(Thethaovanhoa.vn) -
Năm nay, phần âm nhạc của Lễ trao giải Cống hiến lần 10 - 2015 sẽ đón chào trở lại nhạc sĩ Đức Trí trong vai trò giám đốc âm nhạc. Nếu như hai năm trước, tại Nhà hát Hòa Bình, Đức Trí tạo ấn tượng với người xem khi đưa nguyên quân số của Nhà hát Giao hưởng TP.HCM để làm đậm màu sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại thì năm nay, anh sẽ khai thác yếu tố mới, yếu tố quan trọng nhất của Cống hiến lần 10 - 2015: Trẻ.
* Năm nay tinh thần của những đề cử Cống hiến đậm màu nhân tố trẻ và anh sẽ làm gì để thấy rõ chất trẻ ấy trong đêm trao giải vào ngày 6/4 tới?- Nhìn vào đề cử năm nay sẽ thấy có một điểm nổi bật là những người trẻ ngoài việc hát rất tốt thì họ còn sáng tác được. Nhìn vào những gương mặt như Nguyễn Trần Trung Quân, Tạ Quăng Thắng, Vũ Cát Tường… thì sẽ thấy họ đều thành công trong năm 2014, đều tự sáng tác, tự biểu diễn. Tôi muốn làm rõ hơn những cá tính ấy, chất trẻ ấy trong đêm trao giải tới đây. Đó sẽ là điểm nổi bật của chương trình năm nay.
* Xây dựng chương trình với rất nhiều nghệ sĩ trẻ, ít ngôi sao, đối với anh có khó khăn để tạo một chương trình hấp dẫn?- Tôi nghĩ khán giả của giải
Cống hiến sẽ không đòi hỏi sự hấp dẫn như một chương trình giải trí thông thường. Đây đã lần tổ chức thứ 10 và những người quan tâm đến giải thưởng âm nhạc này đều là những người đề cao tính chuyên môn trong âm nhạc hơn.
Cái mà tôi muốn nhấn rõ trong chương trình này là tính chuyên môn, chuyên môn trong dàn nhạc, chuyên môn trong các tiết mục biểu diễn.
Nhạc sĩ Đức Trí
* Ngoài chất trẻ thì năm nay cũng chứng kiến sự nổi trội của dòng nhạc đỏ. Vậy với chủ đề "nhạc yêu nước" hay "nhạc đỏ" anh sẽ làm thế nào để nó khỏi khô khan hoặc mang tiếng "cúng cụ"?- Thật ra những bài nhạc đỏ sẽ diễn trong đêm trao giải không phải là nhạc cách mạng mà là những bài yêu nước trong giai đoạn hiện nay nhiều hơn. Ví dụ như
Tổ quốc gọi tên mình hay
Nơi đảo xa. Đó là những bài mang tính thời sự rất rõ và khơi gợi lòng yêu nước của lớp trẻ hôm nay. Nó được đón nhận và được lan rộng trong xã hội.
Nên vì thế về mặt âm nhạc tôi không nghĩ mình sẽ phải thay đổi điều gì cả vì tính hùng tráng, yêu nước đã có sẵn rồi. Bên cạnh đó, những bài hát như vậy đã có nhạc tính rất cao, và khi hát lên tôi tin rằng nó sẽ không khô khan hay “cúng cụ” gì cả.
* Những năm trước anh từng dùng cả dàn nhạc giao hưởng TPHCM để dựng chương trình nhưng năm nay, quân số có vẻ ít đi. Chắc hẳn anh đã có những ý tưởng dàn dựng trong lễ trao giải tới đây? - Một dàn nhạc đông không có nghĩa là sẽ hoành tránh. Sự hoành tráng là do cách dàn dựng chương trình. Biên chế ban nhạc vẫn đầy đủ nhưng do không gian của Nhà hát TP.HCM không lớn như lần tổ chức 2 năm trước ở Nhà hát Hòa Bình nên số lượng sẽ phải giảm đi.
Nhưng tôi tin âm nhạc vẫn rất chất lượng. Chẳng hạn như năm nay trong dàn nhạc tôi sẽ làm đậm phần brass (dàn đồng) với 4 cây kèn để khai thác tính hùng tráng trong âm nhạc, đặc biệt là với những ca khúc yêu nước.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa