa quý báu này vẫn được bảo quản tốt. Để thực hiện được công việc này vừa đáp ứng thời gian tiến độ vừa đảm bảo công tác bảo quản di vật, thực sự cần sự đồng chuận, chung tay của nhiều phía.

Theo Phúc Nghệ
Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link