01/06/2022 14:58 GMT+7 | Tin tức 24h
Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 1/6 liên Bộ Công thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho chu kỳ điều hành mới.
Giá xăng vượt 31.000 đồng một lít
Từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310-940 đồng một lít.
Giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.
Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.
Ở kỳ này, cơ quan điều hành cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng mỗi lít với xăng RON 95, 100 đồng với E5 RON 92. Riêng các mặt hàng dầu sẽ ngừng chi từ Quỹ bình ổn.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục ngừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng mức trích quỹ trở lại với mặt hàng dầu diesel lên 100 đồng, dầu mazut lên 300 đồng một kg; và giảm mức trích với dầu hoả từ 300 đồng về còn 100 đồng một lít.
Giá xăng có thể lên 31.000 đồng một lít
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 với RON 92 là 139,75 USD một thùng, còn RON 95 là 147,93 USD một thùng, tăng so với chu kỳ trước.
Tuần qua giá dầu thô Brent đã tăng tới 6%, chạm mức cao nhất 2 tháng qua và giá dầu thô WTI tăng 1,5%. Do đó, kỳ điều hành này giá xăng và dầu sẽ điều chỉnh tăng lần thứ 5 liên tiếp.
Dự báo, nếu không sử dụng và trích thêm Quỹ bình ổn, xăng có thể tăng trong khoảng 200-700 đồng một lít, còn dầu tăng khoảng 400 đồng.
Nếu nhà điều hành trích Quỹ thì giá sản phẩm này vẫn tăng nhưng trong khoảng 300-400 đồng một lít.
Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, so với 10 ngày trước, giá bán lẻ của các loại xăng trong nước đang thấp hơn giá bán xăng thành phẩm trên thị trường Singapore. Do đó, kỳ này nhà điều hành sẽ để giá xăng cán mốc trên 31.000 đồng.
Trong kỳ điều hành gần nhất ngày 23/5, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng và giảm giá dầu. Theo đó, giá xăng E5RON 92 lên mức 29.630 đồng một lít, RON 95 30.650 đồng một lít. Còn dầu diesel giảm 1.100 đồng một lít, giá bán là 25.550 đồng một lít; dầu DO giảm 970 đồng một lít, giá bán là 20.590 đồng một lít.
Giá xăng tại Mỹ liên tiếp lập mức cao kỷ lục mới
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Mỹ (AAA), giá trung bình của 1 gallon (3,78 lít) xăng trên toàn nước Mỹ đã tăng nhẹ vào ngày 31/5, đạt mức cao kỷ lục mới là 4,622 USD/gallon.
Giá xăng trung bình của Mỹ vừa đạt mức cao kỷ lục 4,619 USD/gallon vào ngày lễ Tưởng niệm (30/5). Dữ liệu mới nhất của AAA cho thấy, giá xăng đã tăng 2,4 xu Mỹ, tương đương 0,5% so với tuần trước và 44,4 xu Mỹ, tương đương 10,6% so với một tháng trước đó.
Tính đến ngày 31/5, tất cả 50 tiểu bang của Mỹ và Đặc khu Columbia có giá xăng trung bình đều trên 4 USD/gallon. Bang California có giá xăng cao nhất trong cả nước, trung bình 6,165 USD/gallon.
AAA cho biết, dầu thô đã tăng trên 115 USD / thùng do lo ngại về nguồn cung toàn cầu hạn chế hơn nữa do lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, nhu cầu xăng tại Mỹ có thể bắt đầu tăng lên khi các tài xế cần nhiên liệu cho mùa du lịch Hè cao điểm kéo dài ba tháng, bắt đầu vào cuối tuần này, bất chấp giá xăng tăng kỷ lục.
Andrew Gross, người phát ngôn của AAA, cho biết, nhu cầu dồn nén trong việc đi du lịch sau đại dịch đã lấn át việc giá xăng tăng cao đối với nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Gross lưu ý rằng 67% tài xế được khảo sát gần đây nói rằng họ sẽ thay đổi thói quen lái xe nếu xăng chạm mức 4,50 USD/gallon và tỷ lệ đó tăng lên 75% nếu xăng ở mức 5 USD/gallon.
Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên 31/5
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch 31/5 sau một thông tin cho biết một số nước sản xuất dầu đang xem xét ý tưởng tạm dừng sự tham gia của Nga vào thỏa thuận sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 2 USD, hay 1,7% xuống 115,60 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên 120,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 40 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 114,67 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên 119,98 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3.
Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các phái đoàn của OPEC cho biết dù OPEC không có quyết định chính thức nào trong việc sẽ gia tăng sản lượng để bù đắp cho khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Nga, nhưng một số thành viên ở vùng Vịnh đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc nâng lãi suất trong một vài tháng tới.
Ông Andrew Lipow từ Hiệp hội dầu Lipow ở Houston (Mỹ), cho biết việc đình chỉ Nga khỏi OPEC+ có thể là “điềm báo” cho việc Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ tận dụng năng lực sản suất còn dư thừa của mình, vì họ thấy rằng họ không còn một thỏa thuận về hạn ngạch sản lượng cần chú ý đến lợi ích của Nga.
Trước đó trong phiên này, giá dầu được hỗ trợ sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, Trung Quốc dỡ bỏ một số quy định hạn chế liên quan đến COVID-19 và mùa dịch chuyển vào mùa Hè tại Mỹ đã bắt đầu.
Dù đảo chiều vào cuối phiên này, nhưng cả dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI đều tăng giá khi tính chung cả tháng Năm, đánh dấu tháng thứ sáu tăng giá liên tiếp, với mức tăng hơn 70% trong cả thời kỳ này.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất