02/12/2021 22:40 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Sức khỏe của 26 học sinh phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Thanh Hóa đã ổn định
Tối 2/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 30/11 đến ngày 2/12, trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố ở Thanh Hóa đã tiến hành tiêm vaccine Pfizer mũi 1 cho nhóm tuổi từ 15 đến 17 tuổi. Trong 3 ngày tiêm, tại một số địa phương đã có 895 học sinh xảy ra phản ứng sau tiêm, trong đó có 26 em phản ứng nặng.
Cụ thể tại huyện Hoằng Hóa có 119 em có phản ứng nhẹ sau tiêm, huyện Quảng Xương 136 em, huyện Nga Sơn 73 em, huyện Như Thanh 40 em, thị xã Nghi Sơn 35 em, huyện Hà Trung 91 em, Thành phố Thanh Hóa… Tại các địa phương khác như: Bá Thước, Hậu Lộc, Ngọc Lặc, Nông Cống, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, thành phố Sầm Sơn đều ghi nhận từ 10-30 em có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là phản ứng buồn nôn, khó thở, sốt cao, co giật…
Đáng lưu ý, có 26 trường hợp phản ứng nặng, trong đó có 5 em tại huyện Vĩnh Lộc, 5 em tại huyện Thọ Xuân, 3 em tại huyện Hậu Lộc, 3 em tại thị xã Nghi Sơn, 2 em tại thị xã Bỉm Sơn, 2 em tại huyện Hà Trung… Đến tối 2/12, sức khỏe của 26 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm này đã ổn định và các em vẫn đang được tiếp tục theo dõi tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Cũng theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, quá trình tiêm có một số phản ứng với các biểu hiện sưng đau chỗ tiêm, buồn nôn, chóng mặt thoáng qua là những phản ứng thông thường. Hiện 869 em có phản ứng nhẹ đều đã ổn định sức khỏe và tiếp tục được theo dõi tại gia đình.
Như TTXVN đã đưa tin, trong 3 ngày từ 30/11 đến 2/12, tỉnh Thanh Hoá đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho các đối tượng là trẻ từ 12 -17 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng 82.398 liều và số chưa sử dụng là 36.960 liều. Trong ngày 3 và 4/12, tại các địa phương chưa tiêm hoặc chưa tiêm hết vaccine cho trẻ như Quan Sơn, Thường Xuân, Đông Sơn, Như Xuân… sẽ tiếp tục tổ chức tiêm cho trẻ theo đúng kế hoạch.
Ngành y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan huy động tối đa các lực lượng đủ điều kiện, năng lực tổ chức tiêm chủng để tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Số ca mắc COVID-19 cao hơn 6,5 lần so với đỉnh dịch vào tháng 7/2021
Tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre chiều 2/12, ông Nguyễn Hữu Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 7 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, trung bình 416 ca/ngày, cao hơn 6,5 lần so với đỉnh dịch tháng 7/2021 (dưới 55 ca/ngày). Hiện toàn tỉnh không còn địa phương "màu xanh", tương ứng cấp độ 1 - "nguy cơ thấp".
Theo đó, số ca bệnh tăng ở tất cả các huyện/thành phố; trong đó tăng cao nhất là huyện Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và thành phố Bến Tre. Các ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng chiếm đến 59,7%, khu công nghiệp là 27,3%, khu cách ly là 9%,... Hiện toàn tỉnh có 2/9 đơn vị hành chính cấp huyện đang ở cấp độ 4 – "nguy cơ rất cao" và 7 đơn vị còn lại ở cấp độ 3 – "nguy cơ cao". Đối với cấp xã có 37 xã thuộc cấp độ 4, 80 xã ở cấp độ 3, 40 xã ở cấp độ 2.
Đến chiều 2/12, toàn tỉnh ghi nhận 8.718 ca mắc COVID-19, trong đó 69 trường hợp tử vong. Hiện địa phương đang điều trị cho 3.090 bệnh nhân (trong đó có 300 bệnh nhân đang điều trị tại nhà ở 4 huyện như thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày). Trong số các bệnh nhân điều trị, có 53,3% bệnh nhân đã tiêm đủ 2 liều vaccine, 24,89% bệnh nhân đã tiêm 1 mũi, 20,94% chưa tiêm vaccine, 0,87% chưa rõ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều ổ dịch trong cộng đồng và các cơ sở lao động, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các cơ sở điều trị F0 không triệu chứng tại địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nặng, chuyển viện sớm - kịp thời; đồng thời các ổ dịch khoanh vùng dập dịch sớm, triệt để, không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, các cơ sở theo dõi chặt chẽ sức khỏe người lao động, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng và thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Sở Y tế; tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Theo ông Nguyễn Hữu Định, cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ COVID cộng đồng trong việc quản lý F1 cách ly tại nhà; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để phát hiện người ngoài tỉnh về, khai báo y tế, thực hiện nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, liên hệ ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng để được tư vấn, hướng dẫn. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, bổ sung vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình huống số ca mắc tăng cao; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là đối tượng trên 50 tuổi...
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, đến nay Bến Tre đã phủ một mũi vaccine phòng COVID-19 cho trên 1 triệu người dân từ 18 tuổi trở lên, chiếm 96,21%; trong đó hơn 709 nghìn người dân đã tiêm đủ 2 mũi (chiếm 68,10%). Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiêm mũi 1 cho 36.259 học sinh trung học phổ thông (chiếm 97,8%) và 42.352 học sinh trung học cơ sở.
Hà Nội liên tiếp lập kỷ lục: 509 ca nhiễm mới, có 233 ca cộng đồng
Hà Nội vừa ghi nhận số ca mắc kỷ lục trong 24 giờ: Tất cả quận/huyện/thị xã đều có ca mới, tổng phát hiện 509 người mắc COVID-19, trong đó có 233 ca cộng đồng.
Bản tin COVID-19 Hà Nội tối 2/12, thông báo 24 giờ qua phát hiện 509 ca COVID-19 mới, cao hơn hôm qua 40 ca. Trong số này có 233 ca cộng đồng, 198 ca trong khu cách ly và 78 ca trong khu phong tỏa.
Trong 5 ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận trên 300 ca nhiễm mới và hơn 200 ca cộng đồng mỗi ngày. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay ở Thủ đô, cũng là ngày đầu tiên ghi nhận 100% quận/huyện/thị xã đều phát hiện ca mới.
233 ca cộng đồng phân bố tại 118 xã/phường/thị trấn thuộc 29/30 quận huyện: Đống Đa (52), Gia Lâm (20), Sóc Sơn (15), Thanh Xuân (14), Hà Đông (12), Bắc Từ Liêm (11), Hoài Đức (11), Thường Tín (10), Ba Đình (9), Thanh Trì (9), Mỹ Đức (8), Hoàn Kiếm (7), Nam Từ Liêm (7), Chương Mỹ (6), Đan Phượng (6), Phúc Thọ (5), Thanh Oai (5), Hai Bà Trưng (4), Quốc Oai (4), Hoàng Mai (3), Mê Linh (3), Tây Hồ (3), Long Biên (2), Ứng Hòa (2), Ba Vì (1), Cầu Giấy (1), Đông Anh (1), Thạch Thất (1), Sơn Tây (1).
Ngày 2/12: Có 13.698 ca mắc COVID-19, TP HCM vẫn nhiều nhất với 1.738 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 2/12 của Bộ Y tế cho biết có 13.698 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố, TP HCM vẫn nhiều nhất với 1.738 ca; Trong ngày có 13.258 ca khỏi và 210 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam
Tính từ 16h ngày 01/12 đến 16h ngày 02/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước (giảm 829 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.738), Cần Thơ (985), Tây Ninh (768), Sóc Trăng (747), Bà Rịa - Vũng Tàu (637), Đồng Tháp (606), Vĩnh Long (594), Bến Tre (507), Bình Thuận (502), Hà Nội (499), Cà Mau (496), Bạc Liêu (492), Đồng Nai (475), Bình Phước (472), Bình Dương (414), Kiên Giang (405), Khánh Hòa (394), Hậu Giang (296), An Giang (271), Trà Vinh (202), Lâm Đồng (197), Tiền Giang (176), Bình Định (169), Thừa Thiên Huế (143), Hà Giang (120), Thanh Hóa (94), Bắc Ninh (94), Thái Nguyên (87), Đắk Nông (86), Đà Nẵng (82), Long An (81), Nghệ An (69), Ninh Thuận (68), Quảng Nam (66), Nam Định (63), Đắk Lắk (58), Hưng Yên (55), Hòa Bình (47), Phú Yên (44), Hải Dương (39), Quảng Ngãi (38), Hải Phòng (37), Tuyên Quang (33), Lạng Sơn (29), Gia Lai (27), Thái Bình (26), Vĩnh Phúc (24), Phú Thọ (20), Bắc Giang (19), Quảng Ninh (16), Quảng Bình (15), Quảng Trị (14), Cao Bằng (12), Yên Bái (8 ), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Kon Tum (5), Sơn La (2), Điện Biên (1), Bắc Kạn (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-284), Bình Dương (-228), Bà Rịa - Vũng Tàu (-119).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (+80), Bến Tre (+88), TP HCM (+83).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.568 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.846 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.261.035 ca, trong đó có 1.002.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (473.871), Bình Dương (283.287), Đồng Nai (88.230), Long An (38.404), Tây Ninh (30.125).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.258 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.005.310 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.600 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.387 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.359 ca
- Thở máy không xâm lấn: 162 ca
- Thở máy xâm lấn: 677 ca
- ECMO: 15 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 01/12 đến 17h30 ngày 02/12 ghi nhận 210 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (80) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (23), Cần Thơ (16), An Giang (14), Kiên giang (12), Long An (11), Tây Ninh (8), Bình Dương (8), Tiền Giang (8), Bạc Liêu (6), Đồng Tháp (5), Sóc Trăng (4), Bình Thuận (3), Khánh Hoà (2), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 179 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 193.475 xét nghiệm cho 392.175 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.514.129 mẫu cho 68.989.197 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 01/12 có 1.714.026 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 125.164.684 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 72.427.696 liều, tiêm mũi 2 là 52.736.988 liều.
Lập chốt phong toả khu tập thể Nguyễn Công Trứ do liên quan đến hàng chục ca F0
Lực lượng chức năng phường Phố Huế đã lập chốt, hạn chế người dân ra vào khu tập thể Nguyễn Công Trứ để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng đến nay có tổng 60 ca F0. UBND phường Phố Huế đã ban hành quyết định cách ly y tế đối với toàn bộ người dân sống tại các dãy nhà H3, H4, H5, B1 tập thể Nguyễn Công Trứ và toàn bộ khu vực chợ xanh Nguyễn Công Trứ, các kiot tại đường ngang II, các kiot tại chợ đồ điện đường ngang I.
Lực lượng chức năng đã lập hàng rào tạm thời phong toả nhiều con ngõ thuộc phố Nguyễn Công Trứ thuộc phường Phố Huế. Người dân được lực lượng chức năng yêu cầu không được rời khỏi nơi cư trú cho tới khi có thông báo mới.
Bến Tre: Thêm 439 ca mắc COVID-19, trong đó 431 ca cộng đồng
Từ 18 giờ ngày 1/12 đến 11 giờ ngày 2/12/2021, tỉnh Bến Tre có 439 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 8.697 ca. Trong đó có 3.996 ca ra viện, 69 ca tử vong.
Trong số ca mắc, có 418 ca ghi nhận trong tỉnh gồm: 410 ca tại cộng đồng, 8 ca khu cách ly; ngoài tỉnh 21 ca cộng đồng
Tính đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Bến Tre đạt 96,21%, trong đó 68,10% tiêm đủ 2 mũi, riêng trẻ từ 12-17 tuổi đạt 78,48% kế hoạch.
Tỉnh lập mới 2 chốt phong tỏa (Mỏ Cày Bắc); giải tán 3 chốt phong tỏa (Ba Tri 2, Chợ Lách 1) và 3 điểm kiểm soát, hướng dẫn khai báo y tế (Ba Tri). Lập mới 2 khu cách ly tập trung (Chợ Lách); giải tán 1 khu cách ly tập trung (Giồng Trôm).
Có 181 tổ tuyên truyền, tuần tra phòng chống dịch. Lực lượng tuần tra, kiểm tra 182 cuộc, nhắc nhở 115 lượt người dân, 21 cơ sở kinh doanh.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao, Cà Mau tăng cường các biện pháp phòng dịch
Liên tiếp những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau gia tăng, đáng quan tâm là số ca ghi nhận mới trong cộng đồng vẫn chưa ‘‘hạ nhiệt’’. Riêng ngày 1/12, trong số 507 ca mắc mới, có đến 259 ca phát hiện trong cộng đồng. Đây là con số cao nhất so thời điểm từ khi xảy ra dịch cho đến nay tại địa phương này.
Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang trở thành ‘‘điểm nóng’’ do có nhiều ca mắc COVID-19 gồm: Thành phố Cà Mau 186 ca, tập trung ở địa bàn 9 phường và 6 xã; huyện Cái Nước 23 ca, tập trung tại 6 xã và thị trấn Cái Nước; huyện U Minh 15 ca, tập trung tại 3 xã và thị trấn U Minh; huyện Trần Văn Thời có 9 ca, tập trung tại 5 xã; huyện Năm Căn 8 ca tập trung thị trấn Năm Căn. Các huyện Thới Bình, Phú Tân, Ngọc Hiển, Đầm Dơi tuy có số ca mắc trong cộng đồng không nhiều nhưng nếu địa phương chủ quan, không kịp thời khoanh vùng, dập dịch, nguy cơ số ca mắc mới sẽ tăng cao.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, số ca mắc ghi nhận tại tỉnh từ đầu năm đến sáng 2/12 là 9.720 ca. Dự báo số ca mắc mới còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, Ban Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là chủ động ứng phó với biến thể Omicron.
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, tỉnh chuẩn bị kịch bản để chủ động ứng phó với biến thể Omicron. Giải pháp ưu tiên trong thời điểm hiện nay đó là phải kiềm chế số ca mắc COVID-19, không để xảy ra quá tải ở các bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển nặng, nguy kịch, tử vong.
Theo đó, ngành Y tế cần làm thật tốt công tác sàng lọc, phân loại bệnh, chủ động thu dung điều trị tại cơ sở; phát huy tốt mô hình quản lý, cách ly, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
UBND tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, không được chủ quan, lơ là trong phòng dịch COVID-19 cũng như biến thể Omicron.
Dịch bệnh trong tình hình hiện nay vẫn ở trong tầm kiểm soát. Do vậy, người dân trên địa bàn không nên quá lo lắng trước biến thể mới. cần thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Tỉnh yêu cầu ngành Y tế, UBND các huyện, thành phố Cà Mau đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng tiêm phủ mũi 2 và mũi 3 càng sớm càng tốt.
86 học sinh ở Thanh Hóa có phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng đã được xuất viện
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa, liên quan đến sự việc 86 học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện có phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 phải nhập viện theo dõi trong ngày 1/12, đến 10 giờ ngày 2/12, tất cả các cháu đã xuất viện về nhà, sức khỏe ổn định.
Trong ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh từ 15-17 tuổi tại 37 xã, thị trấn. Trong ngày tiêm đầu tiên, địa phương đã tiêm được 5.227 liều cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi và ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi. Các học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh... Sau khi được đưa vào các cơ sở y tế trên địa bàn gồm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa, Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến, Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng và được lực lượng y, bác sĩ can thiệp kịp thời, sức khỏe và tâm lý của các cháu đã trở lại bình thường.
Trong ngày 1/12 tại một số điểm tiêm trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn cũng xuất hiện một số trường hợp học sinh có phản ứng sau tiêm, trong đó có cả trường hợp sốc phản vệ độ 1 xử lý Adrenalire. Tuy nhiên, tất cả đều được xử trí kịp thời, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.
Trong chiều 2/12, tại huyện Hoằng Hóa, công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch. Ngành y tế huyện Hoằng Hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thực hiện tốt bảo đảm quy chế an toàn tiêm chủng cũng như an toàn dây chuyền lạnh; đồng thời thực hiện tốt công tác sàng lọc và tuân thủ 5K tại các điểm tiêm.
Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong 2 ngày 1 và 2/12, tỉnh Thanh Hóa đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Do các đối tượng tiêm chủng chủ yếu là học sinh tại các trường Trung học Phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nên các địa phương đều bố trí các điểm tiêm lưu động tại các trường học. Riêng học sinh có bệnh lý nền sẽ được tổ chức tiêm tại cơ sở y tế.
Tại tất cả các điểm tiêm đều bố trí tổ cấp cứu y tế thường trực trong suốt quá trình tiêm với đầy đủ thiết bị, thuốc, phương tiện... để xử trí kịp thời các tình huống bất lợi sau tiêm; trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tiêm chủng tại các địa phương.
Hà Nam ghi nhận hơn 1.400 ca mắc COVID-19 trong đợt dịch mới
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam vừa ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó có 3 bệnh nhân liên quan đến trường hợp trở về từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; 5 trường hợp tại Bệnh viện Dã chiến số 1 Lam Hạ và F1 của các bệnh nhân đã phát hiện trước đó.
Kể từ khi ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9 đến sáng 2/12, Hà Nam ghi nhận 1.406 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.
Đến nay, đã có 1.208 ca mắc COVID-19 tại Hà Nam khỏi bệnh và ra viện. Các bệnh nhân còn lại đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo phân tích dịch tễ, các ca bệnh được phát hiện tập trung chủ yếu ở TP Phủ Lý với 682 trường hợp. Tiếp theo là huyện Thanh Liêm 131 trường hợp; huyện Kim Bảng 64 trường hợp; Bình Lục 71 trường hợp; huyện Lý Nhân 52 trường hợp và huyện Duy Tiên 51 trường hợp.
Ngoài ra có 187 ca bệnh ghi nhận trong khu công nghiệp và 120 F0 phát hiện tại các công ty, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Hiện Hà Nam còn 2.179 F1 đang cách ly y tế (trong đó 439 người đang cách ly tập trung và 1.740 người cách ly tại nhà).
Kon Tum: Khẩn tìm bệnh nhân COVID-19 vượt rào trốn khỏi bệnh viện dã chiến trong đêm
Ngày 1/12, Sở Y tế tỉnh Kon Tum thông báo khẩn tìm bệnh nhân COVID-19 trốn khỏi Bệnh viện Dã chiến số 1 tại thành phố Kon Tum.
F0 này là Lê Văn B. (sinh năm 1986, quê ở xã Nham Sơn (huyện Tiên Dũng, tỉnh Bắc Giang), nhập viện điều trị ngày 24/11/2021.
Khoảng 0h55 cùng ngày, B. vượt rào bỏ trốn khỏi Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Kon Tum. Lúc trốn viện, B. mặc áo thun xám trắng dài tay, quần đùi cộc màu đen, cầm theo một túi màu trắng, chân đi khập khiễng do vết thương bệnh nhân tự đâm ở đùi phải.
Lực lượng chức năng đề nghị người dân nếu phát hiện bệnh nhân Lê Văn B. thì thông tin ngay đến chính quyền địa phương hoặc Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh Kon Tum.
Theo đại diện Sở Y tế Kon Tum, hiện cơ quan chức năng vẫn đang phối hợp để truy tìm bệnh nhân, tránh việc lây nhiễm ra cộng đồng
Trong ngày 1/12/2021, tỉnh Kon Tum ghi nhận 411 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 367 ca phát hiện tại các cơ sở, các nơi cách ly và 44 ca phát hiện tại cộng đồng.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 172 ca
Bộ Y tế cho biết, đến nay có hơn 992.000 ca COVID-19 được chữa khỏi; Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trước biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 23 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.252.590 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.707 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.247.358 ca, trong đó có 989.235 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (472.133), Bình Dương (282.873), Đồng Nai (87.755), Long An (38.323), Tiền Giang (29.357).
Ngày 1/12, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 992.052 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.497 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.239 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.393 ca; Thở máy không xâm lấn: 177 ca; Thở máy xâm lấn: 674 ca; ECMO: 14 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 172 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.448 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.320.654 mẫu cho 68.597.022 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 123.442.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.736.491 liều, tiêm mũi 2 là 51.706.429 liều.
Vĩnh Phúc: Nhiều F0 liên quan đám cưới, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng rất phức tạp vì liên quan đến đám cưới có nhiều người từ các địa phương khác tới tham dự.
Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, trong ngày 1/12, Vĩnh Phúc ghi nhận 26 ca mắc mới, trong đó có 16 ca đã cách ly tập trung, 6 ca tại cộng đồng và 4 ca tại khu vực phong tỏa.
Về phân loại cấp độ dịch COVID-19, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thuộc cấp độ 2; 7/9 đơn vị cấp huyện thuộc mức độ 1 (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo) 2/9 đơn vị cấp độ 3 (Yên Lạc, Vĩnh Tường); 103/136 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 1, 26/136 đơn vị cấp 2, 5/136 đơn vị cấp độ 3 và 2/136 đơn vị thuộc cấp độ 4.
Tại thị trấn Hợp Châu (huyện Tam Đảo) đã phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 toàn dân do trên địa bàn xuất hiện F0 trong đám cưới. Ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại đám cưới trên địa bàn, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tam Đảo đã khẩn trương khoanh vùng, xét nghiệm toàn bộ người dân tổ dân phố Sơn Long, thị trấn Hợp Châu và những trường hợp có tiếp xúc, liên quan đến ca bệnh.
Tính đến sáng 1/12, huyện đã rà soát, xác định 214 trường hợp F1, trong đó, có 97 trường hợp là ngoài địa bàn tổ dân phố Sơn Long; lấy mấu test nhanh 907 trường hợp cho người dân tổ dân phố Sơn Long và lấy 166 mẫu xét nghiệm CT-PCR là các trường hợp F1, F2 có tiếp xúc gần với 2 ca F0 trên. BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tam Đảo nhận định, đây là những ca bệnh phát hiện trong cộng đồng rất phức tạp vì liên quan đến đám cưới có nhiều người từ các địa phương khác tới tham dự, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Hiện BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 huyện đang khẩn trương rà soát các trường hợp liên quan để xét nghiệm tầm soát, khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Thị trấn Hợp Châu đã phong tỏa toàn bộ tổ dân phố Sơn Long, lập 6 chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào tổ dân phố. Các trường học trên địa bàn thị trấn đã tạm dừng dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy học trực tuyến đối với các khối tiểu học và THCS.
Trước tình hình nhiều ca bệnh dương tính với COVID-19 và các trường hợp F1, F2 có tiền sử dịch tễ liên quan đến việc tham gia đám cưới, đám tang…, mới đây, Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc đã có hướng dẫn cấp bách tạm thời "Thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, hướng dẫn cụ thể đối với việc cưới, việc tang cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của tỉnh và hướng dẫn "5K" của Bộ Y tế, luôn giữ khoảng cách giữa các bàn, người giữa các bàn không tiếp xúc gần nhau. Rút ngắn thời gian tổ chức lễ cưới trong 1 ngày; địa bàn có dịch ở cấp độ 1 không tập trung quá 50 người/cùng một thời gian/địa điểm; địa bàn có dịch ở cấp độ 2 không tập trung quá 50 người/đám cưới.
Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3, tuyên truyền vận động các gia đình điều chỉnh thời gian tổ chức lễ cưới vào thời điểm thích hợp khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch hoặc địa bàn đã ổn định. Đối với địa bàn có dịch cấp độ 4, tuyên truyền vận động nhân dân dừng tổ chức lễ hỏi, lễ cưới, tiệc cưới tới thời điểm phù hợp khi cơ quan có thẩm quyền đã công bố hết dịch hoặc địa bàn ổn định trở lại. Khuyến khích các gia đình sử dụng hình thức báo hỷ, tiệc trà, tiệc ngọt.
Người tham dự lễ cưới, đám tang phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (trong vòng 6 tháng) theo quy định của Bộ Y tế. Người thuộc diện cách ly hoặc có triệu chứng nghi mắc COVID-19 không tham dự. Gia đình ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương.
Địa điểm tổ chức lễ cưới, lễ tang đảm bảo thông thoáng, tăng cường không khí, hạn chế sử dụng điều hòa. Không tổ chức ăn uống tại lễ tang, lễ 49 ngày, 100 ngày... Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng. Tuyên truyền, vận động người dân rút ngắn thời gian tổ chức lễ tang (không để thi hài trong nhà quá 24 giờ). Hạn chế tối đa số người tham dự lễ tang, địa bàn có dịch cấp độ 1, 2, các đoàn vào thăm viếng mỗi đoàn không quá 5 người; dịch ở cấp độ 3, 4, mỗi đoàn không quá 3 người, khoảng cách giữa các đoàn phải đảm bảo tối thiểu 2m...
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất