16/04/2021 22:31 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo tình hình đại dịch COVID-19 đang "rất nghiêm trọng", đồng thời kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trước quốc hội ngày 16/4, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Tình hình đang rất nghiêm trọng và tất cả chúng ta cũng phải xem xét rất nghiêm túc. Làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang hoành hành trên cả nước". Bà kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ và nhanh chóng thông qua dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm, theo đó sẽ bắt buộc các quận/huyện/thành phố có chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân phải "hãm phanh khẩn cấp". Cụ thể là áp đặt các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo như lệnh giới nghiêm ban đêm (từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau), đóng tất cả các cửa hàng bán lẻ (vẫn cho phép bán đồ ăn mang đi) và cơ sở giải trí, hạn chế tiếp xúc tối đa (chỉ cho phép những người trong cùng một hộ gia đỉnh được gặp một người ngoài),... Trong số này, việc hạn chế tiếp xúc đối với các cuộc gặp cá nhân ở trong và ngoài nhà được xem là công cụ hiệu quả nhất để giảm số ca lây nhiễm mới.
Thủ tướng Merkel nêu rõ ở thời điểm hiện nay, điều quan trọng là phải có khả năng phản ứng nhanh chóng và thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc thông qua các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhằm làm chậm tốc độ lây lan của làn sóng dịch bệnh thứ 3. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sức mạnh tổng thể của chính quyền liên bang, các bang và các địa phương. Nhà lãnh đạo Đức cũng kêu gọi không "bỏ mặc" các y, bác sĩ vốn đang căng mình chống dịch, những người đã kêu gọi giới chức phải nhanh chóng hành động, không để đại dịch lan tràn khiến hệ thống y tế bị quá tải. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh nếu chỉ có các nhân viên y tế thì sẽ không thể chiến thắng được làn sóng lây nhiễm thứ 3, dù họ được trang bị hệ thống máy móc y tế tốt nhất và nỗ lực hết sức cho cuộc chiến chống đại dịch. Bà khẳng định cả nước Đức cần phải chống dịch quyết liệt hơn nữa.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Merkel đưa ra khi Quốc hội Đức bắt đầu phiên tranh luận đầu tiên về việc sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm. Cho đến nay, các bang có quyền tự quyết định về biện pháp và quy mô các biện pháp ngăn chặn đại dịch, phần lớn dựa trên các nghị quyết được người đứng đầu chính phủ và các bang thông qua. Theo dự luật trên, nếu trong 3 ngày liên tiếp, chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân thì biện pháp "hãm phanh khẩn cấp" được tự động kích hoạt ở mọi địa phương trên cả nước, trong khi sau 5 ngày liên tiếp chỉ số ở mức dưới 100 thì biện pháp sẽ được tự động dỡ bỏ. Dự luật cần phải được quốc hội phê chuẩn để có hiệu lực.
Hiện số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực ở Đức đang ngày càng tăng mạnh. Theo số liệu từ hệ thống các cơ sở y tế chăm sóc tích cực, số bệnh nhân thuộc diện này đã lên tới 4.740 người, trong đó có 2.708 bệnh nhân phải sử dụng máy trợ thở. Đây là số bệnh nhân nặng cao nhất ghi nhận từ hôm 22/1. Hiện các bệnh viện trên cả nước Đức chỉ còn trống 3.804 giường bệnh. Căn cứ theo tiêu chí của dự luật trên, cả nước Đức đang có 349 trong tổng số 412 quận/huyện/thành phố (chiếm 85%) có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 và cần phải "hãm phanh khẩn cấp".
Đặc biệt có nhiều vùng ở hai bang Thüringen và Bayern có chỉ số xấp xỉ ở ngưỡng 400. Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm trên 25.800 ca nhiễm mới và 247 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước hiện là 160,1.
Liên quan tình hình tiêm chủng, tính đến nay, Đức đã tiêm chủng đủ mũi cho 5,3 triệu người (6,4% dân số), trong khi 15 triệu người (18,5% dân số) đã được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19. Bang Bremen đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tiêm chủng khi đã tiêm được mũi thứ nhất cho 21,6% dân số bang.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết nước này sẽ nối lại các chuyến bay cần thiết tới Anh và Brazil.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết nước này sẽ bắt đầu giai đoạn 3 của việc nới lỏng các hạn chế, từ ngày 19/4.
Cũng trong ngày 16/4, Bộ Y tế Anh cho biết số ca nhiễm mới ở vùng England có thể giảm nhanh hơn so với tuần trước. Tỷ lệ lây nhiễm hiện là 0,7 - 1,0, có nghĩa cứ 10 người mắc COVID-19 có thể sẽ lây cho từ 7 - 10 người khác. Tuần trước, tỷ lệ này là 0,8 - 1,0.
Mạnh Hùng - Ngọc Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất