26/06/2022 10:43 GMT+7 | Tin tức 24h
Theo Bộ Y tế, tiếp tục nhiều ngày trôi qua, nước ta không có ca COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO; đồng thời không có F0 tử vong; Biến thể phụ BA.5 ghi nhận ở nhiều quốc gia; Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Nhiều ngày trôi qua, nước ta không có bệnh nhân COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO
Theo Bộ Y tế, ngày 25/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 657 ca nhiễm mới đều ở trong nước (tăng 4 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 512 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn nhiều nhất với 169 ca, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó, thứ 2 là Bắc Ninh; 34 tỉnh, thành khác chỉ ghi nhận từ 1- dưới 50 ca COVID-19/ ngày; trong đó 18 tỉnh, thành dưới 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 677 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.742.891 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.484 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.735.124 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.604.861), TP. Hồ Chí Minh (609.986), Nghệ An (485.510), Bắc Giang (387.719), Bình Dương (383.796).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.642.514 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 34 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 25 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca. Đã nhiều ngày trôi qua, nước ta không có bệnh nhân COVID-19 nặng đến mức phải can thiệp ECMO, trong khi giai đoạn trước đó có thời điểm lên đến vài chục ca ECMO.
Theo thống kê đến nay cả nước còn khoảng 22 triệu liều vaccine phòng COVID-19 chưa phân bổ; trong thời gian gần đây, tiến độ tiêm chủng vaccine của các địa phương đã đẩy nhanh hơn, tuy nhiên vẫn còn chậm.
Các chuyên gia cho rằng số mắc COVID-19 trong thời gian qua ở nước ta có xu hướng giảm mạnh. Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.
Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Đồng thời trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã liên tục có các cuộc họp và văn bản thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống giáo dục…trong việc vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phát động Chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn quốc, đi đầu, gương mẫu trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo.
Thái Bình/suckhoedoisong.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất