09/08/2013 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Người khổng lồ của văn chương Nhật rất ít lên tiếng, hầu như chỉ viết, dù ông vẫn phát biểu khi cần, chẳng hạn về mối bất hòa Trung – Nhật hay vụ khủng bố ở Boston… Không nói nhiều nhưng suy tư của ông vẫn đến với hàng triệu người, tất nhiên, qua trang sách.
Càng ấn tượng với Murakami, ta càng không tin vào những người quá ồn ào, về khía cạnh mồm mép. Bản thân Murakami cũng ồn ào, về khía cạnh danh tiếng và thương mại. Sách của ông gây sốt luôn luôn. Theo dõi trang viết của các nhà văn trẻ Việt Nam, có thể thấy nhiều người trong số họ tìm được cảm hứng sáng tác từ Murakami, thậm chí tôn thờ ông.
Tiểu thuyết mới nhất của ông, Colorless Tsukuru Tazaki And His Years Of Pilgrimage (tạm dịch: Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương), khiến người Nhật xếp hàng thâu đêm để mua những bản sách đầu tiên, bán được 1 triệu bản trong vòng 1 tháng đầu. Người Hàn bỏ ra 1,5 triệu USD để mua bản quyền dịch. Còn bản dịch tiếng Anh thì ra mắt chỉ 1 tháng sau khi bản gốc ra mắt.
Cuốn sách chắc hẳn là một tác phẩm đặc biệt với Murakami khi vào hồi tháng 5, ông đã xuất hiện trước công chúng (500 khán giả ở Đại học Kyodo) để nói chuyện về nó. Nói chuyện với độc giả là việc ông chưa từng làm trong 18 năm qua. “Nhiều người có thể nghĩ đây là bước lùi của tôi trong văn học nhưng với tôi đây là một nỗ lực mới” - tờ Japan Times trích lời nhà văn 64 tuổi nói trong buổi hôm đó.Nhân dịp Murakami - một trong những tác gia vĩ đại nhất thế giới đang sống - trở lại với tiểu thuyết mới, TT&VH Cuối tuần điểm lại sự nghiệp đồ sộ của ông, một sự nghiệp mà các “tín đồ” trung thành của ông tin rằng xứng đáng với một giải Nobel.
|
Nhà văn Nhật đã lấy tên của tác gia thế giới mà ông ngưỡng mộ - (Franz) Kafka - để làm biệt danh cho nhân vật chính trong Kafka bên bờ biển (bản dịch tiếng Việt của Dương Tường) - một trong những tiểu thuyết hay nhất và “kinh khủng” nhất của ông. Đó không phải là một lựa chọn hú họa: Kafka, hay chính xác là văn Kafka, thực sự ám ảnh Murakami và trang văn của ông. Văn của họ có một điểm chung: sự cô độc nhuộm thẫm cả trang giấy.
Trong một bài viết cũng được Japan Times dẫn, Murakami bộc bạch: “Những câu chuyển ẩn trong tâm hồn chúng ta. Những câu chuyện ẩn rất sâu ở tận cùng của trái tim mỗi chúng ta và có thể đưa người ta xích lại gần nhau, gần đến mức sát sao nhất. Khi tôi viết một tiểu thuyết, tôi đi xuống những đáy sâu tận cùng đó”. Với Murakami, có một người duy nhất ông có thể đồng cảm đến mức sâu sắc như vậy, đó là Kawai, một nhà tâm lý học đã qua đời năm 2007. Và từ đó nhà văn trở thành người còn “sót” lại, cô đơn như đã từng.
Ý niệm về “chiều sâu tâm hồn” đầy ám ảnh đó xuất hiện trong tên của cuốn tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (bản dịch tiếng Việt của Lê Quang). Trong cuốn sách đó, nhà văn cho nhân vật đi đến một nơi chốn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một bức tường thành không thể vượt qua, tại nơi đó chẳng ai làm gì cả, nhân vật chính đảm nhận một công việc duy nhất là “đọc các giấc mơ xưa”, không hề ép buộc, không hề có áp lực, không ai quy định anh phải đọc được bao nhiêu giấc mơ mới là đạt. Một nơi chốn mà không ai ở đó có tâm hồn.
Hoặc trong Rừng Nauy (bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ), cuốn tiểu thuyết có lẽ là nổi tiếng nhất của Murakami ở Việt Nam, ông để những người trẻ tuổi trốn vào những nơi chốn hiu quạnh gần như không bóng người. Chàng trai Kafka 15 tuổi trong Kafka bên bờ biển được người bạn đưa đến một căn lều bên bờ biển, nơi không có điện, không có nhà vệ sinh, mất hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, bên cạnh là rừng thẳm.
Cả hai nhân vật chính của 1Q84 (bản dịch tiếng Việt của Lục Hương) là Tengo và Aomame đều sống lặng lẽ trong không gian riêng của mình, rất ít gặp gỡ và giao tiếp, quen với việc hàng ngày trời không liên lạc với thế giới bên ngoài, đắm chìm trong việc đọc sách.
Hay người đàn ông bị vợ bỏ rơi trong Biên niên ký chim vặn dây cót (bản dịch tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng) trốn xuống đáy giếng, vượt qua nỗi sợ gai người khi trèo xuống lòng giếng sâu hun hút và tối đen như mực để tìm kiếm một nơi thực sự tĩnh lặng, ngồi và nhìn thấu tâm can mình. Độ sâu của đáy giếng có lẽ chính là cách Murakami hình tượng hóa độ sâu của tâm hồn mà ông nhắc đến ở trên.
Sự cô độc của các nhân vật của Murakami có một sức quyến rũ đặc biệt hơn là tạo cảm giác thương hại, khiến người đọc chỉ muốn đi cùng với họ, hoặc tự mình tìm lấy một đáy giếng trong tâm hồn y như vậy. Những hoạt động chủ yếu của họ là suy tưởng, đọc sách và nấu ăn. Thật vậy, tất cả các nhân vật nam của Murakami đều thích nấu ăn, nấu những món giản dị nhưng tỉ mỉ và ngon tinh tế.
Văn Murakami đã có ảnh hưởng tương tự đến tôi đầu mùa Hè năm 2013: theo ông đến “nơi tận cùng thế giới”, nhấm nháp những trang sách ngon lành như thưởng thức sự cô độc, và khi trở ra, lạc lõng mất một thời gian.
Những tiểu thuyết nổi tiếng khác của Murakami có mặt ở Việt Nam.
Nhà quan sát trầm lặng và thông thái
Văn Murakami gợi cảm giác kiểu cách, thậm chí làm dáng - nhân vật của ông đều đọc nhiều sách và am hiểu nhạc cổ điển, lại thường diện đồ hàng hiệu - nhưng tại sao người đọc vẫn thấy như ông chạm vào những bí ẩn thẳm sâu trong tâm can mình?
Với những người chỉ quan tâm đến những tên tuổi thường xuyên lên báo, Murakami không phải là gương mặt quen thuộc. Thậm chí ông còn gần như ẩn dật. Nhưng người ở trong bóng tối nhìn lại nhìn rõ hơn. Người lặng lẽ, khi nói, lại nói được nhiều hơn. Như một quy luật bù trừ. Nhà văn vẫn quan tâm sâu sắc đến thời cuộc, ông chỉ không phải động đến vấn đề gì cũng vội vã lên báo phát biểu. “Không ai cả ngày ở trước ánh đèn flash mà vẫn dồi dào ý tưởng sáng tạo” - nhà thiết kế Karl Lagerfeld từng nói như vậy. Chính xác. Tôi tin rằng không nhà văn nào lên báo luôn luôn mà vẫn có tác phẩm lớn.
Bí ẩn và mất mát làm nên sự hút khách của Murakami. Cuốn tiểu thuyết mới Colorless Tsukuru Tazaki And His Years Of Pilgrimage không hề có một chiến dịch quảng bá ầm ĩ trước khi ra mắt, mọi thông tin đều được giữ kín. Đến tận bây giờ, những ý nghĩa sâu xa của cuốn tiểu thuyết vẫn còn bí ẩn, dù cốt truyện về người đàn ông đi tìm quá khứ đã được tiết lộ.
Người ta đoán già đoán non rằng, chủ đề của cuốn tiểu thuyết có liên hệ mật thiết với mất mát lớn lao của nước Nhật trong năm 2011 - cơn động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân lịch sử. Hoàn toàn có lý nếu dựa vào cơ sở Murakami luôn quan sát thời cuộc và các tiểu thuyết trước đây của ông đều đề cập đến các vấn đề lịch sử, chính trị gai góc.
Khi Murakami muốn lên tiếng, thường ông không nói, ông viết. Đầu tháng 5, ông gửi bài đăng trên tờ The New Yorker để chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân trong vụ đánh bom cuộc chạy đua marathon ở Boston, Mỹ trước đó. Lý do khá riêng tư: Murakami cũng là người đam mê marathon, bản thân ông là một vận động viên (điều đó đã được đề cập rõ trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, bản dịch tiếng Việt của Thiên Nga). Ông cũng từng sống 3 năm ở ngoại ô Boston và thực sự đau xót vì những mất mát sau vụ khủng bố.
Nhà văn viết: “Theo một khía cạnh nào đó, nỗi đau thực sự chỉ đến khi thời gian đã trôi qua, bạn bắt đầu vượt qua được cú sốc ban đầu và mọi chuyện đã bắt đầu ổn định trở lại. Chỉ khi bạn leo được lên sườn dốc và hiện lên đằng sau đỉnh dốc, bạn mới cảm thấy cơn đau bắt đầu lan tỏa. Vụ đánh bom ở Boston có thể để lại nỗi đau tinh thần dai dẳng đó”.
“Tại sao? Tôi vẫn không ngừng tự hỏi. Tại sao một sự kiện vui vẻ và đầy thiện chí như vậy lại bị chà đạp theo cách đẫm máu khủng khiếp đến thế? Thủ phạm đã được xác định, nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Sự hận thù và đồi bại của chúng làm sứt sẹo trái tim và tâm hồn của chúng ta. Ngay cả khi nếu có câu trả lời, có vẻ như nó cũng chẳng giúp được gì”.
Còn về mối bất hòa Trung - Nhật, như đã nói ở trên, hồi năm 2012, Murakami lên tiếng khi Trung Quốc có lệnh cấm bán sách của các tác giả Nhật ở Trung Quốc, do vấn đề tranh chấp đảo. Đồng thời, nhà văn cũng cảnh báo người dân phải giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo trước lời lẽ của các chính trị gia và những nhà luận chiến - những thứ luôn kích động người dân phẫn nộ. “Giữ cái đầu lạnh” có là kinh nghiệm xương máu của chính Murakami - tác gia lớn nhất nước Nhật, một trong những người đảm trách vai trò dẫn dắt về tư tưởng cho đất nước của mình.
Văn của ông có sức ảnh hưởng lớn đến mức, khi mới xuất hiện cách đây gần 3 thập kỷ, ông chỉ như một nhân vật bên lề của làng văn Nhật. Nhưng cũng chính nền văn chương đó đã chủ động thay đổi để biến ông trở thành nhân vật trung tâm vào những năm 2000. “Từ khi có Murakami, chúng ta dễ viết hơn” - các nhà văn Nhật nói với nhau như vậy.
“Trong mắt cộng đồng quốc tế, nói đến văn chương Nhật mà không nhắc đến Murakami cũng như nói đến Việt Nam mà không nhắc đến chiến tranh vậy” - người viết nhớ câu đùa của một nhà nghiên cứu văn học người Nhật khi sang Việt Nam nói chuyện, hồi năm 2012.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất