09/05/2020 06:48 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 5-10/2020, mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020.
Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ tháng 4 đến tháng 5/2020 trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5. Cùng với đó đề phòng gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng 6-8/2020 ở các vùng biển phía Nam Biển Đông.
Nhiệt độ và nắng nóng từ nay đến tháng 10
Nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,00C; riêng tháng 5/2020 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1,0-2,00C so với giá trị TBNN cùng thời kỳ.
Nắng nóng đã xuất hiện sớm tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ trong đầu tháng 3/2020. Dự báo, nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày tại khu vực miền Đông Nam Bộ trong nửa cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5/2020. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 4-5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Lượng mưa từ nay tới tháng 10
Khu vực Bắc Bộ: Tổng lượng mưa tại khu vực phía Tây Bắc Bộ từ tháng 6-9/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 5 và tháng 10/2020 ở mức thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực phía Đông Bắc Bộ tổng lượng mưa các tháng 5, tháng 7, tháng 8 và tháng 10/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; các tháng 6 và tháng 9/2020 phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%.
Khu vực Trung Bộ: Trong tháng 5/2020 tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng 6/2020, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn từ 10-25%, tại khu vực Nam Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tháng 7 và tháng 8/2020, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ xấp xỉ với trung bình nhiều năm; khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-35%, riêng Ninh Thuận, Bình Thuận phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong tháng 9/2020 tổng lượng mưa trên toàn khu vực Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đến tháng 10/2020 TLM trên toàn khu vực Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Trong tháng 5/2020 tổng lượng mưa tại khu vực phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-30%. Mùa mưa trên khu vực có khả đến muộn hơn so với trung bình, do vậy cảnh báo tiếp tục ít mưa và khô hạn cho tới nửa đầu tháng 5/2020. Từ tháng 6-9/2020 lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và TLM phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 7 khu vực Tây Nguyên có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Đến tháng 10/2020 tổng lượng mưa trên toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thủy văn
Bắc Bộ: Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm trong khoảng tháng 7 đến tháng 8/2020. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc. Nguồn nước từ tháng 5-10/2020 trên các lưu vực sông thiếu hụt từ 20-30%, hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 30-70%, riêng thượng lưu lưu vực sông Gâm xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Trung Bộ, Tây Nguyên: Từ nay đến hết tháng 5/2020, trên thượng nguồn các sông từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện 01-02 đợt dao động; mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 85%. Trong thời gian này, tình trạng hạn hán thiếu nước cục bộ xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Phú Yên đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.
Từ tháng 6 đến tháng 8/2020, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ, đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ có khả năng lên trên BĐ2. Mực nước các sông khác ở Trung và Nam Trung Bộ biến đổi chậm, lượng dòng chảy trên các sông ở mức thiếu hụt từ 35-85% so với trung bình nhiều năm, trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Trong thời gian này tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.
Mùa lũ năm 2020, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên đến muộn hơn trung bình nhiều năm, các sông ở khu vực Trung Bộ tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2020 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức cao hơn năm 2019. Đỉnh lũ năm trên hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, một số sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2020, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận xảy ra vào tháng 8 và tháng 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9, tháng 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và tháng 11.
Nam Bộ: Trong thời gian tới, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần. Trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở Đồng bằng Nam Bộ Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9.
Ngày 9/5, cả nước nắng nóng, Trung Bộ và Tây Nguyên có nơi trên 40 độ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, ngày 9/5 các khu vực trong cả nước đều có nắng nóng, riêng Trung Bộ và Tây Nguyên nắng nóng gay gắt với nhiệt độ vùng núi có nơi trên 40 độ C; chiều tối và đêm có mưa và dông, đề phòng thời tiết nguy hiểm.
Thời tiết các khu vực ngày và đêm 9/5: Phía Tây Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, ngày có nơi nắng nóng; chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, có nơi dưới 22 độ C; cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, ngày có nơi nắng nóng; chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, cao nhất 31-34 độ C, có nơi 34-36 độ C.
Thủ đô Hà Nội ngày nắng nóng, chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác; đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-27 độ C, cao nhất 32-35 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt; riêng vùng núi có nơi đặc biệt gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C; cao nhất 35-38 độ C, vùng núi có nơi trên 40 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng Đến Bình Thuận phía nam ngày nắng; phía bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Gió đông nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Khu vực Tây Nguyên ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, cao nhất 34-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Khu vực Nam Bộ ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, cao nhất 34-37 độ C.
Thời tiết tuần tới: Từ 9-15/5, nhiều khu vực nắng nóng, có nơi trên 42 độ C
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong ngày 9/5, khu vực Bắc Bộ có nắng, phía Tây Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ trên 40 độ C. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C, riêng vùng núi có nơi trên 38 độ C. Chiều tối và tối có mưa dông cục bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ chiều 10 đến 12/5, Bắc Bộ có mưa dông diện rộng, vùng núi và trung du có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; trong mưa dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 11/5, nắng nóng kết thúc ở Bắc Bộ. Từ ngày 13-15/5, ngày trời nắng, chiều tối và đêm có mưa dông cục bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Thủ đô Hà Nội ngày 9/5 có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C, chiều và tối có khả năng mưa rào và dông; từ chiều 10 - 12/5 có mưa dông diện rộng, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ ngày 13-15/5, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa dông cục bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Bên cạnh đó, mực nước trên các sông suối vùng núi khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện dao động nhỏ với biên độ mực nước từ 0,5-1,0m. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng.
Khu vực Trung Bộ từ ngày 9 - 10/5, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, riêng vùng núi phía Tây có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất 40 - 42 độ C, chiều tối có mưa dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm 10 -12/5, có mưa dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày 11/5, nắng nóng suy giảm; ngày 12/5, nắng nóng diện rộng kết thúc. Từ ngày 13-15/5, ngày trời nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối và tối có mưa dông cục bộ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Các tỉnh Nam Trung Bộ thời tiết ít thay đổi, ngày trời nắng, chiều tối có mưa dông cục bộ. Dòng chảy trên các sông Trung Bộ giảm dần. Tình hình hạn hán, thiếu nước tiếp tục diễn ra tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận; tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tình hình hạn hán diễn ra gay gắt hơn.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 9-11/5, có nắng nóng, chiều tối và tối cục bộ có mưa rào và dông; từ ngày 12-15/5, nắng nóng dịu dần. Từ ngày 14/5 có khả năng xuất hiện mưa dông rải rác vào chiều và tối; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Dòng chảy trên các sông ở khu vực Tây Nguyên giảm dần. Tình hình hạn hán, thiếu nước tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, phía Bắc tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk; tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk tình hình hạn hán diễn ra gay gắt hơn.
Tình hình xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 9-15/5 sẽ biến đổi chậm trong 1, 2 ngày đầu, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất xuất hiện vào những ngày đầu tuần và phổ biến ở mức thấp hơn độ mặn tuần qua; riêng một số trạm ở Sóc Trăng, Cà Mau độ mặn ở mức cao hơn.
Từ 9-15/5, trên biển không có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất