11/10/2018 20:10 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Phiên bán tháo cổ phiếu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/10 đã gây ra những chấn động rất mạnh tại các thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu. Theo giới phân tích, đây mới chỉ là sự khởi đầu trong bối cảnh nền thế giới đang đứng trước nhiều rủi ro khó lường thời gian qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 mất 915,18 điểm (3,89%) xuống 22.590,86 điểm. Trên thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 98,94 điểm (4,44%) xuống 2.129,67 điểm. Trong lúc tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 lùi 2,4% xuống 5.906 điểm.
Còn tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chính là Thượng Hải và Hong Kong xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu "ảm đạm".
Chỉ số Hang Seng giảm 926,70 điểm (3,54%) và đóng cửa ở mức 25.266,37 điểm. Còn ở Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite mất 142,38 điểm (5,22%), khép phiên ở mức 2.583,46 điểm. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,7% xuống mức thấp nhất trong 19 tháng.
Tại châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính cũng đều mất điểm trong ngày 11/10. Tại London, chỉ số FTSE giảm 1,4% xuống 7.049,31 điểm. Trong khi trên sàn giao dịch Frankfurt của Đức và Paris của Pháp, chỉ số DAX 30 và CAC 40 sụt mất 1,3% và 1,5% xuống lần lượt 11.558,98 điểm và 5.128,22 điểm.
Chuyên gia kinh tế Jingyi Pan thuộc công ty IG Market nhận định việc bán tháo cổ phiếu ở nhóm công nghệ và công nghiệp trên thị trường chứng khoán Mỹ đã làm lung lay niềm tin của nhiều nhà đầu tư châu Á, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực như Thượng Hải hay Hong Kong vốn đang khó khăn.
Trong khi đó, ông Hao Hong, phụ trách nghiên cứu tại Ngân hàng đầu tư Bocom International, cho rằng thị trường chứng khoán Hong Kong thường nhạy cảm với những biến động của lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.
Theo giới chuyên gia, các cổ phiếu công nghệ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi đây là một trong những cố phiếu được định giá cao nhất trên thị trường chứng khoán theo thước đo của các nhà đầu tư. Do vậy, sẽ là dễ hiểu nếu như tâm lý các nhà đầu tư hoang mang, họ sẽ rũ bỏ gánh nặng này và chuyển sang tài sản ít rủi ro hơn.
Giám đốc đầu tư về các cổ phiếu châu Á tại Fidelity International Medha Samant cho hay vẫn có một số lý do khác khiến các nhà đầu tư châu Á không an tâm, trong đó có việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên và căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều công ty châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào thương mại và hội nhập quá sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đa số các doanh nghiệp này cũng như nhiều chính phủ ở châu Á vẫn phải gánh các khoản nợ bằng USD. Điều này sẽ khiến việc trả nợ gặp khó khăn khi đồng USD mạnh lên.
Ông Banny Lam, phụ trách nghiên cứu tại Công ty đầu tư quốc tế CEB, khẳng định những xáo trộn trên thị trường chứng khoán vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu. Ông Lam cho rằng bong bóng công nghệ Mỹ sẽ mất một khoảng thời gian để bùng nổ và vẫn còn tồn tại nhiều biến động bên ngoài như cuộc chiến thương mại, rủi ro từ đồng nội tệ của các thị trường đang nổi và giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, chuyên gia này dự đoán thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn chưa đạt đến mức độ khủng hoảng, đồng thời nhấn mạnh các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao sự biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT).
Trong khi đó, người đứng đầu mảng nghiên cứu ứng dụng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Axioma, ông Olivier d’Assier, nhận định tình hình thương mại toàn cầu hiện nay sẽ không thay đổi cho đến khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết bất đồng thương mại.
Chuyên gia này cảnh báo đối với thị trường mới nổi, sự sụt giảm thị trường chứng khoán Mỹ, lãi suất cơ bản của Mỹ tăng cao, đồng USD mạnh lên khiến những nước này phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Thanh Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất