16/05/2022 15:57 GMT+7 | Tin tức 24h
Trong bối cảnh lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đã bắt đầu đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Đồng thời, xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na), các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga, biện pháp phong tỏa để phòng dịch tại Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại về triển vọng của nền kinh tế.
Chuyên viên phân tích chiến lược đầu tư Ross Mayfield tại ngân hàng đầu tư Baird (Mỹ) nhận định rằng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, các nhà đầu tư phải đối mặt với cả áp lực tăng lãi suất từ Fed và lạm phát. Điều này đã dẫn đến xu hướng bán tháo trên cả thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Trong khi lãi suất tăng mà giá trái phiếu lại giảm, trái phiếu không còn duy trì sức hấp dẫn của kênh đầu tư trú ẩn khi thị trường chứng khoán giảm giá.
Chaguir Mandjee, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Tailor (Pháp), cho rằng tình hình bất ổn liên quan đến lạm phát kéo dài và triển vọng toàn cầu sẽ làm tăng thêm những thách thức trong môi trường đầu tư.
Các nhà đầu tư cá nhân cũng chia sẻ những lo lắng về tình hình hiện tại. Một nhà đầu tư cá nhân trên diễn đàn trao đổi Reddit lo ngại rằng sự sụp đổ của thị trường lần này sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2008 và hiện tại anh ta đang tìm cách chuyển vốn đầu tư sang tiền mặt và các kim loại quý.
Greg McBride, giám đốc phân tích tại công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate (Mỹ), cũng đồng ý rằng nhiều nhà đầu tư đang bán dần các tài sản khác và nắm giữ tiền mặt, mặc dù thực tế là lạm phát sẽ khiến đồng tiền bị mất giá.
Tình hình hiện nay không giống như giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo ông McBride, các lựa chọn phổ biến khác dành cho nhà đầu tư có thể là quỹ thị trường tiền tệ, có thể bảo vệ nhà đầu tư khỏi những biến động của thị trường chứng khoán nhưng mang lại ít lợi nhuận, hoặc gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Các lựa chọn an toàn vốn ít được nhà đầu tư chú ý trong những năm gần đây do lãi suất thấp - thường dưới 0,5%/năm.
Chuyên gia phân tích Anwiti Bahuguna của công ty quản lý tài sản Columbia Threadneedle (Mỹ) cũng dự đoán sự trượt dốc của thị trường trái phiếu. Bà cho rằng, trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường hàng hóa, với khả năng tiếp cận dễ dàng hơn cả với nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân. Kim loại quý, năng lượng, nông sản… đều đang được coi là kênh đầu tư hàng đầu để chống lại lạm phát.
Các quỹ chỉ số (ETF) - là quỹ giao dịch trao đổi theo dõi giá của hàng hóa hoặc một số công ty cụ thể - đã có mức tăng ấn tượng kể từ đầu năm, trên 30%.
Nhưng những kênh đầu tư phổ biến này cũng đang có xu hướng “hạ nhiệt” sau khi đã đạt mức cao kỷ lục. Nguyên nhân chủ yếu là sự kết thúc của kỷ nguyên tín dụng giá rẻ, bên cạnh đó, “bóng ma” suy thoái kinh tế cũng gây áp lực đối với nhu cầu nguyên liệu thô. Giá cà phê, đồng, niken và bạc đều giảm sau khi ghi nhận mức tăng mạnh từ đầu năm. Giá vàng, vốn được coi là "hàng rào" chống lạm phát, cũng đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây.
Ngoài kênh đầu tư hàng hóa, ông McBride cho rằng bất động sản cũng là một lựa chọn đầu tư mang tính dài hạn. Theo Hiệp hội các Nhà môi giới bất động sản Mỹ, kể từ năm 2019 (trước khi đại dịch bùng phát) đến nay giá nhà trung bình đã tăng 39% nhờ lãi suất thế chấp thấp và đà tăng nhanh vẫn đang tiếp tục.
Gregg Love, một nhà đầu tư nhỏ, thông qua trang web Rally để giao dịch các đồ vật phẩm có giá trị, tiền ảo cùng những vật phẩm khác. Chỉ trong hai năm, số vốn của anh ấy đã tăng 30%.
Joan Robledo-Palop, người sáng lập Phòng trưng bày nghệ thuật đương đại Zeit, cũng giải thích rằng thị trường sưu tập nghệ thuật đã nóng lên khi ngày càng nhiều người coi các tác phẩm nghệ thuật như một “hàng rào” chống lạm phát.
Mai Ly (Theo AFP)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất